Quốc tế

Mỹ trở thành nước nhập khẩu vũ khí

Gặp khó trong nhiều chương trình vũ khí công nghệ cao, nhất là tên lửa siêu thanh, Mỹ đã chọn cách nhập khẩu từ nước ngoài.

Hải quân Mỹ và nhà thầu thuộc Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (Forsvarets forskningsinstitutt - FFI) vừa ký hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh Nammo - bản hợp đồng được ký kết sau khi Na Uy đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công với Nammo. Dòng tên lửa được thiết kế đặc biệt với hệ thống động cơ đẩy Ramjet.

Loại động cơ này có cấu tạo khác với các loại động cơ phản lực thông thường: Thay vì sử dụng máy nén, động cơ phản lực thẳng dùng chính áp suất do luồng không khí ở tốc độ cao tạo ra để nén khí vào buồng đốt, điều này khiến động cơ Ramjet hoạt động hiệu quả ở các vận tốc rất lớn và dễ dàng đẩy quả tên lửa bay với vận tốc Mach 5 hoặc nhanh hơn.

Tên lửa Nammo.

Theo nhận định từ chuyên gia của tạp chí Jane's, việc Mỹ phải tìm đến nhà sản xuất Na Uy trong viêc phát triển dòng tên lửa tốc độ cao cho thấy Mỹ đang gặp khó trong linh vực này. Bằng chứng là hiện mới chỉ có chương trình X-51A được biết đến nhưng chỉ sau 1 vài lần phóng thử, chương trình này đã không được nhắc đến.Hiện nay, FFI đã thực hiện hơn 200 thử nghiệm khác nhau tại trung tâm của mình ở Raufoss, Na Uy, mô phỏng tốc độ từ Mach 3 đến Mach 5 và tất cả đều hoạt động rất tốt và chứng minh được hiệu quả cũng như độ tin cậy.

Không chỉ với vũ khí siêu thanh, trang National Interest của Mỹ vừa tiết lộ thông tin bất ngờ rằng, Na Uy đang trở thành vị cứu tinh cho nhiều chương trình vũ khí công nghệ cao của Mỹ, trong đó, có chương trình máy bay F-35 và chiến hạm LCS.

Cụ thể, hãng Kongsberg của Na Uy tuyên bố kế hoạch phát triển phiên bản mới của tên lửa Naval Strike Missile (NSM) dành cho tiêm kích thế hệ 5 F-35 do Mỹ phát triển theo đề nghị của Lầu Năm Góc. Hiện nay trên thế giới chỉ có NSM đạt tiêu chuẩn tên lửa thế hệ 5 - thế hệ tên lửa tất cả các nhà thầu quốc phòng Mỹ đều chưa đủ khả năng phát triển.

Tên lửa NSM có thể được phóng đi từ nhiều phương tiện khác nhau như trực thăng, tàu chiến, từ đất liền... và sắp tới là F-35. Sau khi đạt độ cao và tốc độ phù hợp, động cơ phản lực sẽ khởi động và giữ nguyên tốc độ và lao đến mục tiêu. NSM có tầm bắn khoảng 160km.

Đại diện của Kongsberg cho biết, không giống với tên lửa như P-800 Oniks của Nga, có thể đạt tốc độ Mach 2.5, NSM không có tốc độ siêu thanh nhưng họ tin rằng trong chiến tranh hiện đại, "tên lửa thông minh sẽ hiệu quả hơn tên lửa có tốc độ bay nhanh".

Theo giải thích, thay vì cố vượt qua lưới phòng không của đối phương nhờ tốc độ cao, Kongsberg chọn giải pháp tàng hình và khiến radar đối phương bị mù trước đòn tấn công. Ngoài ra, NSM còn tạo nên sự khác biệt rất lớn với hầu hết các tên lửa chống hạm hiện có.

Hiện nay, phần lớn các tên lửa chống hạm trên thế giới sử dụng một thiết bị radar chủ động để định vị mục tiêu. Mặc dù rất hiệu quả, song việc tên lửa phát sóng vô tuyến khi nhằm vào mục tiêu sẽ khiến nó bị các thiết bị điện tử phát hiện.

Không được thiết kế như vậy, NSM sử dụng hệ thống cảm biến tia hồng ngoại. Ngoài ra, NSM sẽ chủ động đối hướng bay lên cao để tránh các loại vũ khí phòng vệ tầm gần của các tàu chiến. Trước khi tiếp cận mục tiêu, hệ thống đặc biệt của NSM sẽ tự xác định điểm yếu của mục tiêu để tung ra cú đánh hiệu quả nhất.

Để tăng cường khả năng xuyên phá, tên lửa được lắp đặt một đầu đạn nổ nặng 125kg, có vỏ ngoài làm bằng titan. Nói về NSM, chuyên gia của National Interest thừa nhận, những tính năng kể trên hoàn toàn chưa xuất hiện trong bất kỳ chương trình vũ khí nào của Mỹ. Đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ tìm cách hợp tác.

Theo Tuấn Vũ/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo