Quốc tế

Mỹ tự 'chọc mù' trước sức mạnh quân sự Nga?

Người Nga tin rằng công nghệ do thám mà Moscow sử dụng trong Hiệp ước Bầu trời mở đi trước công nghệ của Mỹ từ 5 đến 6 năm.

Nỗi sợ mù mờ và hoang tưởng

Tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 10 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đã ký vào văn kiện về việc Mỹ dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với Nga. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này cũng như chưa trả lời câu hỏi liệu Mỹ có thực sự quyết định rút khỏi hiệp ước hay không.

Theo nguồn tin, các cuộc thảo luận đang diễn ra và “với Tổng thống này thì mọi thứ đều có thể”. Wall Street Journal trích dẫn những người phản đối hiệp ước trong chính quyền của Tổng thống Mỹ cho rằng Nga "đã can thiệp vào các chuyến bay giám sát của Mỹ" và thu thập thông tin tình báo về Mỹ.

Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Ngoài ra, các nguồn tin khẳng định Nga đã ngăn cản Mỹ và Canada thực hiện chuyến bay giám sát ở khu vực châu Âu của nước này vào ngày 20/9. Theo Mỹ, nhà chức trách Nga cho biết không phận trong khu vực đó bị đóng cửa do các cuộc tập trận và chuyến bay của các quan chức Nga.

Một người phát ngôn của chính quyền Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước, không như Nga”, và từ chối thảo luận về tương lai của hiệp ước.

Ngày 26/10, 11 thành viên Thượng viện Mỹ đã viết thư yêu cầu Tổng thống Trump không rút khỏi hiệp ước trên, vì điều này sẽ chỉ gây tổn hại cho các nước. Thay vào đó họ kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ đảm bảo rằng Nga tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Trước đó một số thành viên của Quốc hội Mỹ cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, họ gọi việc rút khỏi thỏa thuận là "món quà cho Tổng thống Nga Vladimir Putin", cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này sẽ gây nguy hiểm cho Ukraine.

Ngay từ hồi đầu tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Elliot Engel cho hay những thông tin nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là đáng quan ngại do một hành động như vậy có thể sẽ giúp Nga và làm tổn hại các đồng minh của Mỹ.

Rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ có nguy cơ "mất dấu" các hoạt động triển khai quân sự của Nga

Trong bức thư gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien, ông Engel nêu rõ: "Tôi quan ngại sâu sắc về những thông tin nói rằng Chính quyền Trump đang cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và hối thúc mạnh mẽ ông phản đối một hành động liều lĩnh như vậy. Việc Mỹ rút khỏi (Hiệp ước Bầu trời mở) sẽ chỉ có lợi cho Nga và có hại cho các đồng minh, các đối tác của chúng ta cũng như những lợi ích an ninh quốc gia".

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992, cho phép các bên tham gia ký kết tiến hành hoạt động giám sát trên không, thông qua các chuyến bay giám sát được lên kế hoạch trên không phận của nhau. Hiện có 30 nước đang tham gia hiệp ước này. Phía Nga nhấn mạnh cam kết thực hiện các nghĩa vụ và đang thể hiện "sự linh hoạt tối đa" để duy trì của thỏa thuận.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, Hiệp ước Bầu trời mở năm 1992 không phải là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chủ đạo. Tuy nhiên, tin tức Mỹ có ý định rút khỏi hiệp ước thậm chí gây quan ngại hơn nhiều so với việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm 2018. Nếu Mỹ từ bỏ hiệp ước này, thì Mỹ và Nga sẽ “mù mờ” về hoạt động triển khai quân sự của mỗi bên, khiến các vị tướng lĩnh “hoang tưởng” có một lý do mới để lo sợ.

Nga hào hứng, Mỹ bất mãn

Hiệp ước Bầu trời mở là sáng kiến của Tổng thống George H.W. Bush khi Liên Xô vẫn tồn tại. Ông cho rằng Mỹ và Liên Xô và các đồng minh, cần được phép thực hiện các chuyến bay do thám được thông báo trước 24 giờ trên không phận lãnh thổ của nhau để chụp ảnh binh sĩ và thiết bị quân sự.

Ý tưởng này, ban đầu được khởi xướng bởi Tổng thống Dwight Eisenhower, nhằm đảm bảo rằng không có sự chuẩn bị quân sự giấu giếm nào được triển khai. Liên Xô đã phản đối ý tưởng này nhưng sau này Nga đã đồng ý ký kết. Tuy nhiên, Nga vẫn thể hiện sự nghi ngại bởi phải cho tới năm 2001, Nga mới thông qua hiệp ước.

Trên khoang một chiếc Tu-154M của Nga sử dụng giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở

Nhưng ở thời điểm hiện tại, Bloomberg cho rằng, Nga dường như hào hứng với hiệp ước này hơn so với Mỹ bất chấp những tranh cãi không ngớt của các bên về mọi khía cạnh của mối quan hệ, từ các hạn chế hoạt động bay trên vùng trời của nước khác đến bộ lọc ánh sáng camera và các thông số kỹ thuật của bộ cảm biến.

Ngay cả khi Mỹ đã thực hiện các chuyến bay do thám trên bầu trời Nga nhiều hơn 2 lần so với Nga thực hiện trên bầu trời Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn tuyên bố rằng sẽ là điều “đáng buồn” nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước này.

Giới chuyên gia phương Tây thừa nhận, lý do khiến Nga “hào hứng” là vì sở hữu lợi thế công nghệ. Moscow đã đầu tư vào các máy bay mới và thiết bị do thám kỹ thuật số. Mỹ thì bị đánh giá “hà tiện” với khoản đầu tư này.

Bức ảnh cho thấy hình ảnh hệ thống camera cũ kỹ trên một chiếc máy bay quan sát của Mỹ

Năm 2018, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã hủy các kế hoạch thay thế 2 máy bay do thám OC-135 lỗi thời do dù Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là James Mattis phàn nàn rằng Mỹ chỉ có thể hoàn thành 2/3 các sứ mệnh đã được lên kế hoạch vì tình trạng lỗi thời của máy bay do thám, trong khi Nga có thể hoàn thành 100% các chuyến bay đã lên kế hoạch.

Sergei Ryzhkov, một sĩ quan phụ trách khâu kiểm soát tuân thủ hiệp ước thuộc Bộ Quốc phòng Nga, gần đây viết trên tờ “Sao đỏ” cho rằng công nghệ do thám của Nga được sử dụng trong hiệp ước này đi trước công nghệ của Mỹ từ 5 đến 6 năm.

Các chuyến bay do thám theo hiệp ước nói trên chỉ được thông báo trước 24 giờ giúp gia tăng lợi thế để các chuyến bay này ghi lại những đánh giá chính xác. Các máy bay do thám dạng này cũng có thể trở về bằng chính con đường đã bay qua để cung cấp loạt hình ảnh toàn diện hơn mà những vệ tinh quay quanh một quỹ đạo cố định không thể làm được.

Nga tự tin công nghệ do thám của nước này trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở đi trước Mỹ từ 5-6 năm

Tuy nhiên, thay vì chạy đua với những tiến bộ công nghệ do thám của Nga, Mỹ đã tự trói tay bằng việc đình chỉ việc cấp vốn cho các hoạt động thuộc hiệp ước cho đến khi Mỹ xác định được rằng Nga hoàn toàn tuân thủ hiệp ước này.

Bloomberg thừa nhận, đang có quá nhiều sự bất tín giữa các cộng đồng tình báo và quân sự của Nga và Mỹ. Do đó, những hành động buộc tội và tố cáo lẫn nhau giữa hai nước là khó tránh khỏi. Hiệp ước Bầu trời mở có thể góp phần “đình chỉ” sự bất tín của cả hai bên.

Trong một mối quan hệ đối kháng, nguyên tắc “hãy cho tôi xem cái anh có và tôi sẽ cho anh xem cái tôi có” là một nguyên tắc quan trọng. Điều này có ý nghĩa hơn cả bất kỳ cam kết nào về việc không phát triển những loại vũ khí nhất định. Đó là lý do mà Nga và Mỹ cần duy trì Hiệp ước Bầu trời mở.

Theo Bảo Minh/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo