Quốc tế

NATO "chết não" hay... "không não"?

NATO giờ đây trở thành một công cụ mở rộng địa chính trị nhằm mục đích kích thích ngành công nghiệp quân sự của các nước phương Tây.

Nga lo ngại viễn cảnh NATO bất ngờ tấn công đánh chiếm Kaliningrad / Những lần "lĩnh trái đắng" của chiến đấu cơ Liên Xô khi đi "dằn mặt" NATO

Pháp nói lời cay đắng với NATO

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Economist được công bố ngày 7/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng “chết não của NATO”. Ông Macron chỉ trích về sự thiếu phối hợp giữa châu Âu và Mỹ cũng như những hành động gây hấn ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng trong NATO.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: "Những gì chúng ta hiện đang cảm nhận là sự tê liệt của NATO. Bạn không có sự phối hợp nào về việc ra quyết định chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh trong NATO. Không hề có sự phối hợp nào".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Phản ứng trước phát biểu trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày 7/11 đã bác bỏ quan điểm của Tổng thống Pháp, cho rằng những bình luận như vậy là không cần thiết. Bà Merkel nêu rõ: “Tôi không cho rằng những ý kiến chung chung như vậy là cần thiết, thậm chí nếu chúng ta có rắc rối gì đi nữa và cần phải phối hợp ăn ý với nhau”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định NATO vẫn là tổ chức đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử. Phát biểu họp báo sau cuộc gặp Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ông Pompeo nhấn mạnh: "Tôi cho rằng NATO vẫn là một đối tác quan trọng, có lẽ là tổ chức đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử".

Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Donald Trump rằng tất cả các thành viên của liên minh quân sự này cần thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình để đảm bảo năng lực phòng thủ tập thể.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Pháp Macron buông lời cay đắng với NATO. Ngày 18/10, nhà lãnh đạo Pháp đã phê phán chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria là “điên rồ” và chỉ trích việc NATO không thể phản ứng với cuộc tấn công của Ankara là một “sai lầm nghiêm trọng”.

NATO “chet nao” hay...khong nao?
Pháp "cay cú" vì bị Mỹ bỏ rơi tại Syria?

Trao đổi với báo giới sau khi dự họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu ở Brussels, ông Macron nêu rõ: “Tôi coi những việc đã xảy ra trong vài ngày gần đây là một sai lầm nghiêm trọng của phương Tây và NATO trong khu vực và nó đã làm suy yếu uy tín của chúng ta trong việc tìm kiếm các đối tác, những người sẽ đứng về phía chúng ta khi nghĩ rằng họ được bảo vệ trong dài hạn và điều đó phát sinh những câu hỏi về cách vận hành của NATO”.

Ông Macron cũng cho biết, ông nắm được quyết định của Mỹ về việc rút quân khỏi miền Bắc Syria thông qua mạng xã hội Twitter và cùng lúc với chiến dịch đơn phương của Ankara, điều này khiến châu Âu trở thành một đồng minh thấp cấp của Mỹ ở Trung Đông. Trên thực địa, lính đặc nhiệm của Pháp thậm chí còn bị các đồng minh Mỹ bỏ mặc tại căn cứ ở Syria mà không được cung cấp hậu cần.

Bạch tuộc không não

Giới phân tích phương Tây đang tự hỏi, tại sao một liên minh được tạo ra từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay vẫn tồn tại? Có ý kiến cho rằng liên minh vẫn tồn tại và không liên quan nhiều đến mục đích ban đầu. Thay vào đó, NATO giờ đây trở thành một công cụ mở rộng địa chính trị nhằm mục đích kích thích ngành công nghiệp quân sự của các nước phương Tây, thúc đẩy và bảo vệ các khoản đầu tư của các công ty trên toàn thế giới.

Ngoài ra, việc các quốc gia NATO bán vũ khí thúc đẩy các cuộc xung đột vũ trang nội bộ và liên quốc gia, là nguyên nhân mạnh mẽ của tình trạng bất ổn địa chính trị đang gia tăng trên thế giới. Các thế lực trong NATO cố đạt được mục đích nhận được các khoản chi tiêu quân sự lớn, gia tăng khối lượng xuất khẩu vũ khí, sau đó có thể lợi dụng sự bất ổn địa chính trị mà họ kích động, khép lại một vòng luẩn quẩn.

 

NATO “chet nao” hay...khong nao?
NATO không còn mục đích chung để tồn tại?

Hồi tháng 4 vừa qua, tờ Washington Post của Mỹ đã có bài phân tích nhân dịp NATO kỷ niệm 70 năm thành lập, theo đó liên minh quân sự này dường như bỏ qua mức độ sức ép mà những lợi ích quốc gia khác biệt sẽ tiếp tục đặt ra và thay đổi, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của khối.

Vấn đề không chỉ nằm ở mâu thuẫn thường được nhắc tới là mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, mà còn do Mỹ và nhiều nước châu Âu đối mặt với những mối đe dọa riêng biệt và thường diễn giải những mối đe dọa này theo cách khác nhau.

Không giống như thời điểm thành lập NATO năm 1949, khi tất cả thành viên đều đối mặt với một mối đe dọa chung vốn được coi là Liên Xô. Giờ đây, các thành viên lại có những quan điểm khác biệt đối với Moscow và đối mặt với những mối đe dọa từ những khu vực khác nhau trên thế giới.

NATO “chet nao” hay...khong nao?
NATO thực chất vẫn dựa vào Mỹ và nhắm Nga làm "đích sống"

Hiện nay, NATO vẫn “nhắm” vào Nga như một mối đe dọa chính. Tuy nhiên, các đồng minh trong NATO lại nhìn nhận vấn đề này theo những cách khác nhau.

Tờ báo Mỹ cho rằng không có gì ngẫu nhiên khi 4 trong số 7 thành viên NATO chi gần 2% GDP cho quốc phòng lại là những nước vệ tinh của Liên Xô trước đây và có chung biên giới với Nga. Các nước láng giềng hoặc gần kề với Nga như Na Uy, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chi hơn mức trung bình của NATO là 1,36% GDP cho quốc phòng.

 

Trong khi đó, các nước Trung Âu có cách nhìn nhận khác về “mối đe dọa Nga” nên họ cũng hành động khác. Trừ cựu cường Pháp, mỗi nước thành viên NATO ở Trung và Tây Âu đều chi tiêu ở mức trung bình hoặc dưới trung bình theo quy định của NATO. Các nước này không cảm thấy bị đe dọa bởi Nga và không muốn chi thêm tiền để hỗ trợ các đồng minh của mình.

NATO “chet nao” hay...khong nao?
Pháp đang dẫn đầu nỗ lực xây dựng quân đội riêng của EU

Nhiều nước thậm chí còn không muốn bảo vệ các đồng minh của họ trước một cuộc tấn công từ Nga. Một cuộc thăm dò năm 2017 của Pew cho thấy chỉ 40% người Đức ủng hộ việc sử dụng quân đội của nước mình để bảo vệ một đồng minh nếu bị Nga tấn công. Do đó, Đức kiên quyết từ chối tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của mình, sẵn sàng thách thức các đồng minh và thúc đẩy một dự án khí đốt ở Biển Baltic mà giới chỉ trích cho rằng sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào việc cung cấp khí đốt từ Nga.

Đối với Mỹ, tâm điểm lại được tập trung vào Trung Quốc. Cơ quan Tình báo quốc phòng của Mỹ gần đây cảnh báo rằng sự lớn mạnh trong năng lực quân sự của Trung Quốc đã đe dọa vai trò bá quyền của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Việc phải chiến đấu trên hai mặt trận khiến Mỹ phải thu hẹp cam kết với các liên minh khác trong tương lai.

Những bất đồng trên sẽ khiến NATO không chỉ “chết não” mà hiện đang trong tình trạng “không não”. Điều đó có nghĩa là NATO vẫn tồn tại như một thực thể, một liên minh quân sự lớn nhất hành tinh nhưng không có một trung tâm đầu não thống nhất về mục tiêu và các biện pháp hành động. Sự chia năm sẻ bảy trong nội bộ NATO về hàng loạt vấn đề khiến liên minh này giống như một con bạch tuộc khổng lồ nhưng bộ não không thể kiểm soát các xúc tua.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm