Trong tình huống giả sử các tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc đối đầu, Hải quân Mỹ sẽ giành chiến thắng. Đây là nhận định của Konstantin Sivkov, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga.
Vai trò quyết định đến kết quả một trận hải chiến hiện đại không nằm ở sức mạnh và số lượng vũ khí tấn công, mà phụ thuộc vào khả năng hệ thống trinh sát trên đại dương, chuyên gia Konstantin Sivkov viết trên ấn phẩm Tạp chí Công nghiệp quốc phòng Nga.
Vượt trội hơn đối thủ về mặt này, Hải quân Mỹ có thể san bằng đáng kể sự vượt trội của Trung Quốc về mặt tên lửa chống hạm siêu thanh.
Trong khi Mỹ có hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới, Trung Quốc mới chỉ có 1 tàu đã đóng, 1 tàu khác sắp hoàn thành để có thể đạt mục tiêu có được 5-6 chiếc nhằm khẳng định sức mạnh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Chuyên gia tên lửa và pháo binh Nga giả định, vì Trung Quốc thiếu sự trợ giúp từ các căn cứ nước ngoài nên trận chiến có thể diễn ra gần các căn cứ trong phạm vi 500 đến 1.500 km so với bờ biển Trung Quốc.
Nếu người Mỹ cố áp đặt một trận chiến ở giữa biển khơi, phía Trung Quốc sẽ tránh nhưng khi không thể tránh, họ sẽ cố né mục tiêu hỏa lực.
Qua so sánh, tàu sân bay Trung Quốc có kích thước bằng một nửa so với các tàu sân bay Mỹ. Hoạt động của nó sẽ phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay tuần tra H-6K và giám sát vệ tinh để xác định vị trí của tàu sân bay Mỹ.
Ngược lại, các tàu sân bay Mỹ trang bị máy bay cảnh báo trên không E-2 Hawkeye, máy bay tác chiến điện tử EA-18, cũng như các máy bay chỉ huy cảnh báo sớm AWACS.
Ông Konstantin Sivkov tin rằng, hệ thống phòng thủ của nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ vô hiệu hóa các tàu ngầm và máy bay tuần tra của Trung Quốc, khiến họ không xác định được vị trí đối phương.
Ngay khi máy bay và tàu ngầm Mỹ phát hiện được vị trí đối thủ, tàu ngầm Mỹ lập tức thu hút hạm đội Trung Quốc bằng tên lửa chống hạm. Ở giai đoạn này, các bên sẽ phải chịu một số tổn thất nhất định.
Đến giai đoạn mấu chốt, chuyên gia Sivkov ước tính rằng tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể tấn công với khoảng 5-6 máy bay. Những chiếc tiêm kích này sẽ phóng tên lửa chống hạm có thể vô hiệu hóa hoặc đánh chìm một vài tàu khu trục của Mỹ hộ tống nhóm tàu sân bay.
Nhưng tàu sân bay Mỹ có thể tập hợp lực lượng tấn công gồm 30 máy bay, tiêu diệt một số tàu hộ tống của Trung Quốc. Để tiêu diệt tàu sân bay Trung Quốc, phía Mỹ sẽ cần phải phát động cuộc tấn công thứ hai.
Trong khi đó, 4 hoặc 5 tàu khu trục Trung Quốc, mỗi tàu mang 16 tên lửa YJ-18 hướng về tàu sân bay Mỹ.
Mô hình hóa tình huống ở giai đoạn này cho thấy, bằng cuộc tổng tấn công từ 30 đến 40 tên lửa chống hạm YJ-18, Trung Quốc sẽ khiến tàu sân bay Mỹ ngừng hoạt động với xác suất từ 20 đến 30%.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ sử dụng sự hỗ trợ triệt để của các tàu hộ tống và máy bay để tiêu diệt mối đe dọa từ tàu Trung Quốc. Hiệu quả của cuộc tấn công thứ hai (khoảng 24 máy bay trên tàu sân bay) làm tê liệt 40-50% tàu sân bay Trung Quốc.
Kết quả, ông Sivkov cho rằng, lực lượng Trung Quốc sẽ rút lui, trong khi Mỹ sẽ đuổi theo và thực hiện cuộc không kích cuối cùng.
Tổng kết lại, tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị hư hỏng nặng, thậm chí bị đánh chìm, cùng với 4-5 tàu bảo vệ, 1-2 tàu ngầm và hơn một nửa số máy bay trên tàu sân bay.
Về phía Mỹ, họ sẽ mất 2-3 tàu chiến, 17-20% số máy bay trên tàu sân bay. Tàu sân bay Mỹ sẽ chịu ít thiệt hại hoặc không bị gì cả, còn tàu sân bay Trung Quốc sẽ mất khả năng tiếp tục chiến đấu.
Kịch bản nói trên đặt trong tình huống tàu ngầm và máy bay trên đất liền của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa, nhưng thực tế đây là điều còn khó khăn.
Điều thú vị nữa là nhà phân tích Nga giả định rằng trận chiến giữa tàu sân bay thế kỷ 21 giống mô tip trận chiến từng diễn ra ở Thái Bình Dương thời Thế chiến II với máy bay mặt đất và tàu ngầm ở vòng ngoài.
Tuy nhiên, trong tương lai, các vũ khí hiện đại như tên lửa tầm xa, máy bay ném bom trang bị tên lửa siêu thanh, tàu ngầm cực êm và vệ tinh trinh sát có thể thay đổi toàn bộ cục diện trận chiến.
Theo Hải Yến/An ninh Thủ đô
Theo Hải Yến/An ninh Thủ đô