Sau khi lần đầu tiên cho Su-35 bắn hạ các UAV Israel, giới quan sát nhận định có thể Nga đã chính thức 'bật đèn xanh' cho tổ hợp tên lửa S-300 Syria khai hỏa nhắm vào chiến đấu cơ của Không quân Israel.
Chiến đấu cơ Su-35 Nga đã lần đầu tiên tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) của Israel ở Syria. Động thái bất ngờ này cho thấy Matxcơva ngày càng có hành động quân sự cứng rắn nhắm vào Tel Aviv tại chiến trường nóng bỏng này.
Nga hiện vẫn bị mang tiếng là "đi đêm" với Israel khi để cho các chiến đấu cơ của không quân nước này "tự do" ra vào không phận Syria để tấn công Iran và quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Assad.
Các hệ thống phòng không cực mạnh S-300 do Nga chuyển giao cho Syria vẫn "im hơi lặng tiếng" dù trước đó nó đã được thông báo sẵn sàng chiến đấu.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Nga chưa "mở trói" cho S-300 Syria bắn chiến đấu cơ Israel vì lo ngại cuộc chiến tại đây leo thang, điều này sẽ bất lợi cho Nga. Và hơn thế, giữa Matxcơva và Tel Aviv vẫn đang duy trì mối quan hệ chiến lược.
Có không ít ý kiến cho rằng, rất có thể Nga đã bật mí một phần mã nguồn S-300 Syria cho Israel để đổi lại công nghệ chế tạo UAV chiến đấu.
Tuy vậy dù là lý do gì đi nữa thì việc S-300 bị "ngậm hột thị" quá lâu sẽ gây ảnh hưởng tới danh tiếng của các hệ thống vũ khí Nga.
Mặt khác Israel ngày càng có những cuộc tấn công táo bạo hơn nhằm vào Syriia, điều này gây tác động xấu tới vị thế đồng minh thân cận của Nga tại khu vực này.
Chính vì vậy rất có thể cho Su-35 bắn hạ UAV Israel là bước khởi đầu cho việc "bật đèn xanh" để các hệ thống S-300 Syria khai hỏa nhằm vào không quân Do Thái.
S-300 được Tập đoàn Almaz-Antey phát triển, sử dụng tên lửa do Cục thiết kế MKB Fakel và NPO Novator chế tạo.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại.
Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này.
Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Hiện nay Nga tiếp tục nâng cấp và sản xuất các tổ hợp phòng không S-300 cho mục đích xuất khẩu.
Mới đây nhất họ cũng đã chuyển các hệ thống phòng thủ S-300 cho Syria.
Dù được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên, khác với Patriot của Mỹ, S-300 của Nga vẫn chưa một lần khai hỏa trong thực chiến.
Giới quan sát cho rằng, chiến trường Syria sẽ là nơi "Rồng lửa" S-300 thị uy sau thời gia dài chờ đợi.
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô