Nga giám sát mọi hoạt động của phương Tây bằng siêu radar
Thông tin về việc Nga tăng cường khả năng giám sát đối thủ đã được Tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga cho biết, theo đó nước này đã bắt đầu triển khai các đơn vị phòng thủ vũ trụ ở Bắc Cực ngay từ đầu năm 2014 và xây dựng radar cảnh báo tên lửa sớm tại vùng cực Bắc của nước này.
"Việc mở rộng phạm vi bao quát của radar cảnh báo tên lửa sớm là một trong những lĩnh vực chính trong công việc của chúng tôi, đặc biệt là khi nó vươn đến cực Bắc của nước Nga, chúng tôi đã bắt đầu triển khai các đơn vị tác chiến điện tử tại Bắc Cực", Thiếu tướng Alexander Golovko, tư lệnh Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga cho biết.
Hiện nay, Nga đã hoàn thành việc xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa toàn diện của mình vào năm 2018. Bốn trạm radar cảnh báo sớm Voronezh-DM thuộc một phần của mạng lưới này đã được xây dựng, ở Krasnodar, Leningrad, Kaliningrad và Irkutsk. Trong đó, 2 trạm ở Kaliningrad, Irkutsk và ở Bắc Cực cũng mới hoàn thiện.
Ngoài trạm radar ở Vorkuta, Nga cũng đang chuẩn bị xây dựng các hệ thống radar thế hệ mới tại các vùng lãnh thổ Krasnoyarsk và Altai, cũng như ở miền Trung nước Nga (thuộc khu vực Orenburg), ông Golovko cho biết.
Theo nguồn tin quốc phòng Nga tiết lộ, hệ thống radar Voronezh-DM là loại trạm radar cảnh báo sớm tên lửa thế hệ mới nhất của Nga, có thể phát hiện ra mục tiêu từ cự li xa tới 6.500 km. Tất cả các mục tiêu trong tầm phát hiện của Voronezh-DM đều được hiển thị rõ ràng lên một màn hình LCD cỡ lớn, độ phân giải cao để có thể đánh giá về đối phương.
Điều đặc biệt, Quân đội Nga có thể nhanh chóng tái bố trí các trạm radar Voronezh-DM đến những khu vực khác và cần ít nhân lực vận hành hơn so với những trạm radar thế hệ trước. Ngoài những trạm radar Voronezh-DM, hiện nay Nga cũng đang sở hữu mạng lưới radar có năng lực giám sát hàng đầu thế giới.
"Những trạm radar Gamma-S1M và Nebo-UM đã bắt đầu đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu cùng một đơn vị phòng không trực thuộc lực lượng phòng thủ Nga", Tướng Golovko cho biết.
Những hệ thống radar này sẽ là tai mắt của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga mà nòng cốt là các trạm radar thế hệ mới Voronezh-DM không chỉ bao quát bảo vệ các con đường dẫn tới không phận Nga và kiểm soát khoảng không vũ trụ phân nửa thế giới, mà khi cần còn có khả năng ngăn chặn cuộc tận diệt hạt nhân.
Hệ thống cảnh báo sớm của Nga nhận được tín hiệu từ radar mặt đất thế hệ mới đa băng tần Voronezh-DM và cả vệ tinh trực nhật trên quỹ đạo. Nhờ đó, hệ thống sẽ phát hiện ngay điểm phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trên thế giới và chỉ sau vài phút đã có thể xác định được đường bay của tên lửa.
Phía Mỹ cho rằng, việc Nga phát triển mạng lưới radar cảnh giới siêu hiện đại dày đặc thực chất nhằm đối phó lại Dự án Falcon của Lầu Năm Góc. Theo đó, Mỹ sẽ sớm có một loại vũ khí siêu thanh siêu hiện đại (AHW) có tốc độ bay khoảng 6 km/s và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Tờ Defense News dẫn tuyên bố của ông Dmitry Kornev, Tổng biên tập Báo điện tử quân đội Nga: "Vũ khí siêu thanh của Mỹ được đẩy bằng một động cơ tên lửa vào không gian bên ngoài. Sau đó nó tách khỏi hệ thống đẩy, tăng tốc, leo lên cao và bay liệng với vận tốc khoảng 6 km/s trên mực nước biển. Nó chao liệng và sau đó bổ nhào xuống mục tiêu, rất khó phát hiện bằng radar đặt trên mặt đất được thiết kế để phát hiện tên lửa ICBM bay ở tầm cao hơn".
End of content
Không có tin nào tiếp theo