Quốc tế

Nga nêu điều kiện tạm ngừng hoạt động quân sự ở Mariupol

Ông Lavrov: Nga chưa nhận được phản hồi của Ukraine về đề xuất hòa bình.

Nga phản bác tuyên bố của Mỹ về tình hình chiến sự tại Mariupol / Lý do khiến Mariupol đặc biệt quan trọng với Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine

Bình luận về hoạt động đàm phán giữa Nga và Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các phát ngôn từ Kiev cho thấy Ukraine không mấy mặn mà với việc thương thảo cùng Nga.

Hòa đàm giữa hai bên hiện đang bị chững lại bởi Moscow vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Kiev sau khi trao đề xuất hòa bình mới đây, Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho biết.

Nga nêu điều kiện tạm ngừng hoạt động quân sự ở Mariupol - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: Nga chưa nhận được phản hồi của Ukraine về đề xuất hòa bình. Ảnh: Reuters

Trước đó, phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov đã tiết lộ thông tin về dự thảo thỏa thuận mà Moscow đã gửi cho Kiev và khẳng định "bóng đang ở trong sân của Ukraine". Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lại nói rằng, Kiev vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Nga liên quan đến hòa đàm.

Hoạt động quân sự ở Mariupol sẽ chỉ được tạm ngừng vì lý do nhân đạo nếu các lực lượng Ukraine hiện đang cố thủ trong nhà máy Azovstal giương cờ trắng đầu hàng, TASS dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga - Mikhail Mizintsev cho biết.

"Tạm ngừng nhân đạo sẽ bắt đầu khi lực lượng Ukraine giương cờ trắng ở vòng ngoài hoặc dọc theo những tuyến đường nhất định dẫn ra khỏi Azovstal", ông Mizintsev nói.

Ông Mizintsev nhấn mạnh, ngay khi phía Nga thấy cờ trắng trên bất cứ con đường nào dẫn ra khỏi Azovstal, thì quân đội Nga và lực lượng Donetsk sẽ hủy bỏ các chiến dịch tấn công và đảm bảo lối thoát an toàn tới các địa điểm tập kết của các đoàn xe nhân đạo.

Moscow vẫn duy trì phương thức tiến hành hoạt động nhân đạo như cũ: Công tác sơ tán sẽ được thực thi tới các vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, hoặc tới Nga tùy theo mong muốn của người di tản.

 

Các binh lính của quân đội Ukraine, chiến binh thuộc các đơn vị dân tộc chủ nghĩa và lính đánh thuê nước ngoài đều sẽ được đảm bảo an ninh và tính mạng nếu đầu hàng.

Thị trưởng Mariupol khẩn cầu được "sơ tán toàn bộ" dân cư

Thị trưởng Mariupol đã đưa ra lời khẩn cầu mới, mong được "sơ tán toàn bộ" dân cư khỏi thành phố miền Nam Ukraine sau khi Moscow khẳng định Mariupol đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng Nga.

"Chúng tôi chỉ cần duy nhất 1 điều - sơ tán toàn bộ dân cư. Khoảng vẫn còn khoảng 100.000 người ở Mariupol", Thị trưởng Vadym Boichenko nói trên sóng truyền hình quốc gia.

Theo Reuters, ông Boichenko hiện không còn ở Mariupol và không cung cấp bất cứ thông tin cập nhật nào về tình hình giao tranh tại thành phố cũng như khu vực lân cận.

Tổng thống Ukraine: Nga khước từ kêu gọi ngừng bắn dịp lễ Phục sinh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho rằng, chính phủ Nga đã khước từ lời kêu gọi ngừng bắn dịp lễ Phục sinh.

 

"Tiếc là Nga đã khước từ đề xuất thiết lập cơ chế ngừng bắn dịp lễ Phục sinh", ông Zelensky nói trong video mới đăng tải, "Nhưng chúng tôi vẫn giữ hy vọng. Hy vọng hòa bình, hy vọng sự sống sẽ vượt qua cái chết".

Nga nêu điều kiện tạm ngừng hoạt động quân sự ở Mariupol - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN

Theo Al Jazeera, hiện chưa rõ lời kêu gọi ngừng bắn mà ông Zelensky nói tới là đề xuất nào mặc dù trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres có lên tiếng đề nghị các bên ngừng bắn 4 ngày trong Tuần thánh để tạo điều kiện cho dân thường sơ tán và vận chuyển viện trợ nhân đạo vào các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Guterres, phía Nga khẳng định: Moscow đã đề nghị tạo lập các hành lang nhân đạo nhưng Ukraine không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

OAS đình chỉ tư cách quan sát viên thường trực của Nga

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã tuyên bố đình chỉ tư cách quan sát viên thường trực của Nga vì chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành tại Ukraine.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của OAS.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Mỹ viện trợ thêm 500 triệu USD, giúp chính phủ Ukraine duy trì hoạt động

Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine thêm 500 triệu USD để hỗ trợ chính phủ nước này duy trì các hoạt động quan trọng, ngoài mức viện trợ 500 triệu USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết trong tháng 3, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay.

"Nhu cầu của Ukraine rất khẩn cấp, và chúng tôi dự tính triển khai khoản viện trợ trực tiếp này cho Ukraine càng sớm càng tốt", Yellen nói, "Chúng tôi biết đây chỉ là khởi đầu cho những gì mà Ukraine cần để tái thiết và tôi cam kết sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ, cũng như các đồng minh, đối tác quốc tế để tăng cường hỗ trợ về trung và dài hạn".

WB: Thiệt hại vật chất của Ukraine đã lên tới 60 tỉ USD

Thiệt hại về mặt vật chất đối với các công trình, hạ tầng của Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine đã lên tới khoảng 60 tỉ USD và sẽ còn gia tăng vì xung đột tiếp diễn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhận định.

 

Phát biểu trong một cuộc hội thảo của WB về nhu cầu hỗ trợ tài chính của Ukraine, ông Malpass cho hay, ước tính ban đầu về phí tổn thiệt hại chưa bao gồm tác động về mặt kinh tế ngày càng lớn của cuộc khủng hoảng đối với Kiev.

Nga nêu điều kiện tạm ngừng hoạt động quân sự ở Mariupol - Ảnh 4.

Một tòa nhà bị tàn phá trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố một mức phí tổn và nhu cầu tài chính lớn hơn nhiều. Tham dự hội thảo dưới hình thức trực tuyến, ông Zelensky khẳng định, Ukraine cần 7 tỉ USD/tháng để bù đắp cho những tổn thất kinh tế mà nước này đã phải hứng chịu trong giai đoạn diễn ra chiến dịch.

"Và chúng tôi sẽ cần hàng trăm tỉ USD để tái thiết sau đó", ông Zelensky nói.

Đức sẽ cung cấp 40 triệu USD cho Ukraine

Đức sẽ cung cấp thêm 37 triệu euro (40,12 triệu USD) cho Ukraine để tái thiết sau xung đột, tờ Augsburger Allgemeine (Đức) dẫn nguồn tin từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức.

 

Khoảng 22,5 triệu euro sẽ được sử dụng vào việc tái thiết mạng lưới điện của Ukraine và 14,4 triệu euro bổ sung sẽ được dành để xây dựng lại các căn nhà bị phá hủy và đầu tư cho thiết bị y tế.

Bộ trưởng Đức cho biết, bộ này đã phân bổ lại quỹ cho dự án liên quan đến Ukraine thông qua một chương trình khẩn cấp.

Nga đóng cửa lãnh sự quán ba nước NATO

Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/4 thông báo lãnh sự quán của các nước Latvia, Litva và Estonia ở St. Petersburg, cùng với lãnh sự quán của Latvia ở Pskov sẽ bị đóng cửa.

Bộ này đã triệu tập đại diện hàng đầu của các cơ quan đại diện ngoại giao của ba nước NATO nói trên để bày tỏ "ý kiến phản đối mạnh mẽ" và nói rằng quyết định được đưa ra " trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại", cũng như xem xét đến sự hỗ trợ quân sự mà các nước này cung cấp cho Kiev.

"Tất cả những nhân vật nói trên đã được yêu cầu rời khỏi lãnh thổ Liên bang Nga trong cùng khung thời gian dành cho việc rời khỏi các cơ quan đại diện lãnh sự của Nga từ các quốc gia này", BNG Nga tuyên bố.

 

Căng thẳng ngoại giao giữa các nước phương Tây và Nga đã gia tăng đáng kể sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2. Theo RT, vài tuần qua Moscow đã chứng kiến ​​hàng loạt nhà ngoại giao Nga bị trục xuất, trong khi các nước Baltic áp dụng lập trường cứng rắn nhất đối với Moscow. Đầu tháng 4, Litva trở thành quốc gia EU đầu tiên trục xuất đại sứ Nga. Cùng với Latvia, nước này cũng tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga.

Mỹ cấm tàu Nga cập cảng

"Không một con tàu nào treo cờ Nga, hoặc do một thực thể của Nga sở hữu hoặc điều hành, được phép cập cảng Mỹ hoặc cập vào các bờ biển của chúng tôi. Không có con tàu nào cả, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói vào sáng 21/4 tại Nhà Trắng, sau cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine.

EU đã cấm các tàu của Nga đến các cảng của mình vào ngày 6/4.

Ông Biden cho biết động thái này nhằm mục đích "hủy bỏ những lợi ích của [hệ thống] kinh tế quốc tế mà Nga rất được hưởng trong quá khứ".

Ngoài lệnh cấm tàu Nga, Nhà Trắng còn công bố thêm gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Ông Biden cho biết, khoản viện trợ mới sẽ có “hàng chục khẩu pháo” và 144.000 viên đạn được gửi tới Ukraine.

 

Mỹ cũng đang chia sẻ "thông tin tình báo kịp thời quan trọng" với Kiev và điều phối các chuyến hàng vũ khí từ các đồng minh và đối tác, gửi chúng trực tiếp đến Ukraine, theo lời Tổng thống Biden.

TT Zelensky: Ukraine sẽ cần 'hàng trăm tỷ đô la' để phục hồi

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine cần 7 tỷ đô la mỗi tháng để duy trì nền kinh tế trong bối cảnh xung đột hiện nay.

Phát biểu trước các lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới và IMF qua video ngày 21/4, Tổng thống Ukraine cáo buộc: "Quân đội Nga đang cố tình phá hủy tất cả các cơ sở của Ukraine - nơi cung cấp cơ sở kinh tế cho cuộc sống. Nhà ga, kho lương thực, nhà máy sản xuất bánh mì, cảng dầu, v.v.

Nga nêu điều kiện tạm ngừng hoạt động quân sự ở Mariupol - Ảnh 5.

Hiện tại, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và các mối quan hệ kinh tế bị rạn nứt, chúng tôi cần hỗ trợ tài chính lên tới 7 tỷ USD mỗi tháng. Ukraine sẽ cần hàng trăm tỷ USD để phục hồi sau cuộc chiến này. Tôi chắc rằng mỗi người trong số các bạn đều có những phép tính này, tôi chắc chắn về điều đó".

Ukraine đe dọa tấn công cầu Crimea

Ông Alexey Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine ngày 20/4 nói rằng nếu có cơ hội, Kiev đã tấn công cầu Crimea từ lâu và các lực lượng vũ trang của họ sẽ làm điều đó ngay bây giờ nếu có thể.

 

"Nếu đã có cơ hội để làm điều này, chúng tôi đã làm rồi. Nếu giờ có cơ hội, chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều đó", ông Danilov nói trong một cuộc phỏng vấn với Radio NV.

Phía Nga ngay lập tức đã lên tiếng trước phát ngôn của Ukraine.

“Những tuyên bố như vậy không khác gì thông báo về một hành động khủng bố tiếp theo. Điều này là không thể chấp nhận được", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Việc xây dựng cầu Crimea, còn được gọi là cầu eo biển Kerch bắt đầu vào năm 2016 và hoàn thành hai năm sau đó. Dự án này trị giá hàng tỷ USD kết nối bán đảo Crimea với Krasnodar Krai ở phía tây nam của Nga. Với chiều dài 19km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu cho phép ô tô và tàu hỏa qua lại.

Hiện cây cầu này được Nga sử dụng để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam của Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Moscow và Kiev đang diễn ra.

 

Nga trừng phạt công dân Mỹ-Canada

Vào ngày 21/4 (theo giờ địa phương), Nga đã áp dụng bổ sung lệnh cấm nhập cảnh vào Nga đối với đối với 29 người Mỹ và 61 người Canada - bao gồm cả các quan chức quốc phòng, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo của cả hai nước - sẽ có hiệu lực vô thời hạn.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg cũng có tên trong danh sách bổ sung này.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng danh sách được công bố "để đáp lại các lệnh trừng phạt chống Nga ngày càng mở rộng".

"Trong tương lai gần, một thông báo trừng phạt bổ sung mới sẽ được công bố," tuyên bố cho biết.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, người cũng nằm trong danh sách trừng phạt nói rằng, lệnh cấm là "một vinh dự". Khi được hỏi liệu có phải hủy bỏ bất kỳ kế hoạch di chuyển nào đến Nga hay không, ông Price chỉ nói: “Tôi không có đồng rúp nào và dù tôi có làm thế thì chúng cũng trở nên vô giá trị.”

 

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm