Nga nói Trung Quốc sao chép trái phép hàng loạt vũ khí của Moscow
Loạt tàu chiến Hạm đội Biển Đen Nga hội quân, chuẩn bị nhả đạn? / Tên lửa phòng không Buk-M2E Syria tan nát khi bị Israel không kích
Tass dẫn phát biểu ngày 13/12 của ông Yevgeny Livadny, trưởng bộ phận phụ trách sở hữu trí tuệ của tập đoàn quốc phòng Rostech của Nga, nói rằng có hơn 500 trường hợp các vụ sao chép không được cấp phép khí tài quân sự Nga bị phát hiện trong 17 năm qua.
“Sao chép không xin phép các thiết bị của chúng ta ở nước ngoài là một vấn đề nghiêm trọng. Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Riêng Trung Quốc đã sao chép động cơ máy bay, các máy bay của hãng Sukhoi, các hệ thống phòng thủ, các tên lửa phòng không có thể di chuyển, thiết bị của hệ thống tự hành đất đối không tầm trung Pantsir”, ông Livadny cho hay.
Quan chức Nga nói rằng các nhóm chuyên gia nước này làm việc ở nước ngoài thường phát hiện ra các vụ sao chép bất hợp pháp, tuy nhiên, họ không thể làm gì nhiều ở tòa án, vì vũ khí Nga không có bằng sáng chế đăng ký ở nước ngoài.
“Các công ty nước ngoài như Raytheon (Mỹ) hay BAE Systems (Anh) có 5.000 bằng sáng chế ở nước ngoài. Họ đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ vì vậy sẽ ít rủi ro. Trong khi đó, ngay cả Bộ Quốc phòng hay các công ty doanh nghiệp quốc phòng của Nga không đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài”, ông Livadny lý giải.
Hồi tháng 10, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga đã tuyên bố thành lập một nhóm cố vấn chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác. Nhóm này bao gồm các quan chức từ Bộ Quốc phòng Nga, và các nhà thầu quốc phòng nổi tiếng như Rostech và Rosatom.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số trường hợp, Trung Quốc được cho sao chép không tới nguyên mẫu của Nga.
Năm 2001, Trung Quốc đã mua máy bay T-10K-3 từ Ukraine. Đây là nguyên mẫu của máy bay chiến đấu Su-33 của Moscow và Bắc Kinh được cho là đã học hỏi và sao chép để chế tạo nên máy bay chiến đấu J-15 của riêng họ.
Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, J-15 đã mắc phải nhiều lỗi từ đơn giản tới nghiêm trọng khiến nó không thể tác chiến một cách trơn tru.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc dường như vì muốn tiết kiệm ngân sách chế tạo nên đã chọn cách này thay vì mua thẳng Su-33 từ Nga để có thể được Nga cung cấp giấy phép sản xuất chính thống ở Trung Quốc. Kết quả là, quá trình phát triển J-15 được cho là tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn kỳ vọng của Bắc Kinh rất nhiều. Mặt khác, các máy bay chiến đấu này thiếu đi độ tin cậy nhất định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo