Nga sắp có tên lửa siêu vượt thanh không thể đánh chặn, Mỹ bó tay?
Vũ khí siêu vượt thanh đang là công nghệ gây chú ý trên thế giới. Các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đã chi hàng tỷ USD để phát triển và sở hữu loại vũ khí chết người này. Nhưng Nga có thể chiến thắng trong cuộc đua này và trở thành quốc gia đầu tiên đưa vũ khí siêu vượt thanh vào trang bị cho hải quân, tạp chí Forbes cho biết.
Theo một nhà phân tích quân sự nổi tiếng, hải quân Nga sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu vượt thanh Zircon vào năm tới. Tên lửa Zircon được cho là có tốc độ lên đến 9.600 km/h. Nó được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng vào mục tiêu trên bộ, hoặc nhóm tàu chiến trên biển, bao gồm tàu sân bay Mỹ và hạ gục chúng trong vài phút.
H.I. Sutton, một blog chuyên nghiên cứu về hải quân, đã đăng một bài trên tạp chí Forbes, cho biết lần phóng đầu tiên của tên lửa Zircon từ tàu ngầm đã được thiết lập vào năm 2020. Cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra trên tàu ngầm tấn công hạt nhân K-561 Kazan, lớp Yasen.
H.I. Sutton tin rằng Nga đủ tiến bộ về công nghệ tên lửa siêu vượt thanh và sẽ là quốc gia đầu tiên khai thác loại siêu vũ khí này.
Chiến hạm Mỹ chỉ có 2 phút để đánh chặn
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), cũng như một số chuyên gia quân sự, vũ khí siêu thanh là phương tiện bay với tốc độ từ Mach 1 đến dưới Mach 5 ( khoảng 1.200 km/h đến dưới 6.000 km/h). Vũ khí siêu vượt thanh là phương tiện bay với tốc độ trên Mach 5 (khoảng 6.200 km/h).
Tên lửa Zircon được cho là có thể bay với tốc độ Mach 8 (khoảng hơn 9.600 km/h). Tên lửa Zircon sử dụng động cơ scramjet để bay với tốc độ siêu vượt thanh.
Động cơ scramjet chỉ có thể hoạt động ở tốc độ siêu thanh, vì vậy, tên lửa Zircon sử dụng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn để đẩy lên lửa khỏi tàu ngầm và đạt đến tốc độ siêu thanh, sau đó kích hoạt động cơ scramjet để lao đến mục tiêu với tốc độ chóng mặt.
Một số nguồn tin ở Nga nói rằng tên lửa Zircon bay ở độ cao tối đa khoảng 30 đến 40 km. Khi đạt đến độ cao tối đa, tên lửa hạ độ cao và lao thẳng đến mục tiêu. Với tốc độ hơn 9.600 km/h, tên lửa Zircon đạt đến mục tiêu ở cự ly 160 km trong vòng chưa đầy một phút.
Radar AN/SPY-1 trên các tuần dương hạm và tàu khu trục của Mỹ có thể phát hiện đầu đạn tên lửa ở cự ly 300 km. Điều đó có nghĩa là đội hộ tống cho tàu sân bay Mỹ chỉ có 2 phút để phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa Zircon.
Nếu tên lửa Zircon hạ độ cao và bay thấp như các tên lửa hành trình, nó có thể trở thành vũ khí không thể ngăn chặn. Giả sử tên lửa Zircon bay ở độ cao 60 m, điển hình của một tên lửa hành trình. Các tàu chiến mặt nước chỉ có thể phát hiện tên lửa ở cự ly hơn 54 km.
Trong kịch bản đó, con tàu bị nhắm mục tiêu có ít hơn 20 giây để bắn đánh chặn. Khoảng thời gian đó thậm chí còn không đủ để các chỉ huy tàu xử lý tình huống, chứ đừng nói đến việc phóng tên lửa đánh chặn.
Mỹ chưa có giải pháp phù hợp
Tất nhiên là vẫn còn giải pháp để đối phó với vũ khí siêu vượt thanh. Bên phòng thủ có thể kéo dài thời gian để đối phó với vũ khí siêu vượt thanh bằng cách đặt radar của họ ở độ cao lớn hơn, nhằm phát hiện các tên lửa như Zircon từ cự ly xa hơn.
Một biện pháp hữu ích khác là tự động hóa hệ thống phòng thủ trên tàu bằng trí tuệ nhân tạo, cho phép tự động đối phó với mối đe dọa mà không cần sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, giải pháp này đặt ra rủi ro rất lớn đối với máy bay và tàu dân sự.
Tên lửa Zircon có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, loại vũ khí đặc biệt hữu ích để tấn công cả hạm đội. Tên lửa bay ở tốc độ Mach 8 rất khó để điều chỉnh quỹ đạo. Do đó, một tên lửa Zircon mang đầu đạn thông thường tấn công tàu chiến đang di chuyển có thể bị trượt mục tiêu.
Đầu đạn hạt nhân sẽ giải quyết được vấn đề này. Những năm Chiến tranh Lạnh, các tên lửa chống hạm của Liên Xô đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể nhấn chìm cả hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Hải quân Nga ngày nay có thể sử dụng tên lửa Zircon cho kịch bản tương tự. Khi đề cập đến 5 vũ khí chiến lược của Nga trong thông điệp liên bang năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng chúng đều có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Mối lo ngại khác là tên lửa Zircon có thể được sử dụng cho kiểu tấn công phủ đầu chống lại Mỹ, làm tê liệt khả năng trả đũa trong kịch bản chiến tranh hạt nhân. Mỹ đã chuẩn bị để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa hành trình bay ở tốc độ cận âm với hệ thống cảnh báo JLENS.
Nhưng với vũ khí siêu vượt thanh như Zircon, Mỹ chưa có giải pháp nào để đối phó. Phó đô đốc James Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), thừa nhận trong một phiên điều trần gần đây rằng: “MDA không có chương trình dành cho việc đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt thanh”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo