Quốc tế

Nga tính mở lại căn cứ quân sự tại Cuba sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân

Nga đang cân nhắc việc mở lại các căn cứ quân sự ở Cuba sau khi Mỹ tuyên bố kế hoạch đơn phương rút khỏi hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Cố nhắm vào căn cứ quân đội Syria ở vùng đệm, khủng bố bị đè bẹp / Sốc: Putin tiết lộ 50 UAV rình rập căn cứ Nga ở Syria bị bắn hạ

Nga tính mở lại căn cứ quân sự tại Cuba sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân - Ảnh 1.

Cơ sở quân sự của Nga tại Cuba chụp năm 2000 (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Interfax dẫn lời của người đứng đầu ủy ban quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vladimir Shamanov cho biết Nga có thể đáp trả kế hoạch rút khỏi INF của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng việc mở lại các căn cứ quân sự tại Cuba. Quan chức này cũng dự đoán một “cuộc khủng hoảng mới” nếu Mỹ và Nga không đạt được thỏa thuận.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km. Hiệp định được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông Shamanov cho rằng chính phủ Cuba sẽ đồng ý cho quân đội Nga triển khai lại các căn cứ. “Sau khi đã có những phân tích về tình hình thực tế, các đề xuất sẽ được đưa ra”, ông Shamanov nói, không nêu chi tiết thêm về việc này.

Vấn đề này có thể được đưa vào chương trình nghị sự khi tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thăm chính thức Nga vào đầu tháng 11. Ông Diaz-Canel không phải là người quá ủng hộ hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất Cuba, tuy nhiên La Habana hiện vẫn đối mặt với một số vấn đề chính trị, theo ông Shamanov. “Cuba có lợi ích riêng của họ và những lợi ích này đang bị tổn thương vì các lệnh trừng phạt của Mỹ”, quan chức Nga nói.

Trước đó, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, ông Shamanov thúc giục Nga và Mỹ thương lương lại về hiệp ước hạt nhân và tìm một phương án dung hòa: “Nếu chúng ta không dừng lại và không bàn bạc, chúng ta có thể tạo ra tiền đề giống với kịch bản dẫn tới cuộc khủng hoảng Cuba”.

 

Cuộc khủng hoảng Cuba là một trong những sự kiện suýt đẩy Nga và Mỹ tới bờ vực chiến tranh hạt nhân vào đầu những năm 1960. Trong thời kỳ đó, Moscow đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Cuba nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô vận hành một cơ sở tình báo tín hiệu ở Lourdes, Cuba. Mở cửa từ năm 1967, nơi này được cho là một trong những cơ sở tình báo lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài với 3.000 quân nhân vận hành. Sau sự sụp đổ của Liên Xô những năm 1990, căn cứ Lourdes đã giảm quy mô và dừng hẳn hoạt động vào năm 2001.

Việc Nga khôi phục lại hiện diện quân sự tại Cuba sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky nói với RT. Ông Murakhovsky cho biết việc vận hành lại căn cứ Lourdes không yêu cầu một khoản chi phí lớn, nhưng giúp Nga “thu thập được thông tin tình báo từ quốc gia nằm gần Cuba”. Ông cũng cho rằng lần này nếu Nga quay trở lại Cuba, họ sẽ không mang tên lửa qua như thời Chiến tranh Lạnh.

Ông Konstantin Sivkov, một chuyên gia quân sự khác nói rằng quân đội Nga có thể sẽ không quay lại Cuba. Ông nói rằng vào những năm 1960, quân đội Liên Xô buộc phải đưa ra quyết định triển khai tên lửa tới Cuba vì họ không có đủ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hiện tại, Nga đã có.

Ngày 20/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga vì cho rằng Moscow đã vi phạm thỏa thuận này. Nga đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ, cáo buộc ngược lại Washington vi phạm INF.

 

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm