Quốc tế

Nga – Trung 'hâm nóng' tình cảm sau chiến lược của Mỹ

Sau gần ba thập kỷ kể từ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ của hai cựu đồng minh Nga và Trung Quốc đã 'nồng thắm' trở lại trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Nga và Trung Quốc cùng bắt tay trong nhiều dự án lớn, tổ chức tập trận chung, thúc đẩy mối quan hệ được hai bên xem là chiến lược, dường như tiến tới thiết lập hàng rào chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tác giả Derrick A Paulo và Charles Phang trên CNA nhận định, những động thái của hai chính phủ trong các sáng kiến như đẩy mạnh phát triển mạng 5G cho thấy Bắc Kinh dường như không chỉ coi Moscow là đối tác thương mại.

Từ nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ lên nền kinh tế tới hợp tác chinh phục vùng cực Bắc, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đủ lớn để khiến phương Tây phải lo ngại.

Trong lĩnh vực đầu tư, hãng sản xuất xe thể thao đa dụng lớn nhất Trung Quốc Great Wall Motors đã xây dựng nhà máy ô tô tại thành phố công nghiệp Tula của Nga trong bối cảnh chính quyền địa phương đang nỗ lực trở thành một trung tâm sản xuất với nguồn lao động và đất đai dồi dào.

Với chi phí 500 triệu USD, đây là dự án đầu tư lớn nhất của Bắc Kinh vào nền công nghiệp sản xuất của Moscow và cũng là nhà máy ô tô nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc có sản phẩm được lắp ráp ngay từ đầu.

Nhà máy đã mở cửa hồi tháng 6, sử dụng một số công nghệ sản xuất mới nhất của Trung Quốc như robot lắp ráp công nghệ cao và dự kiến tạo ra tổng giá trị sản phẩm khoảng 2,6 tỷ USD.

Phó giám đốc nhà máy Ivan Dushkin cho biết, chính quyền địa phương đã cung cấp những ưu đãi quá tốt để từ chối mở sản xuất tại đây như giảm thuế, hỗ trợ tuyển dụng cũng như những hỗ trợ cần thiết khác để phát triển kinh doanh và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Nhà máy này đã tạo ra hơn 1.000 việc làm và 90% trong số đó là người dân khu vực Tula phía Tây nước Nga.

Sự gần gũi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những trụ cột chính giúp quan hệ hai nước "nồng thắm" trở lại. Ảnh: CNBC.

Tại thành phố lớn thứ hai nước Nga Saint Petersburg, khu thương mại Nga – Trung đang giúp các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Nga và ngược lại, cũng như thúc đâỷsáng kiến Vành đai, Con đườngtại quốc gia này và tới các quốc gia nói tiếng Nga.

Không giống các khu công nghiệp khác dọc con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, khu thương mại trên có nhiều hội trường triển lãm với mục đích chính là thúc đẩy hiểu biết đa văn hóa.

Tại đây, du khách Nga có thể trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đa dạng của Trung Quốc như thư pháp, âm nhạc, võ thuật hay thưởng trà, còn lao động Trung Quốc có thể học tiếng Nga.

Rõ ràng không chỉ có thương mại, văn hóa cũng đang được dùng làm cầu nối giữa hai quốc gia.

Ngoài nỗ lực từ khối tư nhân, chính phủ Nga và Trung Quốc cũng cam kết mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước giữa bối cảnhchiến tranh thương mạichưa có hồi kết.

Sau các cuộc đàm phán bế tắc và Trung Quốc buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, nước Nga đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội.

Nhà sản xuất thịt lớn nhất nước Nga Cherkizovo Group từ tháng 5 vừa qua đã bắt đầu cung cấp sản phẩm sang Trung Quốc và được giao xuất khẩu ít nhất 48.000 tấn thịt cho Bắc Kinh vào năm sau.

Hồi đầu tháng 6, tin từ SCMP cho biết, gã khổng lồ thiết bị viễn thông của Trung Quốc Huawei đã kí kết thỏa thuận với nhà mạng MTS của Nga để phát triển công nghệ 5G tại quốc gia này trong năm tới sau khi ông Trump tuyên bố cấm cửa với cáo buộc gián điệp.

GS. Serge Lukonin, Giám đốc nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc tại Viện hàn lâm khoa học Nga, cho rằng, việc hợp tác trên là minh chứng cho thấy quan hệ với Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nga.

Theo ông, ngay cả khi Washington mềm mỏng hơn với Trung Quốc, mối quan hệ Trung – Nga cũng khó có thể bị suy yếu.

Paulo và Phang trên CNA đánh giá vị trí địa lý của nước Nga đang biến vùng đất này trở thành cây cầu Trung Quốc cần để kết nối cực Bắc với lục địa Á – Âu trong sáng kiến Vành đai, con đường.

Các doanh nghiệp vận tải và năng lượng Trung – Nga đang hợp tác khai thác, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và hầu hết số khí này được lấy từ bán đảo Yamal, nơi chứa hơn 1/5 trữ lượng khí tự nhiên của Nga.

Trong 7 doanh nghiệp nhà nước tại đây, Trung Quốc hiện sở hữu gần 30% một nhà máy LNG có khả năng sản xuất 70 triệu tấn khí tự nhiên mỗi năm vào năm 2030.

Đây chỉ là một trong vài dự án được Bắc Kinh triển khai tại khu vực cực Bắc, giống như những cuộc thám hiểm, các trung tâm nghiên cứu hay thậm chí cả tàu phá băng.

Những dự án này nằm trong chiến lược phát triển con đường tơ lụa tại vùng cực trong bối cảnh hành lang hàng hải dọc bờ biển phía Bắc nước Nga dễ tiếp cận hơn do biến đổi khí hậu cùng quan hệ thân thiết hơn với Nga.

Theo GS. Lukonin, chiến lược của Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga trong những kế hoạch của riêng họ liên quan đến điều tiết hàng hải và vận chuyển hàng hóa dọc theo Tuyến đường Biển Bắc. Moscow không đủ khả năng tài chính để làm một mình nên dành sự quan tâm lớn tới các khoản đầu tư từ Bắc Kinh.

Ngoài các lĩnh vực trên, Nga – Trung còn tăng cường hợp tác quân sự thông qua các cuộc tập trận chung, như cuộc tập trận Vostok vào năm ngoái.

Với khoảng 300.000 binh sĩ cùng hàng nghìn máy bay và xe quân sự, đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tổ chức tại 5 thao trường trên đất liền, cũng như các khu vực biển khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp mặt gần 30 lần trong vòng 6 năm qua. Sự gần gũi này được coi là trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Theo Thùy Dương/The Leader
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo