Quốc tế

Nga và Liên minh châu Âu mở rộng trừng phạt lẫn nhau

DNVN - Ngày 20/7, Nga đã chính thức quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các quốc gia "không thân thiện" đến ngày 31/12/2025. Trong khi đó, cùng ngày, EU cũng thông báo gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng.

Quân đội Nga tiếp tục tấn công trả đũa ở khu vực Odessa / Chuyên gia Mỹ đáp trả gay gắt Tổng tư lệnh quân đội Ukraine

(Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh mở rộng các hạn chế thương mại đối với Mỹ và các quốc gia khác, những quốc gia từng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, kéo dài đến cuối năm 2025. Thông tin này đã được công bố trên trang web chính thức về thông tin pháp lý của Chính phủ Nga.

Các hạn chế thương mại của Nga lần đầu tiên được áp dụng từ tháng 3/2022, ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và phương Tây tiến hành chiến dịch trừng phạt đối với Nga. Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, các biện pháp hạn chế ban đầu đã có hiệu lực đến cuối năm 2022, và sau đó được gia hạn thêm đến cuối năm nay.

Lệnh cấm xuất khẩu từ Nga đã áp dụng với nhiều hàng hóa như thiết bị công nghệ, viễn thông và y tế, phương tiện, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện và một số nguyên liệu thô khác theo danh sách của chính phủ Nga.

Đồng thời, Hội đồng châu Âu cũng thông báo quyết định kéo dài thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2024, "các biện pháp hạn chế nhắm vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Liên bang Nga".

Theo thông cáo được công bố trên trang web của Hội đồng châu Âu, những biện pháp này bao gồm "các hạn chế về thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ"; lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU; chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép hoạt động của một số phương tiện truyền thông Nga.

EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ năm 2014 để đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Bán đảo này đã trở thành một phần của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý, sau khi khu vực này từ chối ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của Ukraine.

 

Từ tháng 2/2022, EU đã gia tăng đáng kể áp lực trừng phạt và tiếp tục áp đặt liên tiếp 11 gói hạn chế "chưa từng có và mạnh mẽ" đối với Moscow. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, khả năng gây áp lực kinh tế hơn nữa của EU đối với Nga đang cạn kiệt.

Thanh Thủy (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm