Quốc tế

Ngoại giao bất thành, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nguy cơ lao dốc

Sau những tín hiệu tích cực khi Mỹ tuyên bố rút quân, vấn đề người Kurd lại trở thành trở ngại mới khiến mối quan hệ Mỹ - Thổ tụt dốc.

Syria: SDF vươn tới thung lũng Euphrates, IS mất pháo đài quan trọng cuối cùng / Mỹ: 9 người thiệt mạng vì bão tuyết

Dù đã “nhượng bộ” rút quân ra khỏi Syria, song Mỹ lại không nhận được sự đảm bảo an toàn cho các tay súng người Kurd từ phía đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tức giận, đe dọa đánh sập nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu dám tấn công người Kurd.
Đã có lúc tưởng chừng mối quan hệ Mỹ - Thổ sẽ được cải thiện sau khi Mỹ rút quân, thì giờ đây mọi thứ lại đang diễn ra ngược lại - mối quan hệ này lại đang “tụt dốc”, thậm chí có nguy cơ lâm vào ngõ cụt.

ngoai giao bat thanh, quan he my - tho nhi ky nguy co lao doc hinh 1
Ngoại giao bất thành, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ lao dốc. Ảnh: Reuters

Nhiều nguồn thông tin xác nhận, quyết định rút quân ra khỏi Syria của Tổng thống Mỹ đã được đưa ra ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Theo cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Thổ, Washington không còn lý do ở lại Syria khi cuộc chiến chống IS đã tới hồi kết. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, tàn dư của IS ở Syria sẽ do phía Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết nốt. Tuy nhiên, vấn đề người Kurd - vốn là một câu chuyện đáng bàn nhất, lại không được Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận chi tiết lúc bấy giờ. Điều này buộc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phải đích thân đến Thổ Nhĩ Kỳ để “chữa cháy” cho tuyên bố rút quân của nhà lãnh đạo Mỹ khi mà ông Trump không đưa ra các điều kiện đi kèm.

Trước khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bolton tuyên bố, Mỹ chỉ rút quân khi Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an toàn cho người Kurd. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã “phũ phàng” bác bỏ điều kiện này, cho rằng đây là một sai lầm lớn của Cố vấn Mỹ khi cố làm “phức tạp tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump. Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã “không gặp” ông John Bolton khi ông này tới Ankara, tuyên bố rằng “đây chưa phải lúc để gặp mặt”; đồng thời đề nghị Mỹ phải rút quân nhanh như tuyên bố. Trước tiên là từ khu vực Manbij - khu vực phía bắc Syria mà 2 nước đã có thỏa thuận từ trước.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ bị “hắt hủi” khi tới thăm, cộng thêm việc bị Thổ Nhĩ Kỳ lờ đi yêu cầu “ngừng mua” hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp Mỹ tuyên bố sẽ bán cho hệ thống Patriot tân tiến đã khiến Tổng thống Trump đã thể hiện rõ sự “tức giận” của mình, khi viết lên 2 dòng tweet liên tiếp. Một là“ Mỹ đã bắt đầu quá trình rút quân ra khỏi Syria, vốn bị trì hoãn lâu nay, song vẫn tiếp tục tấn công những hang ổ nhỏ lẻ cuối cùng của IS từ nhiều hướng. Mỹ sẽ lại tấn công IS nếu tổ chức này trỗi dậy. Sẽ đánh cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tả tơi nếu họ tấn công người Kurd. Hãy thiết lập vùng an toàn 20 dặm…”. Hai là“Tương tự, Mỹ cũng không muốn người Kurd khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ”.

Lập tức, đồng tiền quốc gia Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ngay 1% giá trị so với đồng USD. Tuy nhiên, với dòng tweet thứ 2, giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ dường như vẫn muốn giải quyết vấn đề theo một cách đơn giản hơn. Theo Cố vấn Bolton, Mỹ sẵn sàng đối thoại với cả Nga để đảm bảo an toàn của người Kurd, bởi theo quan điểm Bộ Ngoại giao Nga, người Kurd vẫn luôn là “một phần” của xã hội đất nước Syria.

 

Phản ứng trước lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Ka-lin ngày 14/1 cảnh báo, Mỹ không nên đánh đổi mối quan hệ đồng minh chiến lược với Ankara để bảo vệ một tổ chức khủng bố. Và rằng, lực lượng vũ trang người Kurd, Syria giống với Tổ chức Đảng Công Nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ – một lực lượng mà Mỹ cũng coi là khủng bố. Do đó, một tổ chức khủng bố không thể được coi là một đối tác hay là đồng minh của Mỹ.

Phải nhắc lại rằng, hồi tháng 8/2018 vừa qua, do những chính sách tiền tệ, cộng thêm sự trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã lâm vào cuộc khủng hoảng tiền tệ chưa từng có. Do đó, lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Trump đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn khả thi.

Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, hiện lực lượng người Kurd đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với lực lượng Chính phủ Syria, để tránh một cuộc tấn công từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 13/1, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Sousan xác nhận, các cuộc đối thoại với người Kurd đang diễn biến tích cực, dựa trên nền tảng của sự thống nhất đất nước:

“Đã có một sự liên lạc với người Kurd. Các cuộc đối thoại vẫn chưa dừng lại, thậm chí sẽ được tăng cường hơn nữa để các bên Syria cùng chống lại những thách thức và tham vọng bành chướng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay, nhiều tuyên bố của người Kurd là tích cực liên quan tới mối quan tâm của họ đối với sự thống nhất của Syria.”.

Hiện cả Nga và chính phủ Syria đều hi vọng, Mỹ và người Kurd Syria nên bàn giao địa bàn chiếm đóng cho phía chính phủ, sau khi Mỹ rút quân.

 

Theo VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm