Người Kurd đi về phía đông và hậu họa cho Syria
Người Kurd sẽ bị quét sạch trong một khu vực chạy dài khoảng 900km dọc biên giới giữa hai nước, từ Địa Trung Hải cho tới Tigris. Vậy khoảng 2 triệu người Kurd sẽ định cư ở đâu? Nó có liên quan gì đến việc họ không trao trả thành phố Raqqa và phần đông tỉnh Deir ez-Zor cho chính quyền của ông Assad?
Thổ Nhĩ Kỳ muốn hồi hương người tị nạn... thân Thổ!
Tình hình chiến sự ở biên giới phía bắc của Syria đang diễn ra hết sức phức tạp sau khi chính quyền Ankara triển khai chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” trong lãnh thổ Syria, giáp biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hành động này gián tiếp giúp (SSA) lần đầu tiên sau nhiều năm tiến được vào các địa bàn do người Kurd kiểm soát ở các tỉnh Aleppo, Raqqa, al-Hasakah, sau khi người Kurd tuyên bố ngừng chiến dịch chống khủng bố IS ở phía đông sông Euphrates và đạt được một thỏa thuận đột phá với Damascus, cho phép quân đội Syria tiến vào hầu hết các khu vực do họ kiểm soát với mục đích liên kết chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, SAA được hỗ trợ bởi lực lượng Nga đã thành lập nhiều căn cứ tại các thị trấn chiến lược Manbij, Kobani (Aleppo), Ain Isaa, Tabqah (Raqqa) và các thị trấn al Salamas và Umm al Khair vùng Tell Tamir (al-Hasakah). Một số trạm đóng quân nhỏ hơn cũng đã xuất hiện tại nhiều địa điểm khác.
Đối mặt với sự phát triển bất ngờ này, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận lệnh ngừng bắn tạm thời do Mỹ đề xuất, trong đó buộc các tay súng người Kurd ra khỏi vùng an toàn sâu vào trong biên giới Syria 32 km và chạy dài 444 km từ tây sang đông.
Tuy nhiên chỉ sau 24 giờ, lệnh ngừng bắn đã lập tức sụp đổ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập Syria được họ hậu thuẫn vẫn đẩy mạnh hoạt động tấn công đánh chiếm thị trấn al-Shakariyah, Haji Hisso, Jan Tamir và chiếm được thị trấn chiến lược Ras al-Ayn ở phía bắc tỉnh al-Hasakah. Động thái và các hành động sau đó cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn cho SAA tiếp quản toàn bộ miền bắc Syria từ tay người Kurd.
Hôm 20/10, chính quyền Erdogan đã lên tiếng yêu cầu quân chính phủ Syria phải rời khỏi khu vực gần biên giới giữa hai nước, để hồi hương và tái bố trí 2 triệu trong tổng số 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara không muốn lực lượng Syria lẫn các tay súng người Kurd hiện diện tại vùng biên giới thuộc lãnh thổ Syria với lí do “dân tị nạn sẽ không trở về khu vực có sự hiện diện của hai lực lượng này và sẽ chỉ trở về nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát vùng biên giới giữa hai nước”.
Thổ Nhĩ Kỳ toan thay đổi cơ cấu dân cư ở phía bắc Syria
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở 2 chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria mang tên “Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield, từ 24/8/2016 đến 29/3/2017) và “Cành Ô liu” (Operation Olive Branch, từ ngày 20/1 đến 24/3/2018).
Kết quả của các chiến dịch này là Ankara và các nhóm vũ trang được họ hậu thuẫn đã đánh chiếm hầu hết khu vực phía bắc và tây bắc Syria (phía tây sông Euphrates) từ tay người Kurd và IS.
Tuy nhiên, sau khi đạt mục đích đã tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lại đất đai cho chính quyền Syria mà tiếp tục cử quân chốt giữ, hậu thuẫn cho FSA thành lập các chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát Syria Tự do (Free Syrian Police-FSP) để quản lý hành chính và bảo đảm an ninh, trật tự. Chính sách tương tự cũng được Ankara thực hiện ở địa bàn tỉnh Idlib, ở phía tây bắc Syria.
Điều đặc biệt đáng chú ý là một tháng sau khi đánh chiếm được Afrin, Ủy ban Quản lý thảm họa và tình hình khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã thông báo thành lập một trại ở thị trấn Mayhmudiyah, phía tây nam của vùng Afrin để quản lý hơn 3000 tay súng “đối lập ôn hòa” và gia đình họ tháo chạy từ vùng đông Qalamoun, đông Ghouta, Daraa… về khu tự trị Afrin của người Kurd; các nhóm vũ trang khác cũng được Thổ Nhĩ Kỳ “thu gom” từ nhiều khu vực khác nhau ở khắp Syria về “định cư” trên địa bàn tỉnh Idlib và toàn bộ phía bắc tỉnh Aleppo.
Hoạt động kéo dài suốt từ năm 2016, song song với sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực phía bắc và tây bắc Syria cho thấy, Ankara đang mưu toan tập hợp các nhóm vũ trang, đối lập và gia quyến của họ từ khắp nơi ở Syria về khu vực do họ kiểm soát.
Bằng cách đó, chính quyền Erdogan xua đuổi người Kurd ra khỏi các khu vực đông bắc và tây bắc Syria, hồi hương hàng triệu người tị nạn Ả rập, bố trí những thế lực thù địch với chính quyền Assad định cư ở đây để dần dần kiểm soát vùng đất này của Syria.
Đây là một chiến lược nhất quán của chính quyền Erdogan thực hiện ở Syria, nhằm thay đổi hoàn toàn cơ cấu dân cư ở các khu vực biên giới phía bắc Syria, biến khu vực này trở thành một vùng đệm cho nước này.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm xua đuổi người Kurd và có ý định di dời 2 triệu dân tị nạn Syria về các khu vực phía bắc Syria đã làm dấy lên câu hỏi vô cùng phức tạp là “vậy con số tương tự là khoảng 2 triệu người Kurd sẽ đi về đâu”?
Mỹ còn hiện diện ở phía đông Syria và động thái lạ của người Kurd
Ngày 21/10, quân đội Mỹ đã rút khỏi căn cứ không quân Kleib ở Tel Baidar, gần thành phố Tel Tamar, tỉnh Al-Hasaka ở phía đông bắc Syria. Đồng thời họ cũng chuẩn bị rời khỏi một căn cứ khác gần đập As-Sabee, cũng thuộc tỉnh al-Hasakah. Như vậy, quân đội Mỹ hầu như đã rút hết khỏi các khu vực người Kurd ở đông bắc Syria, nhưng vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi Syria.
Theo tiết lộ của một quan chức Lầu Năm Góc, tổng số di chuyển sang tây Iraq chỉ vào khoảng 2 nghìn người, còn lại từ 400-500 lính Mỹ vẫn sẽ ở lại Syria.
Số binh sĩ này vẫn hiện diện ở vùng sa mạc của tỉnh Deir ez-Zor, phía đông Syria (bên bờ đông sông Euphrates, nơi có những mỏ dầu lớn nhất của Syria) và xa hơn về phía nam, các căn cứ của Mỹ vẫn sừng sững ở al-Tanf và Al-Zkuf thuộc tỉnh Homs của Syria.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tuyên bố rằng, mặc dù rút quân khỏi đông bắc Syria nhưng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi người Kurd Syria và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những “động thái bất thường” từ phía người Kurd trong những ngày gần đây.
Động thái đầu tiên là: Tư lệnh các lực lượng người Kurd ở Syria Mazloum Abdi tiếp tục tái khẳng định, sự tiếp tục hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Đông này là hết sức cần thiết nhằm duy trì cán cân quyền lực và ngăn chặn ‘sự bá quyền’ của Nga ở Syria, điều này chính là lợi ích của người Kurd.
Động thái thứ hai là: Người Kurd đã nối lại các chiến dịch quân sự chống khủng bố IS ở khu vực phía đông tỉnh Deir ez-Zor (bên bờ phía đông sông Euphrates). Động thái này diễn ra chỉ 3 ngày sau tuyên bố đình chỉ cuộc chiến chống IS, đã cho thấy, người Kurd không hề lo lắng về tương lai bất định của mình, dường như họ rất tin vào Mỹ.
Động thái thứ ba là: Các tay súng người Kurd đã ngăn cản lực lượng Nga và Syria tiến vào tiếp quản thành phố Raqqa, bất chấp việc đã có thỏa thuận chuyển giao địa bàn giữa hai bên. Đây cũng là điều mà giới phân tích đặc biệt chú ý trong những diễn biến ở Syria tuần qua.
Như vậy, có thể nhận thấy là Mỹ và người Kurd sẽ tiếp tục sát cánh với nhau ở khu vực phía đông Syria, chỉ nhường lại phía đông bắc cho Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ như Washington và Ankara đã có những thỏa thuận với nhau để phân chia khu vực kiểm soát trong lãnh thổ Syria.
Những phân tích về các động thái của Washington, Ankara và người Kurd cho thấy, dường như “liên minh” này đã đạt được thỏa thuận là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy 2 triệu người Kurd từ miền bắc sang phía đông Syria; còn Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ người Kurd kiểm soát khu vực rộng lớn phía đông sông Euphrates, từ thành phố Raqqa sang phía đông Deir ez-Zor và vùng phía nam Syria ở tỉnh Homs.
Trong tương lai, khu vực nhiều mỏ dầu lớn nhất Syria có thể là khu vực định cư mới của người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đem ‘Mùa đông chia cắt’ chứ không phải là ‘Mùa xuân Hòa bình’ tới cho đất nước Syria.
Tuy nhiên, âm mưu này không dễ thực hiện bởi người Kurd đã rút đi, quân đội Syria đã tiếp quản khu vực phía bắc đất nước và Ankara có lẽ sẽ không dám khơi dậy một cuộc chiến với Damascus.
End of content
Không có tin nào tiếp theo