Quốc tế

Nhận diện tiêm kích JAS-39 Gripen đầy uy mãnh của Thụy Điển

Lột xác hoàn toàn về tính năng chiến đấu so với các phiên bản cũ, Gripen E được cho là khắc tinh của 'vua tác chiến trên không' Su-35.

JAS-39 Gripen

Saab JAS 39 Gripen (Griffin, hay Gryphon) là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ, do công ty Saab phối hợp với Ericson và Volvo Thụy Điển phát triển để thay thế các loại máy bay Saab 35 Draken và 37 Viggen của Không quân Thụy Điển thay vì mua biến thể F-16, F/A-18A/B, hay phiên bản "F-5S" của Northrop F-20 Tigershark.

Biên đội Gripen bay biểu diễn. Nguồn: hushkit.net

Bản thân tên JAS [viết tắt của Jakt (Săn lùng-Không đối không), Attack (Không đối đất/biển), và Spaning (Trinh sát)] được đặt sau một cuộc thi công khai năm 1982 thể hiện Gripen là một máy bay đa nhiệm, được thiết kế để trở thành máy bay chiến đấu có khả năng thao diễn, độ linh động, tính hiệu quả và khả năng sống sót cao.

Saab lựa chọn thiết kế cánh mũi không ổn định, tạo lực cản thấp, cho phép máy bay bay nhanh hơn, tầm hoạt động rộng hơn và mang tải trọng lớn hơn. Sự kết hợp cánh tam giác và cánh mũi giúp JAS có các đặc tính bay và khả năng cất, hạ cánh tốt hơn. Thiết kế đặc biệt giúp Gripen có thể vừa bay gần như thẳng đứng (góc 70-80 độ) vừa tấn công đối phương.

Gripen được tích hợp các thiết bị tác chiến điện tử, có thể mang theo nhiều vũ khí ở thân ngoài hơn mà không mất đi các khả năng tự vệ, cho phép chia sẻ thông tin tối đa giữa 4 máy bay trong cùng phi đội để phối hợp tác chiến.

Gripen có độ linh hoạt cao hơn, khả năng tác chiến hỗn hợp tốt, dễ nâng cấp thiết bị, dễ bảo dưỡng và duy trì hoạt động chỉ bằng 2/3 chi phí của máy bay chiến đấu thuộc thế hệ trước của Thụy Điển, chỉ 4.700 USD mỗi giờ bay - bằng 1/10 Su-35S trong khi tuổi khung lên tới 10.000 giờ hoạt động.

Một đặc tính đáng chú ý là Gripen chỉ cần đường băng dài 800m, có khả năng hạ cánh trên đường cao tốc; khi đã ở dưới mặt đất, nó có thể được tái nạp nhiên liệu và vũ khí trong 10 phút bởi 5 kỹ thuật viên cơ động trên một chiếc xe tải, sau đó cất cánh trở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Thụy Điển cùng với Na Uy (Thales Norway A/S), Anh (British Aerospace, hiện là BAE Systems) liên kết chuyển đổi, chế tạo thiết bị, tiếp thị và hỗ trợ cho Gripen trên phạm vi quốc tế. JAS 39 được sản xuất theo 5 phiên bản JAS 39A/B/C/D/E-F, một hoặc hai chỗ ngồi với một số tính năng cơ bản khác nhau.

Ngoài ra, còn có Sea Gripen có khả năng cất, hạ cánh trên tàu sân bay; phiên bản không người lái Gripen UCAV và phiên bản tác chiến điện tử Gripen EW. Tiêm kích này dài 14.1m, cao 4.5m, sải cánh 8.4m, trọng lượng rỗng 6.620kg, trọng lượng cất cánh tối đa 14.000kg, kíp bay 1-2 người, tốc độ tối đa Mach 2, bán kính chiến đấu 800km, trần bay 15.000m.

Vũ khí Gripen gồm pháo Mauser BK-27 (27mm); 6 tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder hay IRIS-T; 4 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, BAe Skyflash, MICA hay Meteor; AGM-65 Maverick, KEPD 350, hay nhiều loại bom điều khiển bằng laser, mấu rocket; tên lửa chống tàu RBS-15 Mark 2; bom chùm Bombkapsel 90. Gripen có trong biên chế Không quân Thụy Điển, Czech, Hungary, Nam Phi và Thái Lan; khoảng 20 nước đang thể hiện mối quan tâm lớn đến dòng chiến đấu cơ này. Trường Sát hạch phi công (ETPS) có trụ sở tại Anh sử dụng Gripen làm máy bay thử nghiệm cao cấp cho các phi công của họ trên khắp thế giới. Do Mỹ đang nắm giữ một số công nghệ, đặc biệt là động cơ máy bay, Thụy Điển chỉ có thể bán Gripen cho khách hàng với sự đồng ý của Mỹ.

Dàn vũ khí đầy uy mãnh của Gripen. Nguồn: conceptbunny.com

Chương trình tiêm kích Gripen-NG của Saab vừa cho ra đời hai biến thể mới nhất là JAS 39E (một chỗ ngồi) - phiên bản chiến đấu tiêu chuẩn, và JAS 39F (hai chỗ ngồi) cho nhiệm vụ huấn luyện, kiểm soát không phận, và tác chiến điện tử. Gripen E và F sử dụng động cơ F414G - biến thể của GE F414 với lực đẩy lớn hơn 20% so với RM12, cho phép duy trì vận tốc sau khi phá vỡ tường âm thanh mà không cần kích hoạt chế độ đốt sau. Lột xác hoàn toàn về tính năng chiến đấu so với các phiên bản cũ, sở hữu nhiều đặc tính siêu việt, Gripen E được cho “khắc tinh” của “vua tác chiến trên không” Su-35- tiêm kích hạng nặng Nga, và Không quân Brazil sẽ là lực lượng đầu tiên được trang bị chúng.

JAS-39 Gripen E - khắc tinh của Su-35?

Được phát triển trên cơ sở phiên bản C và D, Gripen E được các chuyên gia đánh giá là mẫu máy bay hạng nhẹ hàng đầu thế giới hiện nay. Thay đổi lớn nhất so với phiên bản cũ là Gripen-E có buồng lái hoàn toàn mới, hiện đại và hiển thị tốt hơn; hệ thống điều khiển bay được cập nhật với gói phần mềm chuyên dụng tương thích với các thiết bị phần cứng vô cùng cao cấp.

Cùng với những cải tiến khung thân, Gripen E được trang bị radar mạng pha chủ động AESA (Raven) có khả năng phát hiện, theo dõi và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu cả trên không, trên biển, trên mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết. Đây là radar hoạt động trên băng tần X, anten gồm 100 phần tử, có thể phát chùm tia điện từ theo nhiều hướng khác nhau; góc nhìn của radar khá lớn so với trục ngang của máy bay, nhờ đó, phi công có thể điều khiển vũ khí tiến công ngược về phía sau.

Hệ thống tìm kiếm chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST Skyward G của Gripen E được nâng cấp, có thể phát hiện và phân biệt được các mục tiêu ngoài tầm kiểm soát của máy bay mà không cần tới radar, đặc biệt, nó có thể phân biệt được các mục tiêu tàng hình bằng dấu hiệu nhiệt do động cơ để lại. Gripen E được bổ sung hệ thống nhận dạng địch-ta, thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser Lighterning 3, tích hợp hệ thống mồi bẫy Brite Cloud do Anh phát triển có thể đánh lừa các loại tên lửa dẫn đường của đối phương.

Gripen Không quân Thụy Điển thực hành tiếp nhiên liệu trên không. Nguồn: wikimedia.org

Gripen E có 10 giá treo vũ khí cho phép nó có thể mang nhiều loại tên lửa đối không, bom, rocket và các vũ khí tiến công mặt đất khác. Động cơ phản lực mới có công suất mạnh hơn cho phép nâng tầm hoạt động và tải trọng vũ khí mang theo. Gripen E có chiều dài 15,2m, sải cánh 8,6m, trọng lượng cất cánh tối đa 16,5 tấn, bán kính tác chiến 1.300km, tầm bay tối đa hơn 4.000km. Chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn, Gripen có khả năng cất cánh từ đường băng dã chiến cực ngắn ở vùng địa hình hiểm trở để bất ngờ tung ra những đòn chí mạng vào Su-35.

Sức mạnh của Su-35 nằm ở động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S giúp nó có tính “siêu cơ động”, kết hợp với radar quét mảng pha thụ động (PESA) N035 Irbis phát hiện được mục tiêu trên không ở cự ly 400km, nhưng đó phải là vật thể có diện tích phản xạ radar (RCS) 3m2 trở lên, bay ở độ cao 20.000m - không có nhiễu địa hình địa vật; tầm phát hiện sẽ giảm đi rất nhiều nếu đối tượng là một chiếc tiêm kích nhẹ được áp dụng công nghệ tàng hình có RCS chỉ 0,5m2 như JAS-39.

Nếu chiếc JAS-39 bay ở độ cao khoảng 1.000m (thực tế không chiến), Su-35 chỉ có thể nhận biết nó ở ngoài 100km một chút. Được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) PS-05/A Mark 5 có độ nhạy và chính xác cao hơn nhiều so với PESA như N035, Gripen E đủ sức phát hiện Su-35 có RCS 12m2 từ cách xa 200km. Khi khoảng cách phát hiện đối phương ngang nhau, vũ khí sẽ đóng vai trò quyết định.

Tên lửa chủ lực không chiến ngoài tầm nhìn của Su-35 là R-77 có tầm bắn 90-170 km, NEZ (vùng không thể trốn thoát) là 40km, trong khi đó, JAS-39 sử dụng tên lửa Meteor với tầm bắn 185km và NEZ 100 km, có ưu thế vượt trội trước Su-35. Tên lửa có tầm bắn xa nhất của Su-35 là KS-172, tiêu diệt được mục tiêu từ cách xa 300km, tuy nhiên, đó chỉ là những máy bay lớn có tính năng thao diễn kém như B-52 hoặc AWACS. Khi đối đầu với tiêm kích đối phương, Su-35 vẫn phải trông chờ vào R-77.

Trong không chiến quần vòng cự ly ngắn, nhiều người nghĩ rằng Su-35 sẽ áp đảo JAS-39, nhưng động tác kiểu như "Rắn hổ mang" hay "Quả chuông" bị chính các phi công tiêm kích lão luyện cho là không có giá trị trong thực chiến. Tên lửa chủ lực không chiến tầm ngắn của Su-35 là R-73M cũng tỏ ra thua kém nhiều IRIST-T ở cả tốc độ (Mach 2,5 so với Mach 3), khả năng chịu quá tải và đặc biệt là chưa có khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng, khiến khả năng cơ động cao của Su-35 không còn là lợi thế.

Với hai động cơ 3D TVC, Su-35 có tốc độ nhỉnh hơn Gripen, tuy nhiên, chính chúng là “gót chân Achilles” trước đầu dò hồng ngoại của tên lửa nhiệt, nguy hiểm hơn so với một động cơ Volvo RM12 của Gripen; có ưu thế về độ cơ động trong không chiến quần vòng, nhưng kích thước của Su-35 lớn hơn nhiều so với JAS-39, vì vậy xác suất trúng đạn cũng cao hơn. Với các phân tích trên, việc Thụy Điển tự tin cho rằng Gripen đủ khả năng giành chiến thắng trước Su-35 trong cả không chiến tầm xa lẫn tầm gần là có cơ sở.

Theo các chuyên gia quân sự, dù vẫn còn một số hạn chế, như mất ổn định và chao đảo khi đổi hướng do cánh tam giác làm cánh liền với đuôi, tiết diện radar nhỏ và nhạy của anten yếu, khoảng cách phát hiện mục tiêu không cao, giá và chi phí bay cao hơn nhiều so với những gì nhà sản suất tuyên bố, … JAS là tiêm kích hạng nhẹ đa năng hàng đầu thế giới hiện nay.

Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo