Nhật Bản bộc lộ tham vọng quân sự
Phái tàu chiến tới Trung Đông
Chính phủ Nhật Bản mới đây thông báo đã cùng với các đối tác Mỹ thảo luận việc gửi tàu chiến đến Trung Đông để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hải ở eo biển Hormuz. Quyết định trên của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh khu vực đang rất bất ổn bởi những xung đột giữa Iran, Saudi Arabia, Israel và Mỹ, cũng như nạn cướp biển nghiêm trọng.
Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo hồi tuần trước: “Chúng tôi không tham gia liên minh với Mỹ, song sẽ phối hợp chặt chẽ với họ. Lực lượng Phòng vệ sẽ triển khai các nỗ lực nhằm đảm bảo sự an toàn của các tàu Nhật Bản”.
Theo Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề Trung Đông nhằm làm giảm căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran trong khu vực. Kyodo dẫn các nguồn tin thân cận cho biết Tokyo đang cân nhắc triển khai 2 tàu khu trục, trong đó 1 tàu đang tham gia các chiến dịch chống cướp biển ngoài khơi Somalia, để tiến hành các hoạt động giám sát trong vùng biển Bán đảo Arab.
Sự ổn định tại Trung Đông có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản, khi 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ khu vực này. Tokyo có thể lo ngại nguy cơ nguồn cung và hoạt động vận chuyển dầu mỏ bị gián đoạn. Tuy nhiên, hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời nhà phân tích chính trị Piots Tsvetov nhận định những thảo luận nêu trên đi ngược Hiến pháp hòa bình, vốn cấm Nhật Bản tham gia chiến sự.
Ngay cả trong trường hợp các mâu thuẫn không dẫn đến đụng độ vũ trang thì sự hiện diện của quân nhân Nhật Bản ở nước ngoài cũng có thể bị coi là vi phạm các điều khoản hòa bình. Tờ Financial Times bình luận: “Nếu việc triển khai này được hiện thực hóa, đây sẽ là bước đi mới nhất trong những quyết sách đối ngoại cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa tới thăm Iran hồi tháng 6. Thủ tướng đang tìm cách thử nghiệm những giới hạn pháp lý vốn ràng buộc việc triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”.
Nhân dịp này, báo chí quốc tế cũng nhắc lại việc giới lãnh đạo Nhật Bản, trong đó có 2 bộ trưởng và hơn 100 nghị sĩ đã đến thăm đền Yasukuni, nơi tưởng niệm những người Nhật đã ngã xuống trong Thế chiến II, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe cũng gửi đồ lễ. Cũng như những năm trước, hành động này đã khiến nhiều quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Triều Tiên và cả Trung Quốc hết sức bất bình. Ngôi đền Yasukuni vốn bị xem là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc rất lấy làm tiếc về thực tế là các nhà lãnh đạo chính phủ và quốc hội Nhật Bản một lần nữa gửi đồ lễ hoặc đến viếng đền Yasukuni. Bộ trên cũng kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản có thái độ "chân thành suy ngẫm về lịch sử quá khứ", cho rằng nếu Tokyo có thái độ như vậy được thể hiện qua hành động, quan hệ giữa hai nước sẽ tiến triển hướng tới tương lai và Nhật Bản có thể khôi phục lòng tin từ các quốc gia láng giềng.
Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, trong đó có thành phần bị xem là tội phạm chiến tranh hạng A. Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật thế kỷ 20 và cho rằng việc các quan chức hay nghị sĩ Nhật Bản viếng đền là nhằm "đánh bóng" lịch sử thời chiến của nước này, do đó các chuyến thăm viếng đền này đều vấp phải sự phản đối mạnh của 2 nước láng giềng Đông Bắc Á.
Nhật Bản muốn tự cởi trói?
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Nhật hoàng Naruhito kêu gọi người dân Nhật Bản “góp phần củng cố tình hữu nghị và hòa bình của toàn bộ cộng đồng quốc tế”. Tuy nhiên, những kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản đang khiến dư luận hoài nghi.
Theo giới phân tích, Nhật Bản đang tiến hành kế hoạch vũ trang với tốc độ khá nhanh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/8 quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm 2020 lên 5.300 tỷ yên (48 tỷ USD), tăng 1,2% so với năm 2019, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Giới phân tích đặc biệt chú ý tới việc Tokyo tăng ngân sách để mua thêm máy bay tàng hình F-35B (84,6 tỷ yên).
Tháng 12/2018, Nhật Bản thông qua Phương châm kế hoạch phòng vệ mới, công khai đề xuất cải tạo tàu chiến hiện có thành tàu sân bay, thông qua mua rất nhiều thiết bị mới, tăng cường năng lực tác chiến tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, thay đổi khái niệm “Phòng vệ chuyên về phòng thủ” được xác lập trong Hiến pháp hòa bình. Theo giới phân tích Trung Quốc, sau khi Luật an ninh mới được thông qua năm 2015, phạm vi hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã mở rộng, giới hạn sử dụng vũ khí đã bị phá vỡ.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản không thể trang bị những vũ khí mang tính tiến công như tàu sân bay. Tuy nhiên, Nhật Bản đã sử dụng giải pháp khác thường, nghiên cứu và phát triển 2 tàu chở máy bay trực thăng Izumo, khi cần thiết có thể mang theo hơn 10 chiếc máy bay tàng hình F-35B mà dự kiến sẽ có tổng số lên tới 147 chiếc.
Dư luận cũng hoài nghi về những cam kết của Nhật Bản khi hãng tin Kyodo hồi đầu tháng 9 đưa tin, nghị sĩ Maruyama Sugao, người từng tuyên bố giành lại quần đảo Lãnh thổ phương Bắc (Nga đang kiểm soát và gọi là Nam Kuril) bằng chiến tranh, lại viết trên Twitter kêu gọi giành lại đảo Takeshima (Hàn Quốc đang kiểm soát và gọi là Dokdo) bằng quân sự.
Giữa lúc đó, giới quân sự Mỹ “bồi” thêm rằng Nhật Bản sử dụng vũ lực để lấy lại Lãnh thổ phương Bắc không khó bởi ngay cả khi Mỹ không hỗ trợ, hải quân của Nhật Bản cũng đủ khả năng loại trừ mối đe dọa từ 4 hạm đội hải quân lớn của Nga.
Hiến pháp hiện hành là “Hiến pháp của Nhật Bản” được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 8/1946, công bố vào ngày 3/11/1946 cùng năm và có hiệu lực vào ngày 3/5/1947 dưới sự chiếm đóng của Mỹ, sau khi Nhật Bản bại trận trong Thế chiến II. Theo giới phân tích, với bản hiến pháp hòa bình được thế giới công nhận này, Nhật Bản sau chiến tranh đi theo con đường phát triển hòa bình, trở lại với cộng đồng quốc tế và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, đạt được những thành tựu kinh tế đáng chú ý.
Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã coi việc hoàn thành sửa đổi hiến pháp trong nhiệm kỳ là mục tiêu chính sách lớn nhất. Nhìn bề ngoài, việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp dường như là để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, và khiến Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản cũng có thể điều động lực lượng phòng vệ, tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc giống như các nước khác, điều này cũng phù hợp với tinh thần của hiến pháp Nhật Bản.
Theo giới phân tích, mục đích cơ bản của Nhật Bản không phải là trở thành một “quốc gia bình thường” mà là xóa bỏ hiến pháp thời hậu chiến, từ đó thoát khỏi “quy chế sau chiến tranh”, và tìm cách trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo