Quốc tế

Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục, mục tiêu là ai?

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa yêu cầu khoản ngân sách kỷ lục khoảng 50,5 tỷ USD cho năm tài chính 2020, tăng 1,2% so với năm 2019.

Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là năm thứ 8 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng. Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến Nhật Bản đưa ra quyết định này.

Tiêm kích F-35 của Nhật Bản. Ảnh: NHK.

Đối phó Trung Quốc, Triều Tiên

Trước hết phải kể đến là vấn đề Triều Tiên. Trong vòng vài tháng trở lại đây, Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa. Mặc dù những vụ thử đó chỉ là những tên lửa tầm ngắn, tầm trung và chưa một lần đáp xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, nhưng điều khiến Tokyo lo ngại là chúng không làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Nó đồng nghĩa với việc Mỹ không xem các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên là vấn đề đáng báo động, vì nước này nhìn nhận tên lửa tầm xa của Triều Tiên có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đảo Guam mới là mối đe dọa, trong khi những tên lửa tầm ngắn không có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ sẽ không đáng lo ngại.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6/2018, Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử tên lửa tầm xa. Tổng thống Trump dường như cũng bị gây ấn tượng bởi Chủ tịch Kim Jong-un khi hai bên gặp nhau lần gần đây nhất ở khu phi quân sự DMZ tại biên giới liên Triều.

Mối lo ngại tiếp theo của Nhật Bản là Trung Quốc. Trung Quốc từ lâu được coi là đồng minh truyền thống và quan trọng nhất của Triều Tiên, đồng thời là nhà viện trợ và trao đổi thương mại chủ chốt. Bắc Kinh luôn kiên định đứng sau Bình Nhưỡng bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều quốc gia khác, buộc phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã có tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku (tên gọi theo Nhật Bản) hay còn gọi Quần đảo Điếu Ngư (tên gọi theo Trung Quốc). Quần đảo này nằm bên cạnh các tuyến vận chuyển quan trọng. Tokyo nhiều lần tố tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ nước này. Dù chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 10/2018 có nhiều đột phá song vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn tạo ra sự chia rẽ lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Lý do thứ 3 là quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe, dù đã nỗ lực hết sức và cũng khá thành công trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Putin, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa thể chuyển thành các động thái trên thực địa, do việc hai bên không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp kéo dài đối với quân đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Gần đây, hai nước đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng chưa đạt được nhận thức chung do lập trường còn nhiều khác biệt.

Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản cho biết, Nga đang có kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tại hai đảo nằm ở phía bắc quần đảo Kuril để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này tại khu vực, trong đó có cả những hệ thống tên lửa chống hạm ven biển có tầm bắn lên tới hơn 300 km. Tokyo phản đối việc "tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực" và tuyên bố rằng việc Moscow triển khai vũ khí tại quần đảo Kuril có thể ngăn chặn hai bên ký kết Hiệp ước hòa bình.

Sức ép từ đồng minh

Lý do thứ tư, Thủ tướng Shinzo Abe đang phải chịu sức ép từ chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề thương mại và việc chia sẻ chi phí quân sự, do vậy ông nhiều khả năng sẽ cố gắng làm hài lòng nhà lãnh đạo Mỹ bằng cách đặt hàng thêm nhiều loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Tổng thống Trump đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm nhiều hơn cho hoạt động phòng thủ của nước này. Trước thềm cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm 2020, ông Trump cũng gợi ý Nhật Bản và Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ.

Thứ 5, kế hoạch gia tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Hàn Quốc ngày càng xấu đi. Dù đều là đồng minh ruột của Mỹ tại khu vực Châu Á, nhưng cả hai bên đã rơi vào vòng xoáy căng thẳng do những mâu thuẫn và các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Căng thẳng giữa leo thang đỉnh điểm trong tháng 7/2019, khi Nhật Bản siết chặt xuất khẩu nguyên vật liệu công nghệ cao cho Hàn Quốc và loại Seoul ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Seoul nhìn nhận quyết định của Tokyo như sự trả đũa về mặt chính trị đối với phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc đưa ra năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho lao động bị cưỡng bức thời chiến.

Tăng cường hệ thống phòng thủ

Cuối cùng, Nhật Bản muốn tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này bằng một thế hệ tên lửa đánh chặn mới. Tokyo có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất tại các tỉnh Akita và Yamagichi để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Song song với đó là cải tiến các khu trục hạm trực thăng JS Izumo và JS Kaga để cho phép các máy bay chiến đấu như F-35B- phiên bảnmáy baycất cánh đường bay ngắn và hạ cánh, có thể hoạt động trên những khu trục hạm này.

Ngoài ra, Tokyo cũng muốn đầu tư vào công nghệ tương lai. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu chi 23,8 tỷ yên để gia tăng số lượng các nhân viên thuộc đơn vị phòng thủ không gian mạng và thực hiện các biện pháp đối phó với các cuộc tấn công mạng. Kế hoạch này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Tokyo chuẩn bị tổ chức sự kiện Olympics mùa hè vào năm 2020.

Tất cả chiếc lược đặt ra đều phù hợp với “Tầm nhìn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” của Nhật Bản, trong đó Tokyo đang cố gắng giành được vị thế lớn hơn trong khu vực. Chính phủ Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ thông qua đề xuất ngân sách 50,5 tỷ USD. Với tính cách khó đoán của Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe hiểu rằng, nước Mỹ không phải lúc nào cũng sẵn lòng “kề vai sát cánh” để đảm bảo an ninh cho Nhật Bản vì sau tất cả ông Trump vẫn luôn đề cao chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Theo Hồng Anh/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo