Nhật Bản “xoay xở” thích ứng khi ngày càng nhiều người thọ 100 tuổi
THẾ GIỚI 24H: Mỹ từ chối “ngồi chung mâm” với Nga, CIA có ý định ám sát Tổng thống Philippines / THẾ GIỚI 24H: IS bắt tay với Al-Nusra đối phó quân đội Syria
Theo thống kê của Pew Research Center, hiện tại Nhật Bản đã trở thành quốc gia có tỉ lệ người trên 100 tuổi so với tổng dân số cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy hiện thời có 67.824 người Nhật Bản bằng hoặc vượt ngưỡng 100 tuổi. Vào năm 1965, khi Nhật Bản bắt đầu thống kê dân số trên 100 tuổi, con số này mới chỉ là 153 người.
Chỉ trong 50 năm, Nhật Bản đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của những cụ ông, cụ bà sống cả thế kỷ. Điều này buộc các nhà làm luật của quốc gia Đông Á phải bắt đầu thay đổi để thích ứng với tình hình trên.
Trong 1 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tổ chức hàng loạt cuộc họp tại hội đồng chuyên có nhiệm vụ “thiết kế” cuộc sống cho nhóm những người 100 tuổi ở nước này. Đây là cơ quan gồm toàn các chuyên gia được thành lập để chuẩn bị cho sự tăng trưởng nhanh chóng hơn nữa của những người trên 100 tuổi ở Nhật Bản trong tương lai.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, 27% dân số Nhật Bản đang ở tuổi 65 trở lên. Năm 1990, tỷ lệ này chỉ khoảng 11%. Tuy rằng, tuổi thọ trung bình cao là một dấu hiệu tích cực thể hiện sự văn minh của xã hội, tuy nhiên nó cũng tạo ra những thách thức, ví dụ như gánh nặng cho xã hội về lương hưu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cho người già. Tại Nhật Bản, tỉ lệ sinh ngày càng giảm, đồng nghĩa với việc sẽ có ngày càng ít người trong độ tuổi lao động đóng góp để hỗ trợ người lớn tuổi thông qua các khoản thuế.
Tỉ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm trong 37 năm liên tiếp và Bộ Y tế nước này dự đoán dân số Nhật Bản tới năm 2060 sẽ giảm xuống còn 86,74 triệu người, so với con số 126,26 triệu người hiện tại.
Một trong những chuyên gia tham gia vào hội đồng vạch ra chính sách cho người trên 100 tuổi Nhật Bản, bà Lynda Gratton, giáo sư trường Kinh doanh London (Anh), cho rằng điều quan trọng là chính phủ và cách doanh nghiệp phải vạch ra được một lộ trình để thay đổi cách suy nghĩ của người Nhật Bản. Đơn cử như việc Nhật Bản đề xuất tăng tuổi về hưu từ 60 lên 65 nhằm giúp người cao tuổi nước này có thêm thời gian để cống hiến cho xã hội, tránh những suy nghĩ tiêu cực khi ở tuổi “xế chiều”. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích mô hình “đào tạo lại”, nghĩa là người lao động có thể được học tập, nâng cao kiến thức, chuyển sang làm một lĩnh vực khác phù hợp với độ tuổi hưu trí.
Tuy nhiên, theo giáo sư Hiroko Akiyama của trường đại học Tokyo thì những chính sách trên là tốt, nhưng Nhật Bản cần nhanh và quyết liệt hơn nữa. “Lực lượng lao động của chúng ta đang thu hẹp dần”, bà nhận định.
Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Và già hóa dân số ở Nhật Bản cũng mang lại những cơ hội cho các doanh nghiệp nước này.
Các công ty bắt đầu mở ra những câu lạc bộ tập thể hình cho người cao tuổi. Các robot chăm sóc ngày càng phổ biến ở các viện dưỡng lão. Bà Gratton cho rằng Nhật bản đang đi đầu thế giới trong việc phát triển robot và máy móc tự động để hỗ trợ và cải thiện cuộc sống của nhóm người lớn tuổi.
Chuyên gia này cũng cho rằng không chỉ riêng Nhật Bản mà các quốc gia trên thế giới cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho một tương lai mà 3 giai đoạn: học tập, làm việc, nghỉ hưu sẽ dần biến mất. “Mọi người sẽ có xu hướng trở nên chủ động hơn. Thay vì lên kế hoạch, tiết kiệm và nghỉ ngơi những năm cuối đời thì họ nên sống tích cực hơn và không ngừng tiến về phía trước.
Bà cho rằng thay vì nghĩ rằng mình đang già hơn, hãy nghĩ tới cách khiến mình có thể gìn giữ tuổi trẻ lâu hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo