Những chiếc UAZ huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam
"Chiến thuật bầy sói" của tên lửa chống hạm Nga không thần diệu như quảng cáo / Khu trục hạm Type 052D - "Lá chắn thần Trung Hoa" dễ bị xuyên thủng
Do mối liên hệ mật thiết với Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh, Việt Nam đã được viện trợ một lượng lớn xe UAZ với đủ các chủng loại để sử dụng chủ yếu cho các hoạt động quân sự. Dưới đây là 3 sản phẩm nổi tiếng nhất của UAZ đã và đang phục vụ trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
1. UAZ-69
Xe tải hạng nhẹ UAZ-69 của Việt Nam. Ảnh: Odkrywca.pl.
Thông số cơ bản: Dài 3,85 m; rộng 1,75 m; cao 1,95 m; chiều dài cơ sở 2,3 m; trọng lượng rỗng 1.535 kg; Xe được trang bị bình xăng 48 lít, dung tích xi lanh 2.120 cc, công suất động cơ 55 mã lực và có hộp số sàn 4 cấp.
UAZ-69 là loại xe tải hạng nhẹ 4 bánh ban đầu được sản xuất bởi hãng GAZ từ năm 1953 - 1955 nên còn có tên gọi là GAZ-69. Từ năm 1954 - 1972 việc sản xuất được thực hiện tại nhà máy của UAZ nên xe có tên định danh mới là UAZ-69. Loại xe này được Liên xô viện trợ rộng rãi cho nhiều nước đồng minh và còn được sản xuất theo giấy phép tại Romania.
Đặc trưng của UAZ-69 là chỉ có 2 cửa ra vào bên hông và được phủ bạt toàn bộ cabin, đến biến thể UAZ-69A (GAZ-69A) xe mới được bổ sung thêm một cặp cửa ra vào. Dựa trên mẫu UAZ-69, nhà máy đã phát triển thêm loại xe tải địa hình và xe tải hạng nhẹ UAZ-450/452 cùng mẫu xe jeep mới hơn UAZ-469.
UAZ-69 là mẫu xe địa hình hạng nhẹ tiêu chuẩn của Quân đội Liên xô trước khi mẫu UAZ-469 ra đời, khung xe UAZ-69 còn được hoán cải để dùng làm khung cơ sở cho loại pháo tự hành chống tăng 2P26 cũng như để gắn thêm giàn phóng tên lửa chống tăng AT-1 Snapper.
UAZ-69 đã phục vụ rất tích cực trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam và được coi là một trong những huyền thoại trên cung đường Trường Sơn. Hiện chưa rõ UAZ-69 chính thức có mặt tại Việt Nam vào thời điểm nào nhưng có thể là những năm đầu kết thúc kháng chiến chống Pháp.
2. UAZ-450/452
Xe chở khách UAZ-452 của Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong.
Thông số cơ bản: Dài 4,44 m; rộng 1,94 m; cao 2,24 m; trọng lượng 1.900 kg; Xe được trang bị động cơ xăng dung tích 2.445 cc, công suất 90 mã lực cho tốc độ tối đa 100 km/h trên đường tốt.
Năm 1958, nhà máy UAZ cho ra đời mẫu xe tải nhẹ và xe van UAZ-450, đến năm 1965 thì ra mắt biến thể xe chở khách UAZ-452.
Đây là loại xe 2 cầu có tính việt dã cao, hoạt động tốt trên các địa hình xấu. Những chiếc UAZ-450/452 được sử dụng rộng rãi cho nhiều cơ quan chính phủ, quân đội, cảnh sát Liên Xô. Loại xe này xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài, phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Không sớm như UAZ-69, UAZ-452 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ngày nay do nhiều yếu tố, đa phần những chiếc UAZ-450/452 đã không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên một số nơi vẫn còn khai thác sử dụng tốt như trong quân đội, trong ngành bưu điện và các vùng ngoại thành, nông thôn.
Trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam, UAZ-452 chủ yếu được sử dụng với vai trò xe cứu thương.
3. UAZ-469
Xe địa hình UAZ-469 của Việt Nam. Ảnh: Otofun.
Thông số cơ bản: Dài 4,025 m; rộng 1,785 m; cao 2,05 m; chiều dài cơ sở 2,38 m; trọng lượng rỗng với nhiên liệu 1.650 kg; Xe được trang bị bình xăng 78 lít, dung tích xi lanh động cơ 2.450 cc, công suất 75 mã lực mô men xoắn 166,7 Nm ở tốc độ vòng quay 2.200 rpm và có hộp số tay 4 cấp.
Xe địa hình 4x4 UAZ-469 ra mắt năm 1973 để thay thế loại UAZ-69, được đánh giá là mẫu xe thành công nhất của UAZ tính đến thời điểm hiện tại. UAZ-469 có 2 ưu điểm lớn là có thể hoạt động trên mọi địa hình và rất dễ dàng sửa chữa, điều này khiến UAZ-469 trở thành biểu tượng về độ tin cậy và khả năng vượt địa hình.
Kể từ khi bắt đầu sản xuất năm 1973 tới nay đã có khoảng 2 triệu chiếc UAZ-469 được xuất xưởng, có mặt ở khoảng 70 quốc gia trên thế giới.
UAZ-469 ban đầu chủ yếu phục vụ trong cho lực lượng quân đội và cảnh sát dù trong thiết kế ban đầu nó hoàn toàn đáp ứng thị trường dân sự mà không cần sửa đổi nhiều, nhưng cũng phải tới cuối những năm 1980 biến thể thương mại UAZ-469B do nhà máy Lutzk sản xuất mới được đưa ra thị trường dân sự.
Hiện nay, UAZ-469 vẫn là loại xe địa hình chủ chốt trong các đơn vị tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngoài công năng nguyên bản, UAZ-469 còn được hoán cải để sử dụng trong Binh chủng Thông tin liên lạc với vai trò trạm thu phát sóng di động cũng như làm khung cơ sở để lắp đặt các loại radar giám sát cỡ nhỏ. Ngoài ra, UAZ-469 còn được sử dụng rất nhiều trong lực lượng Công an cũng như dân chơi off-road.
End of content
Không có tin nào tiếp theo