Quốc tế

Những điều chưa biết về Tình báo quân đội Nga

Hôm 24/8, một cựu lính mũ nồi xanh của Mỹ sống ở Bắc Virginia tên là Peter Rafael Dzibinski Debbins đã bị truy tố và đưa ra xét xử vì tội tiết lộ bí mật quân sự về các hoạt động của đơn vị tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ).

Máy bay do thám Mỹ bay qua Hàn Quốc / Mỹ triển khai hàng trăm binh sĩ tới Litva

Theo hãng CNN, Peter đã có hơn 1 thập niên làm việc cho Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU). Từ đây, những bí mật về đơn vị quân báo số 1 của Nga cũng dần dần được hé lộ.

Cơ quan không tồn tại

Trực thuộc Bộ Quốc phòng, GRU là Tổng cục Tình báo của Nga và về mặt kỹ thuật, GRU không tồn tại. Năm 2010, sau những cải cách lớn đối với quân đội, cơ quan tình báo quân sự của Nga đã được đổi tên thành “Văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng”.

Tuy nhiên, sự thay đổi này đã không ngăn được bất kỳ ai gọi tổ chức hoặc các thành viên của tổ chức là “GRU” - một từ viết tắt hiện được các nhà báo sử dụng liên tục và trong các tài liệu chính thức, bao gồm cả cáo trạng của chính phủ Mỹ và thông báo của chính quyền Hà Lan.

Trang bị cho một đơn vị lính sơn cước của GRU.
Trang bị cho một đơn vị lính sơn cước của GRU.

Không giống như các cơ quan an ninh và tình báo khác của Nga như SVR, FSB hay FSO, người đứng đầu GRU có trách nhiệm báo cáo công việc trực tiếp với Tổng thống Nga. Giám đốc GRU là thành viên của bộ chỉ huy quân sự Nga và chỉ làm việc dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Người có công thành lập “đế chế GRU” là Pyotr Ivashutin, người lãnh đạo tình báo quân sự của Liên Xô (cũ) từ đầu những năm 1960 đến cuối những năm 1980. Ivashutin là người đã hình thành và bắt đầu xây dựng một hệ thống thu thập thông tin hoạt động suốt ngày đêm, cảnh báo lãnh đạo đất nước về các mối đe dọa an ninh quốc gia trong thời gian thực.

Ngày làm việc của ông thường bắt đầu lúc 7h05. Khi đó, một chiếc ô tô đưa ông đến đại lộ Gogolevsky ở Moscow, nơi GRU đặt trụ sở vào đầu những năm 1960. Ông giải quyết các vấn đề với những người đào tẩu; giám sát việc thu thập thông tin tình báo ở các vùng lãnh thổ; quản lý các hoạt động đặc biệt ở Afghanistan. Trong cuộc phỏng vấn duy nhất mà ông từng tham gia, Ivashutin cho biết với tư cách là giám đốc GRU, ông “ủng hộ các phong trào cách mạng.” Pyotr Ivashutin mất năm 2002.

Theo tin từ tờ Ria Novosti, năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm Igor Korobov giữ chức vụ Giám đốc GRU. Là một sĩ quan tình báo khởi nghiệp từ những năm 1980, Korobov tốt nghiệp Học viện Quân sự và tiếp tục giám sát việc thu thập thông tin tình báo chiến lược của Nga, bao gồm cả việc quản lý tất cả các trạm nước ngoài.

Tháng 12/2016, giới chức Mỹ đã thêm Korobov vào danh sách trừng phạt của họ với cáo buộc tổ chức các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, Korobov và các giám đốc của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) đã thực hiện một chuyến đi chưa từng có tới Washington vào tháng 2/2018 để gặp gỡ các thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ và thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố.

 

Trụ sở của GRU được biết đến với biệt danh "thủy cung" bởi vì cộng đồng tình báo là một "thủy cung kín, nơi mọi người biết nhau". Tổ hợp GRU được tạo thành từ các tòa nhà chín tầng và được bao quanh bởi hàng rào kim loại cao.

Văn phòng an ninh ở phía trước, bên trong sân có một đài tưởng niệm các sĩ quan tình báo quân đội bị giết. Trong sảnh vào của tòa nhà chính có một đài tưởng niệm dành riêng cho các anh hùng trong công tác tình báo Liên Xô (cũ) và Nga. Những cái tên được liệt kê ở đó là tên thật của các sĩ quan.

Tuyển chọn khắt khe

Sự khác biệt giữa GRU và Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) chỉ có thể cảm nhận được đối với những người làm việc bên trong hai cơ quan này. Năm 2006, một Trung tướng của SVR giải thích rằng SVR thu thập thông tin tình báo chính trị, trong khi GRU thu thập thông tin tình báo quân sự. Cấu trúc và hoạt động của cả hai cơ quan này đều thuộc loại bí mật nhà nước.

Ảnh chụp lớp học khoa học máy tính tại Trường Điện tử vô tuyến quân sự Cherepovets hồi tháng 12 năm 2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tuy nhiên, cách thức đào tạo của GRU và SVR thì khác nhau. Trong cuốn sách có tựa đề "Đồng chí J.: Những bí mật chưa kể về điệp viên bậc thầy của Nga ở Mỹ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc" do nhà báo Pete Earley viết năm 2008, kẻ đào tẩu Sergey Tretyakov tiết lộ rằng, SVR thường gửi các điệp viên trẻ tới “trường học trong rừng” không xa Medvedkovo, ở Đông Bắc thủ đô Moscow, giống như những nhân viên tình báo trẻ khác.

 

Ở đây, Tretyakov và nhóm của mình được huấn luyện cách để làm việc với các nguồn thông tin, các vấn đề cá nhân, sử dụng máy ảnh đặc dụng, lắp đặt các thiết bị nghe trộm (họ thường thực hành kỹ năng này ở công viên Gorky tại Moscow)...

Sau khi tốt nghiệp, các nhân viên tình báo của SVR thường được phân đi làm tại các văn phòng thường trú của Nga ở nước ngoài. Các nhà ngoại giao thông thường sử dụng năm tầng dưới, trong khi nhân viên tình báo và nhân viên mật mã chiếm các tầng trên mà người ta quen gọi là tầng “tàu ngầm”. Các bức tường trong tòa nhà này được lắp bằng các đường ống rung phát ra tiếng ồn trắng và hoàn toàn không có điện thoại và máy tính kết nối Internet...

Trong khi đó, các sĩ quan GRU được đào tạo tại Học viện Quân sự của Bộ Quốc phòng ở số 50 phố Narodnoe Opolchenie, Moscow - không xa trụ sở của GRU và các viện nghiên cứu liên kết với tình báo quân sự Nga. Các nhân viên tình báo quân sự, bao gồm cả các chuyên gia an ninh mạng cũng được đào tạo tại Trường Điện tử vô tuyến quân sự Cherepovets.

Một cơ sở đào tạo khác cho các đặc vụ GRU là Học viện Vũ trụ quân sự Alexander Mozhaysky, nơi Alexey Morenets (đặc vụ GRU cách đây 3 năm bị buộc tội thực hiện các cuộc tấn công mạng ở Hà Lan) là một sinh viên. Các giảng viên của 3 học viện nói trên thường chọn sinh viên mới của họ bằng cách gửi yêu cầu tuyển mộ đến các đơn vị quân đội trên toàn quốc, xem xét hồ sơ của các sĩ quan trẻ. Họ phỏng vấn những ứng viên tiềm năng và sau đó mời những ứng viên triển vọng nhất đến Moscow để thử nghiệm.

Các cuộc đánh giá ở Moscow kéo dài một tuần, bắt đầu vào mỗi buổi sáng và kết thúc vào tối muộn. Các thí sinh phải trải qua hàng trăm kỳ thi để kiểm tra kiến thức về ngoại ngữ, khả năng chú ý, trí nhớ, sự nhạy bén về tinh thần, “khả năng chống ồn” và “khả năng chịu đựng thông tin”.

 

Một bài kiểm tra có thể yêu cầu họ lặp lại một cụm từ bằng một ngôn ngữ không quen thuộc, trong khi một bài kiểm tra khác có thể cho họ xem hàng chục bức ảnh và sau đó yêu cầu thí sinh đọc thuộc tên của từng người. Ngoài ra còn có các cuộc phỏng vấn với một hội đồng đánh giá. Họ có thể hỏi các ứng viên về đồ uống có cồn yêu thích, lý do muốn tham gia tình báo quân sự của Nga và thậm chí cả thái độ, suy nghĩ về phụ nữ.

Việc đào tạo một sĩ quan tình báo của GRU thường mất 3 năm. Năm giảng dạy đầu tiên đặc biệt chú trọng đến ngoại ngữ, vận hành máy móc chuyên dụng, nghiên cứu khu vực, mã hóa, giải mã và công việc tình báo bí mật.

Thậm chí còn có các lớp học về cách tạo ra “truyền thuyết” (cốt truyện) của riêng mình và cách trốn tránh sự giám sát. Mỗi sinh viên được giao cho một khu vực của Moscow, nơi anh ta có nhiệm vụ vạch ra các tuyến đường cho các cuộc gặp tiềm năng với các đặc vụ khác, xác định vị trí thích hợp để lắp đặt các thiết bị nghe trộm và phát hiện bất kỳ ai theo dõi anh ta (các sĩ quan FSB thường đóng vai trò phản gián).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất tại Học viện là thâm nhập vào một cơ sở an ninh cao: người điệp viên tương lai phải được thừa nhận hợp pháp, ví dụ, bằng cách kết bạn với người được anh ta cấp phép nhập vai...

Đào tạo chuyên biệt

 

Theo tờ Meduza.io, Học viện Quân sự của Bộ Quốc phòng có 3 khoa. Bộ phận đầu tiên đào tạo các đặc vụ bí mật hoạt động dưới sự bảo vệ ngoại giao (hay còn gọi là vỏ bọc). Khi bước vào lĩnh vực này, các sĩ quan này bắt đầu là cố vấn, thư ký cho các Đại sứ và đại diện của các công ty Nga ở nước ngoài. Họ chịu trách nhiệm liên lạc với các điệp viên nằm vùng và các nỗ lực tuyển dụng điệp viên nước ngoài.

Trụ sở GRU trên đường cao tốc Khoroshevskoye ở Moscow. Ảnh chụp ngày 4 tháng 10 năm 2018. Ảnh: AP.

Một trong những người có vỏ bọc như vậy là Viktor Ilyushin, người đã bị trục xuất khỏi Pháp năm 2014. Chính thức làm Phó tùy viên không quân tại Đại sứ quán Nga ở Pháp, đặc vụ Viktor Ilyushin đã cố gắng có được "thông tin mật" về một trong những nhân viên của Tổng thống Francois Hollande.

Khoa thứ 2 thì chuyên đào tạo các tùy viên quân sự (đại diện của các lực lượng vũ trang của Nga phục vụ cho nhiệm vụ ngoại giao). Năm 2014, Eduard Shishmakov làm tùy viên quân sự tại Ba Lan và sau đó bị trục xuất từng học khoa này. Còn khoa cuối cùng là dành cho các sĩ quan nhận nhiệm vụ chỉ huy các hoạt động đặc biệt ở nước ngoài.

Những người đào tẩu và các trang web dành riêng cho lực lượng vũ trang Nga mô tả cấu trúc của GRU như sau: đơn vị 1- Thu thập thông tin tình báo ở Châu Âu; đơn vị 2 - Mỹ; đơn vị 3 - châu Á; đơn vị 4 - Trung Đông và châu Phi; đơn vị 5 - trinh sát chiến lược; đơn vị 6 - giám sát thông tin liên lạc; đơn vị 7 - dịch vụ phân tích thông tin; đơn vị 8 - phá hoại, lật đổ và đơn vị 12B: chiến tranh thông tin.

Nhiệm vụ của các điệp viên

 

Trang web của Văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các sĩ quan của họ cung cấp cho lãnh đạo đất nước những thông tin nhằm tạo điều kiện “có lợi cho việc thực hiện thành công chính sách về quốc phòng và an ninh quốc gia”, đồng thời góp phần đến sự phát triển của đất nước".

Theo luật, các cơ quan tình báo Nga có thể làm việc bí mật với những người cung cấp thông tin của họ và thực hiện các biện pháp để “che giấu nhân sự ”. Các cơ quan này được phép sử dụng cả phương pháp công khai và bí mật, nhưng không liên quan đến công dân Nga, không trên lãnh thổ Nga và không áp dụng trong trường hợp người dân bị hại.

Năm 2011, Alexander Shlyakhturov, người đứng đầu GRU vào cuối những năm 2000 cho biết, công việc của cơ quan này là “phát hiện và phân tích các mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia và an ninh quân sự của Nga”.

Người tiền nhiệm của ông, Valentin Korabelnikov, cho biết vào năm 2003 rằng GRU cũng thu thập thông tin tình báo về các nghiên cứu do nước ngoài thực hiện. GRU thực hiện hầu hết việc thu thập thông tin tình báo của mình thông qua “những đặc vụ ngầm” - những người sống ở nước ngoài dưới những cái tên giả. Ngoài ra, danh tính riêng biệt có thể được tạo ra cho các đặc vụ đi ra nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, điều này dường như đã xảy ra với Chepiga và Mishkin.

Đôi khi, nhiệm vụ của các điệp viên nằm vùng có thể kéo dài hàng thập kỷ. Một cựu điệp viên GRU kể rằng người bạn cùng lớp của anh ấy trong Học viện Quân sự đã được gửi đến sống ở một quốc gia Arab trong 24 năm. Khoảng thời gian đó, anh này mua một kiots ở chợ và mở cửa hàng kinh doanh sửa chữa giày dép, nơi anh gặp gỡ các điệp viên. Thường có những báo cáo và công văn được giấu trong gót giày mang đến cho anh ta.

 

Sergey Lebedev, một trong những quan chức hàng đầu của GRU, cho biết: “Cha tôi qua đời mà không hề biết rằng tôi phục vụ trong ngành tình báo quân đội, mặc dù tôi đã là một tướng lĩnh vào thời điểm ông ấy qua đời. Ông ấy vẫn nói với mọi người rằng con trai mình làm việc cho Bộ Ngoại giao ”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm