Những dự án tàu chiến đầy tham vọng, nhưng dang dở của Liên Xô
Cận cảnh khinh hạm Anh giương súng rượt tàu chiến Iran / “Sát thủ diệt UAV” trên boong tàu chiến Mỹ nghi bắn rơi máy bay Iran
Ngày 28/7 vừa qua, hơn 360 chiến hạm và tàu ngầm, 148 nghìn quân nhân, 4 Hạm đội lớn và 1 tiểu Hạm đội thuộc biên chế của Hải quân Ngacùng nhau tưng bừng tổ chức ngày truyền thống của lực lượng. Các tàu chiến hiện đại nhất được lựa chọn để tham gia cuộc diễu hành trên biển chính ở St. Petersburg. Mỗi chiếc trong số đó đều là thành quả lao động của hàng ngàn chuyên gia sau nhiều năm kiên trì để biến các phác thảo dự án thành con tàu kim loại thực sự.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ý tưởng táo bạo của các công ty đóng tàu ở Nga (hay Liên Xô trước đây) đều trở thành hiện thực. Dưới đây là những con tàu nằm trong các dự án tham vọng nhất, nhưng lại chưa từng được ra biển.
Chủ lực hạm
Đầu những năm 1930, giới lãnh đạo Liên Xô xác định tham vọng sẽ tạo ra một hạm đội đại dương hùng mạnh. Trung tâm và sức mạnh tấn công chủ lực của hạm đội đó sẽ là những chiếc tàu chiến thuộc “đề án 23".
Chiếc chủ lực hạm đầu tiên mang tên “Liên Xô” được đặt tại Nhà máy đóng tàu Baltic vào ngày 15/7/1938. Song song với đó, việc chế tạo chiếc “Ukraine Xô Viết” ở Nikolaev, chiếc “Nga Xô Viết” và “Belarus Xô Viết” ở Molotovsk, cũng được triển khai.
Chủ lực hạm"Liên Xô" thuộc đề án 23 đang được lắp ráp tạiNhà máy đóng tàu Baltic. (Ảnh: RIA)
Những chiếc chủ lực hạm này một khi hoàn thành sẽ là những chiếc lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Tổng lượng giãn nước của mỗi chiếc đều vượt quá 65 nghìn tấn, chiều dài – 270 mét, chiều rộng – 38 mét. Công suất động cơ là hơn 200 nghìn mã lực và cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Phi hành đoàn là 1226 thủy thủ và 66 sĩ quan.
Vũ khí chính của những chiếc chủ lực hạm này sẽ là ba tháp súng với cỡ nòng 406 mm. Mỗi tháp súng có thể bắn những quả đạn pháo nặng 1105 kg trúng mục tiêu ở khoảng cách khoảng 46 km. Bên cạnh đó, bản thân những chiếc chủ lực hạm này đều được thiết kế để bảo vệ khỏi hỏa lực của kẻ thù. Độ dày của lớp đai giáp là 375-420 mm.
Tàu sở hữu khả năng chống ngư lôi tương đương với vụ nổ lên tới 750 kg TNT. Xét về trang thiết bị phòng không, tàu được trang bị 6 khẩu pháo đôi B-54 cỡ nòng 100 mm và 10 khẩu súng 4 nòng 46-K với kích cỡ mỗi nòng là 37 mm.
Nhưng cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra. Tính đến tháng 6/1941, chiếc “Liên Xô” mới được hoàn thành 21%, chiếc “Ukraine Xô Viết” – 18% và chiếc “Nga Xô Viết” là 5%. Vào ngày 10/9/1941, những chiếc chủ lực hạm đã chính thức bị thải loại khỏi Hải quân Liên Xô và những nhóm thủy thủ đoàn được thành lập trước đó cũng được giải tán.
Thân tàu bắt đầu bị tháo rời từng phần. Theo đó, phần thiết giáp của chiếc “Liên Xô” được tái sử dụng để xây dựng các công sự gần Leningrad. Sau chiến tranh, người ta cũng không có ý định quay trở lại dự án nữa, bởi chủ lực hạm đã bị coi là lỗi thời. Ông chủ đại dương lúc này đã là những chiếc hàng không mẫu hạm.
Tàu tên lửa “biết lặn”
Đề án 1231 “Cá heo”, được phát triển vào những năm 1950-1960, về căn bản là một loại tàu chiến hoàn toàn mới – tàu tên lửa lai giữa tàu cánh ngầm tốc độ cao và tàu ngầm. Tác giả và là người khởi xướng ý tưởng tàu tên lửa “biết lặn” này là ông Nikita Khrushchev – người đứng đầu Nhà nước. Theo ý tưởng, “Cá heo” sẽ có khả năng lặn và di chuyển dưới nước, đảm bảo được yếu tố bí mật đặc biệt.
Theo đề án, con tàu sẽ có lượng giãn nước là 450-600 tấn, chiều dài – 63 mét, tốc độ - từ 14 đến 38 hải lý/giờ tùy thuộc vào chế độ di chuyển. Thời gian hoạt động độc lập sẽ là 5 ngày ở mặt nước và 2 ngày ở dưới ngầm. Vũ khí chính được trang bị là tên lửa hành trình chống hạm P-25 đầy triển vọng.
“Cá heo” được cho là có khả năng tiếp cận kẻ thù ở trạng thái chìm, sau đó nổi lên, sử dụng tốc độ cao để chiếm hữu vị trí khai hỏa, phóng tên lửa rồi lại chìm xuống dưới nước. Tuy nhiên, chiến thuật này không được phát triển đầy đủ và chưa tính đến các phương án phản ứng của đối phương.
Sau khi nghiên cứu chi tiết các thông số kỹ - chiến thuật, các nhà phát triển nhận ra rằng về mặt an ninh, con tàu thuộc đề án 1231 không có gì vượt trội so với những chiếc tàu mặt nước thông thường, trong khi chi phí sản xuất lại cao hơn rất nhiều. Do đó, công trình phát triển “Cá heo” chỉ dừng lại ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Tàu ngầm đổ bộ
Tàu ngầm hạt nhân thuộc đề án 717 là lớp tàu ngầm vận tải – đổ bộ rất đặc biệt. Theo ý tưởng của các nhà thiết kế, chiếc tàu ngầm hạt nhân này được cho là có thể tiếp cận bờ biển không vũ trang và đổ bộ các phương tiện bọc thép và lính thủy đánh bộ qua các đường dốc mũi tàu.
Việc phát triển được bắt đầu vào năm 1967, và đến năm 1971, bản thiết kế kỹ thuật được bàn giao.Về mặt cấu trúc, con tàu được ghép thành từ 3 khối. Ở trung tâm là các hệ thống chính, thủy thủ đoàn và lực lượng đổ bộ. Hai bên hông sẽ chứa gần 20 xe tăng lội nước và các phương tiện bọc thép khác. Chiều dài thiết kế của tàu ngầm là 190 m, lượng giãn nước bề mặt là 18 nghìn tấn.
Con tàu có thể mang theo 252 quả ngư lôi trong các ống phóng, thực hiện các hoạt động cứu hộ bằng thiết bị lặn, có 6 ống phóng ngư lôi và 2 khẩu pháo 30 mm để phòng vệ.
Tuy nhiên, công đoạn chế tạo đã không được diễn ra. Vào thời điểm hoàn thành khâu thiết kế, Liên Xô lại rất cần các mẫu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo để đạt được thế cân bằng quân sự với Mỹ. Tất cả các cục thiết kế và nhà máy đóng tàu hàng đầu khi đó đều tập trung vào đóng mới các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân. Đề án tàu ngầm vận tải – đổ bộ táo bạo này từ đó đã bị lãng quên.
Hàng không mẫu hạm Liên Xô
Chương trình chế tạo hàng không mẫu hạm lớn nhất của Liên Xô chính là con tàu nguyên tử “Ulyanovsk” thuộc đề án 1143.7, được đặt lên giá đóng tàu vào ngày 25/11/1988. Về kích thước và khả năng, con tàu này có thể sánh ngang với những con tàu khổng lồ của Mỹ. Tổng lượng giãn nước là gần 80 nghìn tấn, chiều dài gần 325 m và chiều rộng là hơn 70m.
Con tàu có thể vận hành độc lập trong 120 ngày và mang được đến 70 máy bay và trực thăng các loại. Ngành công nghiệp quốc phòng khi đó sẵn sàng cung cấp những chiếc chiến đấu cơ Su-33 (sau năm 1988 gọi là Su-27K), trực thăng Ka-27 và loại máy bay radar tuần tra hoàn toàn mới – Yak-44. Vũ khí được trang bị dành riêng cho tàu là tên lửa chống hạm “Granit”.
Thật không may, vào tháng 11/1991, con tàu đang được đóng dở này lại bị gạt khỏi Hải quân và việc nguồn kinh phí chế tạo cũng bị ngừng lại do tình hình kinh tế khó khăn. Cũng có một thời gian, Nhà máy đóng tàu Biển Đen tiến hành lắp ráp con tàu bằng chi phí riêng của mình, tuy nhiên, đến đầu năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraine chính thức gạt bỏ dự án này. Bắt đầu từ ngày 5/2/1992, các bộ phận của con tàu “Ulyanovsk” đã dần dần bị tháo dỡ hoàn toàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo