Quốc tế

Những kịch bản của kinh tế thế giới khi chính quyền ông Trump áp thuế thương mại mới

DNVN - Các kịch bản khác nhau từ đối đầu gay gắt đến chia tách khối kinh tế có thể xảy ra nếu chính quyền Trump 2.0 áp thuế mới.

Tăng trưởng kinh tế có giúp Mỹ thoát nợ công cao kỷ lục? / Tạo phát triển đột phá cho hạ tầng chiến lược - Bài cuối: Chiến lược phát triển giao thông hiện đại ở Trung Quốc

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang tin theconversation.com ngày 23/12 cho biết, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã khởi xướng các cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và châu Âu. Dù vậy, những động thái này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng khi thâm hụt thương mại của Mỹ không giảm mà tăng từ 195 tỷ USD trong quý đầu năm 2017 lên 260 tỷ USD cùng kỳ năm 2021.

Chính sách thuế quan mới mà ông Trump dự kiến áp dụng được cho là sẽ khác biệt nhiều so với trước đây. Lần này, thay vì áp thuế 25% trên một số mặt hàng, ông đề xuất mức thuế từ 10% đến 20% với phần lớn hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đặc biệt, mức thuế 25% có thể áp dụng với Canada và Mexico, còn hàng hóa từ Trung Quốc đối mặt với thuế tới 60%. Vậy các kịch bản nào có thể xảy ra?

Kịch bản đầu tiên: Đối đầu thương mại. Khi thuế quan toàn diện được giữ nguyên, nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với giá hàng nhập khẩu tăng cao. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa sản xuất trong nước, làm tăng lương nội địa và có thể đẩy lạm phát tăng.

 

Tình trạng "tăng nhiệt" của kinh tế Mỹ trong kịch bản này không phải không có lực cản. Thuế cao cùng đầu tư lớn có thể khiến đồng USD tăng giá, khiến hàng nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn trước khi thuế được áp dụng. Nhờ vậy, áp lực lạm phát có thể được giảm bớt.

Ngoài ra, việc cắt giảm nhân sự trong khu vực công có thể giảm áp lực lên thị trường lao động. Sự phát triển của công nghệ, chẳng hạn như xe không người lái, cũng có khả năng thay đổi cục diện.

Các yếu tố khác như chính sách nới lỏng quy định về môi trường trong ngành năng lượng và khả năng đạt thỏa thuận hòa bình tại Ukraine hay Trung Đông có thể hạ giá năng lượng, giúp nền kinh tế toàn cầu có thêm lợi thế.

 

Kịch bản thứ hai: Thỏa thuận qua đàm phán. Với phong cách giao dịch đặc trưng, chính quyền Trump có thể đề xuất các điều kiện ưu đãi nhằm đổi lại sự nhượng bộ từ các đối tác kinh tế. Việc bổ nhiệm Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính, người xem thuế như công cụ chiến lược, là minh chứng rõ ràng cho hướng đi này.

Các nhượng bộ tiềm năng có thể bao gồm tăng cường hợp tác chính trị, thu hút thêm đầu tư vào Mỹ hoặc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Mỹ. Câu hỏi quan trọng là liệu các điều kiện này có thể áp dụng với Trung Quốc và liệu Trung Quốc có chấp nhận không. Nếu không, hai khối kinh tế độc lập - một lấy Mỹ làm trung tâm, một gắn với Trung Quốc - có thể xuất hiện.

Kịch bản thứ ba: Đạt thỏa thuận với Trung Quốc. Trong trường hợp ít khả năng xảy ra nhất, Trung Quốc có thể đồng ý với các yêu cầu của Mỹ về cân bằng thâm hụt thương mại song phương. Điều này đòi hỏi Trung Quốc tăng tốc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ so với các thỏa thuận trước đó giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Kế hoạch này có thể giúp Bắc Kinh duy trì mô hình tăng trưởng xuất khẩu cho đến khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.

 

Với các đồng minh như Anh và EU, mức thuế 20% lên hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ sẽ gây tác động lớn, đặc biệt trong ngành dược phẩm và máy móc. Anh phải đối mặt với câu hỏi về việc có áp thuế trả đũa Mỹ hay không và nếu có, nên áp dụng ở mức độ nào.

Trong khi đó, EU với vị thế kinh tế tương đương Mỹ và chính sách thương mại độc lập, có khả năng đáp trả mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện. Điều này buộc Anh phải lựa chọn giữa mối quan hệ với Mỹ hoặc thị trường gần gũi EU. Hơn nữa, xu hướng khép kín kinh tế có thể là dấu hiệu cho những xung đột trong tương lai.


Thanh Mai (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm