Quốc tế

Những lần Mỹ phản bội người Kurd kể từ Thế chiến 1

Với việc bật đèn xanh cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria, Mỹ lần thứ 8 phản bội người Kurd.

Tuyên bố của Nhà Trắng đêm 6/10 rằng các binh sỹ Mỹ sẽ rút khỏi miền Bắc Syria đã bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào khu vực này. Đây là kịch bản mà người Kurd ở Syria lo ngại lâu nay.

Với quyết định rút quân khỏi khu vực, Tổng thống Trump bị cả dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích vì đã phản bội đồng minh.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Mỹ làm điều đó. Thực tế, Mỹ đã phản bội người Kurd ít nhất 8 lần trong hơn 100 năm qua. Các lý do cho những lần phản bội này cũng không phức tạp.

Người Kurd ở Syria biểu tình bên ngoài căn cứ của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu ở miền bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty.

Kurd là một nhóm dân tộc có gần 40 triệu người tập trung chủ yếu ở khu vực giao cắt của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq. Họ muốn có 1 đất nước riêng của mình, nhưng 4 nước mà họ sinh sống lại không muốn điều đó xảy ra.

Mặt khác, người Kurd lại là công cụ hoàn hảo đối với chính sách ngoại giao của Mỹ. Mỹ có thể vũ trang cho người Kurd ở bất cứ nơi nào trong số những nước kể trên nếu nước đó đang là kẻ thù của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng không muốn người Kurd mà mình đang lợi dụng trở nên quá mạnh mẽ. Nếu điều đó xảy ra, những nhóm người Kurd khác, ví dụ như những người sống ở đất nước đang là đồng minh của Washington – có thể nhận thấy ý tưởng về độc lập và tự do.

Dưới đây là những lần Mỹ đã phản bội người Kurd kể từ Thế chiến 1.

1. Như nhiều chủ nghĩa dân tộc khác, dân tộc Kurd phát triển mạnh ở cuối thế kỷ 19. Ở điểm này, tất cả những vùng đất của người Kurd đều nằm trong sự cai trị của Đế chế Ottoman, tập trung chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nhưng khi Đế chế Ottoman sụp đổ, người Kurd tin rằng, đó là thời điểm của họ.

Hiệp ước Sèvresnăm 1920 phân chia Đế chế Ottoman, trong đó phần chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay và hứa hẹn thành lập một nhà nước Kurdistan. Nhưng người Thổ phản đối và tìm mọi cách để Mỹ phải ủng hộ một Hiệp ước mới vào năm 1923, Hiệp ước Lausanne. Hiệp ước này cho phép Anh và Pháp chia nhau khu vực ngày nay là Iraq và Syria. Nhưng nó lại không có điều khoản nào dành cho người Kurd.

Đây là lần đầu tiên Mỹ phản bội người Kurd.

2. Sau Thế chiến 2, Mỹ dần thay thế vai trò của Anh là nước thực dân chính ở Trung Đông. Mỹ đã vũ trang cho người Kurd ở Iraq trong thời kỳ cầm quyền của Abdel Karim Kassem (cầm quyền từ 1958-1963).

Mỹ sau đó đã ủng hộ cuộc đảo chính quân sự năm 1963 - trong đó có một vai trò ủng hộ nhỏ của Saddam Hussein thời trẻ - lật đổ Kassem.

Tuy nhiên ngay sau đó, Mỹ lập tức cắt viện trợ dành cho người Kurd, và thực tế là đã cung cấp bom napalm cho chính phủ Iraq chống lại người Kurd.

3. Đến những năm 1970, chính phủ Iraq lại “trôi” vào quỹ đạo của Liên Xô. Chính quyền Nixon đi đến một kế hoạch với Iran (khi đó là đồng minh Ba Tư do nhà vua, hay còn gọi là Shah, cai trị) nhằm vũ trang cho người Kurd ở Iraq.

Kế hoạch này không phải là để người Kurd ở Iran chiến thắng, vì điều đó có thể khuyến khích người Kurd ở Iran nổi dậy, mà là để người Kurd ở Iraq chống phá chính quyền Baghdad.

Tuy nhiên kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Sau đó, Mỹ đã dừng các thỏa thuận về việc viện trợ cho người Kurd. Quân đội Iraq bắt đầu di chuyển về phía Bắc nhằm vào người Kurd, trong khi Mỹ phớt lờ lời cầu xin từ đồng minh người Kurd xưa kia.

4. Những năm 1980, chính phủ Iraq đã đi đến một cuộc thảm sát thực sự đối với người Kurd, trong đó có cả việc sử dụng vũ khí hóa học. Chính quyền Mỹ (lúc này là Reagan) đã được cảnh báo về việc chính quyền Saddam sử dụng khí độc thần kinh, nhưng vì họ muốn thấy sự hủy hoại mà Saddam đang làm với Iran (giai đoạn chiến tranh Iran-Iraq), Nhà Trắng thậm chí phản đối những nỗ lực của Quốc hội nhằm áp đặt trừng phạt với Iraq.

Truyền thông Mỹ khi đó cũng ngầm ủng hộ chính quyền. Khi một phóng viên của Washington Post muốn tờ báo này đăng tải bức ảnh một người Kurd thiệt mạng vì vũ khí hóa học, người chủ biên đã trả lời anh ta rằng: “Ai sẽ quan tâm?”.

5. Khi Mỹ đánh bom Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, George H.W. Bush đã kêu gọi “quân đội Iraq và người dân Iraq hãy tự giải quyết vấn đề, buộc Saddam Hussein - kẻ độc tài, phải từ chức”. Cả người Iraq theo dòng Shia ở miền nam và người Kurd ở miền Bắc Iraq đã nghe theo và cố làm chính xác những gì ông Bush đã nói.

Và cuối cùng hóa ra Bush lại không trung thực 100% về những gì ông nhận thấy về vấn đề này. Quân đội Mỹ đã rút lui khi Iraq thảm sát người Kurd trên khắp cả nước.

6. Tuy vậy, khi hình ảnh những người Kurd ở Iraq trông thật tồi tệ trên truyền hình quốc tế, chính quyền Bush đã buộc phải làm gì đó. Mỹ đã ủng hộ những một nỗ lực do Anh khởi xướng nhằm bảo vệ người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Trong thời chính quyền Clinton những năm 1990, những người Kurd ở Iraq bị chính quyền đàn áp, Iraq khi đó là kẻ thù của Mỹ, do đó người Kurd ở nước nay xứng đáng có được sự cảm thông của Mỹ.

Nhưng người Kurd cách đó không xa ở miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ lại bắt đầu nổi dậy chống lại chính quyền đồng minh của Mỹ. Mỹ đã cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại hàng chục nghìn người Kurd và phá hủy hàng nghìn ngôi làng của họ.

7. Trước chiến tranh Iraq năm 2003, nhiều học giả của Mỹ đều cho rằng Washington phải làm gì đó để giúp người Kurd.

Tác giả cuốn sách Hồ sơ mật Lầu Năm Góc Daniel Ellsberg đã có một cuộc trao đổi với William Kristol thuộc phái tân bảo thủ ngay khi cuộc chiến này bắt đầu:

Ellsberg: Người Kurd có mọi lý do để tin họ sẽ lại bị Mỹ phản bội lần nữa, như đã vài lần trước đây. Viễn cảnh về lời mời của chúng ta với người Thổ vào cuộc chiến này… sẽ không làm yên lòng người Kurd.

Kristol: Tôi phản đối việc phản bội người Kurd. Chắc chắn quan điểm của ông cũng không phải thế vì chúng ta đã phản bội họ trong quá khứ, liệu lần này chúng ta có nên phản bội họ nữa không?

Ellsberg: Không phải chúng ta nên, mà là chúng ta sẽ làm điều đó.

Kristol: Chúng ta sẽ không làm điều đó.

Tất nhiên, Ellsberg đã đúng. Việc người Kurd ở Iraq độc lập sau chiến tranh khiến Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ - cực kỳ lo ngại. Năm 2007, Mỹ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch ném bom hạng nặng nhằm vào người Kurd ở Iraq. Đến lúc này, tạp chí Weekly Standard của Kristol đã tuyên bố rằng, sự phản bội là điều mà Mỹ nên làm.

Với việc Trump bật đèn xanh cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd, Mỹ đang phản bội người Kurd lần thứ 8.

Người Kurd có một câu ngạn ngữ cổ nổi tiếng là họ “không có người bạn nào ngoài những ngọn núi”. Bối cảnh hiện nay càng chứng minh điều đó là đúng.

Theo Hoàng Phạm/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo