Quốc tế

Những quốc gia nào đang 'thèm khát' xe tăng thế hệ mới Armata của Nga?

Mặc dù xe tăng chiến đấu thế hệ mới Armata của Nga vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động, song rất nhiều đồn đoán đã xuất hiện về việc nước nào ngoài Nga sẽ sở hữu loại vũ khí tối tân này.

Những quốc gia nào có thể sẽ sử dụng T-14 Armata trong tương lai? Dưới đây là một số ứng cử viên:

Xe tăng Armata đang được nhiều nước chú ý.

1. Ấn Độ

Ấn Độ đang muốn trở thành đối tác xuất khẩu chính của xe tăng T-14 Armata, khi xe tăng này đủ tiêu chuẩn để được Ấn Độ xem xét tham gia vào dự án phát triển xe quân sự của tương lai (FRCV).

Bên cạnh Armata, các loại xe tăng khác hiện đang được xem xét bao gồm xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc và BM Oplot của Ukraine. Phần lớn các loại xe tăng của phương Tây hiện nay như Leopard 2A7 và M1A2 Abrams không phù hợp với địa hình Ấn Độ do trọng lượng quá lớn.

Armata cũng đang đối mặt với một đối thủ nữa là Arjun Mk.2 do chính Ấn Độ phát triển, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ liệu Arjun có thể vượt qua được những vấn đề mà những thế hệ xe tăng trước đã gặp hay không.

2. Trung Quốc

Mặc dù đang có một nền công nghiệp quốc phòng phát triển nhanh, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua các loại khí tài quân sự của nước ngoài như Su-35S và S-400.

Với việc tiếp tục mua vũ khí Nga, Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ với Nga đã bắt đầu từ những năm 1990, khi Trung Quốc mua các thiết bị quân sự hiện đại từ Nga và sau đó nghiên cứu những đặc điểm của chúng và tự phát triển vũ khí của mình.

Vì vậy, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách mua Armata với số lượng giới hạn để nghiên cứu, phát triển những công nghệ có ích và có thể cho ra một phiên bản Armata của riêng mình để xuất khẩu.

3. Algeria

Algeria có mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu năm với Nga và đã sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại của Nga trước đây. Chúng bao gồm T-90, S-50 và Su-30MKA (một phiên bản cải tiến của Su-30). Gần đây Algeria cũng mua những loại khí tài từ Nga như xe bọc thép BMPT và máy bay huấn luyện phi công chiến đấu Yak-130.

Armata đang được coi là giải pháp thay thế các loại xe tăng của nhiều lực lượng quân đội trên thế giới.

Nga tỏ ra tin tưởng Algeria như một đối tác trong việc phát triển các loại vũ khí hiện đại, và đã yêu cầu nước này tham gia vào dự án chế tạo máy bay Su-57, đồng thời ngỏ ý sẵn sàng xuất khẩu loại máy bay này cho Algeria.

Việc Algeria có Armata sẽ đảm bảo vị thế là một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất ở toàn Châu Phi. Tuy nhiên, với việc nước này vẫn còn sở hữu rất nhiều T-90, nhiều khả năng Algeria sẽ chỉ nhập khoảng vài chiếc Armata do giá thành cao của loại xe tăng này.

4. Ai Cập

Tương tự như Algeria, trong thời gian gần đây Ai Cập đã hướng đến việc mua vũ khí Nga, trong đó có T-90 và MiG-35. Điều thú vị là cả Ai Cập và Iraq đã chuyển đổi từ việc sử dụng các phiên bản xuất khẩu của xe tăng Abrams sang các loại xe do Nga sản xuất.

Đối với Ai Cập, động thái của họ đã chấm dứt gần 30 năm quan hệ với Mỹ khi họ từng mua xe tăng M60 Patton và sau đó là M1A1 Abrams. Mặc dù mới chỉ bắt đầu mua vũ khí Nga, song Moscow cũng tỏ ra tin tưởng Ai Cập và đã đề nghị xuất khẩu Su-57 cho nước này.

Vì vậy, Ai Cập cũng có thể coi là một bạn hàng mua Armata tiềm năng của Nga. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn chưa thể mua loại xe tăng này trong tương lai gần khi mới đặt mua một số lượng lớn xe tăng T-90 vào năm 2017 để củng cố quân đội của mình.

5. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)

Tương tự với Algeria và Ai Cập, UAE cũng được coi là bạn hàng tiềm năng mua máy bay Su-57 từ Nga và Moscow cũng sẵn sàng hợp tác với nước này trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Gần đây Nga đã cho phép UAE tiếp cận vào mạng lưới định vị vệ tinh GLONASS của mình.

Về các loại xe bọc thép, UAE hiện sử dụng xe thiết giáp BMP-3 của Nga và BTR-3 của Ukraine. Toàn bộ lực lượng xe tăng của UAE đều là xe tăng LeClerc do Pháp sản xuất. Đây là một loại xe tăng khá hiện đại và luôn được nâng cấp đáng kể từ khi được đưa vào sử dụng.

Mặc cho những thành công của xe tăng khi được điều động tới Yemen, xe tăng này đã có lúc bị tên lửa chống tăng Konkurs đã cũ xuyên thủng, khiến người lái xe tăng thiệt mạng và chỉ huy xe bị thương nặng. Kết quả là UAE mong muốn có những nâng cấp đặc biệt cho LeClerc, và nếu Pháp không thể nâng cao sự bảo vệ cho người lái hay Armata có thể thỏa mãn mong muốn này, rất có thể xe tăng Nga sẽ được UAE chọn mua trong tương lai.

Theo Anh Tuấn/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo