Những vấn đề 'làm nóng' thế giới năm 2020
Triều Tiên dựng tượng đài tôn vinh mẹ ruột ông Kim Jong-un / Đại sứ quán Mỹ ở Iraq tan hoang sau vụ tấn công của người biểu tình
Thế giớiđãchào đón năm 2020 với những màn pháo hoa rực rỡ, những lời chúc tụng, những mong ước tốt đẹp. Tuy nhiên, gác lại những màn ăn mừng, thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với một năm tiềm ẩn nhiều bất ngờ, khi nước Mỹ sẽ bận rộn với cuộc bầu cử Tổng thống, bánh xe Brexit sẽ lăn bánh, Trung Đông được dự báo vẫn chưa yên bình, còn châu Á sẽ vẫn phập phồng trước những vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Năm nay,thế giới sẽ còn phải tiếp tục giải quyết các bài toán dang dở của năm 2019 để lại như thế nào, hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài dự báo.
VẤN ĐỀ TRIỀU TIÊN VẪN LÀ ĐIỂM NÓNG
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên có dấu hiệu gia tăng.
Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chuyển biến xấu trong tháng cuối năm 2019 khi Bình Nhưỡng chỉ trích Washington không thiện chí trong đàm phán, báo hiệu một năm sóng gió trong quan hệ Mỹ - Triều. Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 16/12, đặc phái viên của Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã một lần nữa nhấn mạnh "đây là khoảng thời gian để chúng ta thực hiện công việc của mình". Tuy nhiên, phát biểu tại Liên hợp quốc trong tháng 12 này, Đại sứ Triều Tiên đã nói rằng trong tương lai gần, phi hạt nhân hóa khó có thể đạt được. Việc Triều Tiên vẫn kiên quyết không chấp nhận điều kiện phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược mà Washington yêu cầu không phải là một phương án khả thi trong ngắn hạn đã khiến tiềm năng về những vòng đàm phán mới của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ngay "từ trong trứng nước". Giới phân tích nhấn mạnh, rủi ro lớn nhất lúc này không phải là các cuộc đàm phán thất bại, mà là tình hình có thể quay trở về leo thang căng thẳng giống như năm 2017, khi các nhà ngoại giao Mỹ lựa chọn phớt lờ các mục tiêu ngoại giao hợp lý như yêu cầu "đóng băng" các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Theo phân tích của The Diplomat, để Ngoại giao Mỹ-Triều mang lại hiệu quả, Bình Nhưỡng sẽ phải có những nhượng bộ nhất định. Còn Washington sẽ phải kiềm chế những kỳ vọng lớn và thực tế hơn trong các yêu cầu của mình để có những đàm phán phù hợp.
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TIẾP DIỄN
Trong suốt năm 2019, Mỹ và Trung Quốc với các đòn thuế quan áp đặt lẫn nhau đã gây xáo động lớn trong thương mại toàn cầu. Năm nay, giới phân tích cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020 bởi Trung Quốc sẽ không "xuống thang" với Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào để không dẫn tới sự đổ vỡ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước. Bởi lẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nỗ lực thúc đẩy để đạt được nhiều thỏa thuận thương mại, nhằm thuyết phục các cử tri đưa ra quyết định có để ông Trump tiếp tục dẫn dắt nước Mỹ thêm 1 nhiệm kỳ nữa hay không.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - châu Âu sẽ tạm đình trệ do bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu.
BREXIT VỀ ĐÍCH
Giữa bức tranh tổng thể nhiều vấn đề còn chưa giải quyết được trong năm 2019, một điểm sáng lóe lên khi câu chuyện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đi đúng đường ray. Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thắng đa số ghế trong Quốc hội, ông sẽ có cơ hội "Giải quyết xong Brexit". Ông cam kết Brexit sẽ diễn ra vào cuối tháng này, và chính phủ của ông sẽ bổ sung thêm một điều khoản mới vào dự luật nhằm bác bỏ bất kỳ việc gia hạn nào đối với thời gian chuyển tiếp Brexit. Dù vậy, sự chia tay này không đồng nghĩa Brexit đã chấm dứt mà chỉ mở ra một giai đoạn thương thảo về cách thức tái thiết quan hệ giữa Anh và EU vào thời gian tới. Câu hỏi quan trọng là liệu hai bên có tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận thương mại hay không? Còn Anh liệu có phải đối mặt với rắc rối lớn đó là Scotland đòi độc lập, Bắc Ireland cũng đang nghĩ đến sự chia tách.
TRUNG ĐÔNG TIẾP TỤC HỖN LOẠN
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Đông sẽ thêm bất ổn trong năm 2020, theo nhận định của trang tin Gulf News. Khu vực này sẽ đối mặt với sự phân cực hơn nữa trong vấn đề Iran, cuộc khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ qua ở Syria cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ sớm chấm dứt, trong khi Libya có nguy cơ trở thành một thùng thuốc súng tiếp theo của khu vực nhiều biến động này. Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một nhân tố sẽ được nhắc đến rất nhiều trong bàn cờ chính trị khu vực, khi trong năm 2020, khả năng nước này đưa thêm quân đến miền Đông Bắc Syria nhằm đẩy lùi lực lượng người Kurd. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện mang tính biểu tượng ở các mỏ dầu tại miền Đông Syria, làm dấy lên quan ngại rằng điều này có thể trao quyền cho cộng đồng các tay súng người Kurd ly khai ở khu vực này. Các chuyên gia dự đoán, khi Mỹ tiếp tục rời xa Trung Đông, thế giới có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại khu vực này.
ĐƯỜNG ĐUA VÀO NHÀ TRẮNG NÓNG LÊN
Trong năm đầu tiên của thập niên mới, liệu người Mỹ có chọn một người lãnh đạo mới hay tiếp tục đặt lòng tin vào Tổng thống Donald Trump? Ông Trump có thể nói có nhiệm kỳ thành công xét về góc độ kinh tế, nhưng cũng gây tranh cãi với việc quay lưng lại với những hiệp định đa phương và các quyết định "bất nhất" về các điểm nóng thế giới. Bên cạnh đó, ông Trump cũng sẽ phải đối diện với tiến trình bị luận tội của Đảng dân chủ. Trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 3-11-2020, người ta sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng Dân chủ để chọn ra người đủ sức đối đầu với đương kim Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Hiện ông vẫn duy trì được sự tín nhiệm nhất định của cử tri, nhưng cục diện sẽ thế nào thì thế giới sẽ phải chờ đến tháng 11 mới có thể biết được.
CUỘC CHẠY ĐUA GIÀNH ƯU THẾ CÔNG NGHỆ
Liệu viễn cảnh chuyển lên Sao Hỏa sinh sống có thể sẽ trở nên thực tế hơn trong năm nay, khi NASA đã sẵn sàng cho các sứ mệnh thăm dò khả năng sống trên Hành tinh Đỏ. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có chuyến lên sao Thổ, mục tiêu chính là đưa thiết bị không người lái lên hành tinh không có người ở trước năm 2021. Tham vọng này cho thấy Trung Quốc đang cố gắng hiện thực hoá các kế hoạch khoa học vũ trụ lớn, và thách thức trực diện với Mỹ.
Nhưng không chỉ trong đấu trường xa xôi ngoài vũ trụ, cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ tại mặt đất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục. Với việc xây dựng hạ tầng và ra mắt công nghệ dữ liệu mạng 5G sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2020, Mỹ sẽ duy trì sức ép đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc bằng cách kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu, ngăn chặn việc tiếp cận với nguồn cung thiết bị và linh kiện công nghệ của Mỹ. Trong khi đó, sự nổi lên của các ông lớn công nghệ với lượng dữ liệu khổng lồ và trí tuệ nhân tạo có khả năng sẽ tái định hình thế giới. Đấu trường trực tuyến đã nổi lên như một mặt trận khác trong các cuộc chiến thương mại mà Mỹ khơi mào. Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ đều có động thái hỗ trợ các công ty công nghệ nội địa bằng các đòn áp thuế, luật chống cạnh trạnh và hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ.
THẾ GIỚI SẼ TRẢI QUA NĂM NÓNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Vào cuối năm nay, Anh sẽ là nơi tổ chức một trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới, với kỳ họp thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 diễn ra tại thành phố Glasgow. Sự kiện này sẽ một lần nữa đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào tầm ngắm của toàn thế giới, đặc biệt là sau dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh cho thấy, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ toàn cầu dự báo tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu dự báo này chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với "bờ vực" của một sự cố khí hậu vào năm 2020. Tình thế này buộc chính phủ cũng như các doanh nghiệp phải hành động trách nhiệm hơn đối với các thảm họa thiên nhiên và tình trạng ô nhiễm môi trường.
SỰ KIỆN THỂ THAO LỚN
Là điểm đăng cai 2 sự kiện thể thao lớn của thế giới vào năm 2020, Nhật Bản có thể sẽ thấm thía những tác động của Trái Đất nóng lên hơn lúc nào hết. Olympics Mùa hè 2 và Paralympic 2020 đều sẽ được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay ở thủ đô Tokyo. Do đó, nước chủ nhà Nhật Bản đã hứa hẹn Olympic Tokyo sẽ là 1 Thế vận hội "xanh", như sử dụng 100% năng lượng sạch, tăng cường tái chế và ứng dụng công nghệ làm mát. Nhưnhx công nghệ tối tân hỗ trợ du khách cũng được áp dụng, như hệ thống nhận diện khuôn mặt và mạng 5G tốc độ cao.
BÙNG NỔ XE TỰ LÁI
Các hãng công nghệ khổng lồ cũng như startup của Trung Quốc đều đang vươn lên phía trước trong cuộc đua ra mắt taxi tự lái hoàn toàn, với nhiều cuộc thử nghiệm dự kiến được thực hiện tại một số thành phố của nước này trong năm tới. Baidu, WeRide.ai và Pony.ai đều đang mở rộng mạng lưới phương tiện tự hành của mình, còn startup gọi xe Didi Chuxing được dự báo sẽ ra mắt taxi tự lái trong vài tháng tới. Các nhà sản xuất ôtô truyền thống cũng đang gấp rút chạy đua với việc thành lập các bộ phận chuyên môn và ký kết thoả thuận hợp tác với các hãng công nghệ. Giới nhà phân tích dự báo, thời gian tới, tính năng tự lái sẽ ngày càng phổ biến trong các dòng xe mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025