Quốc tế

PAK DA: Máy bay Nga chế tạo theo tiêu chuẩn Mỹ

Tại sao Bộ đội đường không- vũ trụ Nga (VKS) trong tương lai lại cần tới hai kiểu máy bay ném bom xuyên lục địa cùng lúc.

Lại xin tiếp tục loạt bài so sánh, nhận xét vũ khí- khí tài Nga và các nước của chuyên gia quân sự, kỹ sư Vladimir Tuchkov. Bài viết với tiêu đề và phụ đề trên (tiêu đề đầy đủ: “ PAK DA (tổ hợp hàng không triển vọng tầm xa): “Máy bay chiến lược” chủ yếu trong tương lai của Nga sẽ được chế tạo theo các tiêu chuẩn của Mỹ”đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 12/8/2019.

Tổ hợp (máy bay) hàng không tương lai của Không quân tầm xa (viết tắt- PAK DA (ПАК ДА) chế tạo theo công nghệ tàng hình (Ảnh: Ministry of Defence of the Russia/Twitter.com)

Cho đến nay, mới chỉ hoàn thiện bộ phận quan trọng nhất của máy bay- đó là động cơ. Nhưng dù sao như thế cũng có nghĩa là băng đã dịch chuyển (ý nói công việc đã có tiến triển thực sự-ND). Có nghĩa là cái dự án PAK DA đã được nói đến rất nhiều từ 10 năm trước đây, giờ mới thực sự có hình hài bằng xương bằng thịt (nguyên văn: bằng kim loại-ND).Trang mạng Internet avia.pro vừa đưa tin Nga đã bắt đầu chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của kiểu máy bay ném bom chiến lược tối mật PAK DA (như đã giải thích ở trên-ND). Nói cho đúng ra, hiện vẫn chưa phải là sản xuất và lắp ráp đồng bộ tất cả các bộ phận thành một máy bay hoàn chỉnh.

Trang avia.pro nói trên đã tìm thấy trên trang web mua sắm của Chính phủ (Nga) thông tin về kế hoạch bàn giao bộ thiết bị vòi phun hoàn chỉnh đầu tiên của tuabin động cơ với tổng kinh phí là 61 triệu rúp trong tháng 2/2020.

Tổng số bộ vòi phun được đặt hàng- 6 bộ. Bên đặt hàng là Phòng Thiết kế động cơ Samara mang tên Kuznetsov. Đương nhiên, không có bất kỳ thông tin chi tiết nào khác được tiết lộ. Thậm chí số nhà máy của động cơ cũng không được công bố.

Hoàn toàn dễ hiểu là những động cơ đầu tiên sẽ không được lắp cho các chiếc máy bay ném bom mới. Chúng chỉ được sử dụng để tiến hành tất cả các thử nghiệm cần thiết trên mặt đất. Nhưng, dù vậy, thời điểm lắp động cơ của Phòng thiết kế "Kuznetsov" cho nguyên mẫu sẽ không còn xa nữa, bởi vì chuyến bay đầu tiên của PAK DA đã được lên kế hoạch chi tiết- vào năm 2025.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có nhiều thông tin về chiếc máy bay ném bom chiến lược triển vọng của Nga- do mọi thông tin về nó đều được giữ bí mật. Chỉ biết tương đối chắc chắn một điều là nhà sản xuất nguyên mẫu và, rất nhiều khả năng, là cả sản xuất hàng loạt– đó là Nhà máy Hàng không Kazan mang tên Gorbunov.

Vào đầu tháng này (tháng 8/2019), Tổng giám đốc Tập đoàn “Tupolev”

Alexandr Konyukhov đã tuyên bố rằng các nguyên mẫu của PAK DA sẽ được thử nghiệm tại sân bay Zhukovsky ở ngoại ô Matxcova,- tại cơ sở bay- thử nghiệm và hoàn thiện mang tên Tupolev.

Còn trước đó, vào tháng 2/2019, Tập đoàn này cũng đã tuyên bố rằng hình dạng và các tính năng (dự kiến) của PAK DA đã được chính thức phê duyệt.

Thật ra, có rất ít thông tin về các tính năng bay- kỹ chiến thuật của chiếc máy bay tương lai này. Nhiều thông tin hơn một chút- là về hình dạng của PAK DA. Những thông tin kiểu như vậy (về hình dang) đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cách đây tương đối lâu.

Đó sẽ là một chiếc máy bay được chế tạo theo sơ đồ khí động học “cánh bay” và ứng dụng tối đa các công nghệ tàng hình. Máy bay ném bom trong tương lai của chúng ta sẽ có tốc độ cận âm.

Điều này rất quan trọng. Bởi vì như vậy có nghĩa là Phòng thiết kế Tupolev chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn Mỹ được áp dụng với các máy bay B-2 khi thiết kế các máy bay ném bom tầm xa (cho Nga). Và đó cũng là các tiêu chuẩn mà Mỹ dự định sẽ áp dụng cho các máy bay B-21 của mình trong tương lai.

Vậy những đặc điểm của bộ tiêu chuẩn này là gì? Đó là- những máy bay chế tạo theo sơ đồ này (cánh bay) không có thân. Tất cả các bộ phận, buồng lái phi công và vũ khí được bố trí trong cánh hình tam giác. Một ưu điểm không thể tranh cãi là khi bay thì cả máy bay đều tạo ra lực nâng.

Bởi vì trên thực tế nó gần như là một mặt phẳng song song với bề mặt trái đất. Chính vì vậy nên máy bay kiểu này có khả năng đưa một trọng tải rất lớn lên không trung. Và không chỉ tên lửa- bom, mà còn cả nhiên liệu. Vì thế nên các máy bay chế tạo theo sơ đồ “cánh bay” thường có cự ly bay rất lớn.

Thêm nữa, dạng hình học của kiểu máy bay này là thích hợp nhất để giảm tối đa diện tích phản xạ sóng của radar đối phương (giảm tối đa diện tích phản xạ radar hiệu dụng-ND).

Nhưng những máy bay chế tạo theo sơ đồ này cũng có những nhược điểm. Một trong số đó- rất khó điều khiển. Vì vậy nên đường bay của nó không ổn định, đòi hỏi (phi công) phải liên tục thực hiện các thao tác điều khiển để máy bay không “trượt” khỏi hướng bay và độ cao bay.

Và để ổn định đường bay, cần sự “can thiệp” không phải của phi công, mà là của hệ thống tự động hóa. Chính vì thế nên tuy các dự án chế tạo các "cánh bay" trên thế giới đã có từ giữa những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự án nào thực sự thành công.

Kiểu máy bay như vậy (theo sơ đồ“cánh bay”) được sản xuất hàng loạt đầu tiên là máy bay tiêm kích tàng hình (tốc độ) cận âm F-117 do Tập đoàn Lockheed Martin thiết kế và sản xuất trong những năm 80 với tổng cộng 64 chiếc.

Dự án này được hiện thực hóa chủ yếu là do khi đó đã có thể chế tạo được các hệ thống điều khiển tự động hiệu quả và có kích thước nhỏ được phát triển từ các bộ vi xử lý giúp ổn định đường bay.

Còn lý do khiến F-117 chỉ được sản xuất với só lượng không lớn như vậy (64 chiếc)- là do giá thành máy bay quá đắt đỏ- nếu tính theo thời giá hiện tại, mỗi chiếc máy bay tiêm kích nói trên có giá tới hơn 200 triệu USD.

Nhân tiện, khi đã nhắc đến F-117, chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng các máy bay sơ đồ"cánh bay" có tốc độ bay thấp. Cho đến nay, chưa có một máy bay “cánh bay” nào có tốc độ vượt qua tốc độ âm thanh.

Kiểu máy bay “cánh bay” được sản xuất hàng loạt thứ hai là máy bay ném bom B-2 Spirit do Tập đoàn “Northrop Grumman” thiết kế và cho ra lò đầu những năm 90.

Tuy nhiên, số lượng xuất xưởng cũng không nhiều- chỉ có 20 chiếc. Bởi vì một máy bay ném bom như vậy có mức giá trên trời- tới 2,1 tỷ đô la. Hiện tại, nó đang là kiểu máy bay đắt nhất thế giới.

Tuy nhiên, (dù đắt như vậy) nhưng tất cả những ưu điểm của máy bay “cánh bay”, trừ khả năng tàng hình, lại vẫn không được hiện thực hóa hết trong B-2 Spirit. Về cự ly bay (11.100 km), nó thua xa “Gấu Nga” (Tu-95)- (thua) tới gần 4.000 km. Về tải trọng tác chiến (27 tấn), lại cũng kém hơn Tu-160 của chúng ta rất nhiều - tới 18 tấn.

Như vậy có nghĩa là, chỉ vì mục đích đạt được khả năng “tàng hình” mà Phòng thiết kế Tupolev của chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh cự ly bay (xa) và tải trọng tên lửa- bom (lớn) của máy bay (ném bom tầm xa). Cho dù vẫn đang có tin đồn lan truyền rằng tải trọng hữu ích của PAK DA sẽ đạt mức kỷ lục.

Thế còn người Mỹ thì sao? Họ đã quyết định không dừng lại ở những thành tựu đã đạt được, và đã làm những gì như đã làm với B-2, nhưng với giá rẻ hơn rất nhiều. Dự án chế tạo máy bay ném bom B-21 trong tương lai cũng tính đến việc sử dụng sơ đồ khí động học tương tự (như với B-2) với ưu tiên quan trọng nhất là đảm bảo khả năng tàng hình.

Như đã biết, B-21 có cự ly bay liên lục địa. Tất cả những gì (thông tin) còn lại, tập đoàn “Northrop Grumman” cũng đang giữ bí mật tuyệt đối. Ngoài (thông tin về) giá cả- mỗi chiếc B-21 sẽ có giá không vượt quá nửa tỷ đô la.

Cũng được biết rằng Không quân Mỹ sẽ được nhận tổng cộng từ 100 đến 180 máy bay B-21. Theo những dự báo khá mạnh dạn, đến cuối những năm 30, các máy bay này (B-21) sẽ là thành phần chủ chốt của Không chiến lược Mỹ, và sẽ thay thế tất cả máy bay B-52 đã quá "già nua".

Như vậy có nghĩa là Không quân Mỹ dự dịnh sẽ chỉ sử dụng một kiểu máy bay ném bom chiến lược duy nhất- là B-2 và B-21. (Máy bay B-1 không được xếp vào nhóm “máy bay chiến lược” vì nó không phải là phương tiện mang vũ khí hạt nhân).

B-21

Còn đối với Không quân tầm xa Nga (như Không quân chiến lược Mỹ-ND), bức tranh sẽ hoàn toàn ngược lại. Phòng thiết kế Tupolev hiện đang thực hiện song song hai dự án đầy tham vọng– đó là PAK DA và Tu-160M2.

Dự án thứ nhất (PAK DA)- là máy bay theo sơ đồ “cánh bay” cận âm tàng hình. (Dự án) Thứ hai- (Tu-160M2) là máy bay siêu âm theo sơ đồ khí động học truyền thống với tải trọng tác chiến kỷ lục và đã rất “quen thuộc” với các phi công và các đơn vị kỹ thuật mặt đất của Nga.

Tu-160M2.

Thêm nữa, Tu-160M2 không phải là phiên bản hiện đại hóa của “Thiên nga trắng” (Tu-160) hiện có, mà sẽ là các máy bay hoàn toàn mới. Chúng (cả Tu-160 và Tu-160M2) sẽ có cùng kiểu khung thân, nhưng khung thân (cho Tu- 160M2) sẽ phải được làm mới, chứ không phải là “tái chế” từ 16 chiếc máy bay mang tên lửa Tu-160 hiện đang có trong trang bị của Bộ đội Đường không- Vũ trụ (VKS) Nga.

Tất cả các hệ thống- trang thiết bị vô tuyến- điện tử- sẽ mới tinh- những trang thiết bị này đang được KRET (Tập đoàn công nghệ vô tuyến điện tử nổi tiếng chuyên thiết kế các trang thiết bị vô tuyến điện tử Nga-ND) thiết kế.

Các "Thiên nga trắng" mới (Tu-160M2) này sẽ được thử nghiệm cùng lúc với PAK DA. Và, thành thử, cũng sẽ được sản xuất hàng loạt cùng lúc tại cùng một nhà máy– tại Kazan.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Nhà máy hàng không Kazan mang tên Gorbunov không phải là không có giới hạn. Người ta đã tính được rằng nó (nhà máy này) có thể lắp ráp tối đa được 3-4 chiếc Tu-160M2 mỗi năm. Nếu cùng sản xuất PAK DA, ta sẽ có nhiều nhất là 1,5−2 chiếc mỗi loại một năm.

Đã có một quyết định của Chính phủ Nga về việc sẽ sản xuất và mua 50 máy bay mang tên lửa Tu-160M2 cho VKS Nga. Nếu chúng cùng được sản xuất với PAK DA, tiến độ sẽ kéo dài trong vòng 25 năm. Đây là điều thậm vô lý.

Nếu sản xuất PAK DA với số lượng nhỏ, khoảng chỉ một chục chiếc, thì dĩ nhiên, tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn. Nhưng nếu như vậy, chúng ta lại phải đối mặt với một điều thậm vô lý khác. Với một số lượng bèo bọt (quá ít) như vậy, chi phí để cho ra một PAK DA sẽ ở trên mây (nguyên văn).

Và đến đây, trong đầu xuất hiện một câu hỏi; liệu có phải cái dự án PAK DA được giữ tuyệt mật này chính là một thông tin giả “dành cho” và để đánh lừa các “đối tác” của chúng ta hay không? Bởi vì, tâm trạng chờ đợi sự xuất hiện của một kiểu vũ khí mới nào đó trong tay đối phương luôn dẫn tới các quyết định áp dụng các biện pháp đáp trả.

Có nghĩa là – phải có vũ khí phòng thủ. Và như vậy sẽ làm phân tán và suy yếu cả nguồn lực khoa học- kỹ thuật và cả nguồn lực tài chính. Ngay cả đối với nước Mỹ thì đến hôm nay, những nguồn lực nói trên cũng đã không còn là vô hạn.

Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo