Phần Lan gia nhập NATO sẽ là “cơn ác mộng” của Tổng thống Nga Putin?
Tổng thống Putin: Nga buộc phải đánh phủ đầu Ukraine để bảo vệ an ninh quốc gia / Nga và Ukraine vẫn đang đàm phán hòa bình?
Trước khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông đã cảnh báo NATO chớ nên tiến quá gần đến biên giới Nga và khối này cần quay trở lại phạm vi như những năm 1990 – thời điểm một số nước láng giềng của Nga hoặc một số nước từng thuộc Liên Xô cũ chưa gia nhập NATO. Nhưng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hiện giờ đang thay đổi tình hình tại châu Âu. Mối lo ngại về an ninh đã khiến các quốc gia trung lập xem xét gia nhập NATO.
Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan ngày 12/5 ra tuyên bố cho biết, họ ủng hộ việc xin trở thành thành viên NATO trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra. Tuyên bố nêu rõ: “Phần Lan phải xin gia nhập NATO mà không trì hoãn thêm nữa. Chúng tôi hy vọng các bước cần thiết còn lại để thực hiện quyết định này sẽ nhanh chóng diễn ra trong vài ngày”.
Nếu điều này xảy ra, Phần Lan – quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340km với Nga sẽ chính thức trở thành đồng minh quân sự của Mỹ và sự tham gia của họ chắc chắn sẽ củng cố thêm sức mạnh cho khối NATO.
Phần Lan đã áp dụng quy chế trung lập kể từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2. Dù gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995 nhưng nước này vẫn độc lập về mặt quân sự. Tuy nhiên, từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, Phần Lan đã suy nghĩ lại về quy chế trung lập của mình và dần thay đổi chính sách không liên kết.
Nếu trở thành thành viên thứ 31 của NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ Điều 5 Hiến chương NATO - một nguyên tắc về phòng thủ tập thể, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh.Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Phần Lan cho biết, gia nhập NATO là lựa chọn tốt nhất để nước này đảm bảo an ninh quốc gia. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, Phần Lan có thể gia nhập liên minh này nhanh chóng ngay sau khi nộp đơn vì đã trang bị các khí tài quân sự phù hợp với các đồng minh phương Tây và cũng đáp ứng nhiều tiêu chí thành viên.
Các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây cho thấy, ít nhất 60% người dân Phần Lan ủng hộ nước này trở thành thành viên NATO – một bước nhảy vọt về tỷ lệ ủng hộ so với khoảng 30% trong những năm qua.
Cơn ác mộng của Tổng thống Putin?
Nếu kịch bản gia nhập NATO thành hiện thực, quốc gia 6 triệu dân này sẽ vẽ lại bản đồ an ninh châu Âu theo cách chưa từng có và điều này có thể là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của Tổng thống Putin. Khi đó NATO sẽ có thêm 1.340km biên giới chung với Nga. Về mặt biểu tượng, việc kết nạp Phấn Lan còn giúp liên minh quân sự này củng cố sự đoàn kết và có thêm nguồn lực hỗ trợ Ukraine đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.
Sự tham gia của Phần Lan sẽ mở rộng ảnh hưởng của NATO đến tận Bắc Cực – một khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị do có tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí chiến lược quan trọng. Đây là nơi cả Nga, Phần Lan và Mỹ đều có tuyên bố chủ quyền.
Quan trọng hơn việc Phần Lan gia nhập NATO có thể khiến Thụy Điển thực hiện động thái tương tự vì hai nước đều có lộ trình giống nhau sau khi Nga tấn công Ukraine. Nếu cả 2 quốc gia này được kết nạp, Nga sẽ bị bao quanh bởi các nước NATO ở Biển Baltic và Bắc Cực.
Các nhà phân tích cho rằng, Phần Lan sẽ giúp thúc đẩy năng lực quân sự của NATO ở Bắc Âu vì nước này có một lực lượng quân đội tinh nhuệ với nhiều vũ khí, trang bị hiện đại và chính sách huy động lực lượng linh hoạt. Các lực lượng Phần Lan thường tham gia tập trận chung với quân đội NATO vì thế họ có thể phối hợp một cách hiệu quả và gia tăng đáng kể khả năng răn đe với Nga.
Nga sẽ phản ứng ra sao?
Điện Kremlin từng cảnh báo, nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển quyết định gia nhập NATO, họ sẽ phải chịu “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị”. Trong bài phát biểu khi mở đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Putin nêu rõ: “Sự hiện diện quân sự ở các vùng lãnh thổ giáp Nga sẽ tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn và hoàng toàn không thể chấp nhận được đối với Nga”.
Giới phân tích cho rằng, kịch bản Nga thực hiện hành động quân sự chống lại quốc gia Bắc Âu này rất khó xảy ra bởi Moscow đang phải huy động lực lượng cho cuộc chiến tại Ukraine.
Heli Hautala - thành viên nghiên cứu Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington nhận định, nhiều binh sỹ Nga đóng quân gần biên giới Phần Lan đã được điều tới Ukraine. Giao tranh kéo dài nhiều tuần qua đã khiến cả Kiev lẫn Moscow đều chịu “tổn thất đáng kể” về người và của, vì thế Moscow sẽ không mạo hiểm dấn thân vào một cuộc chiến mới. Bà Heli Hautala dự đoán, nhiều khả năng Nga sẽ di chuyển các hệ thống vũ khí đến gần Phần Lan hoặc ra đòn đáp trả về kinh tế.
Cùng chung quan điểm này, ông Hakon Lunde Saxi, chuyên gia tại Đại học Quốc phòng Na Uy nhận định, bất kỳ động thái nào của Phần Lan nhằm gia nhập NATO “có thể dẫn đến việc Nga triển khai quân đội dọc biên giới mới giữa nước này với NATO. Điều đó không có lợi cho an ninh của Phần Lan hoặc châu Âu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo