Quốc tế

Pháo phản lực phóng loạt 'chuẩn đến từng centimet' danh bất hư truyền của Mỹ

Mặc dù ra đời từ gần 40 năm trước, nhưng pháo phản lực phóng loạt M270 của Mỹ vẫn giữ được những tính năng vượt trội, luôn được xếp đầu những loại pháo phản lực đứng đầu thế giới.

Pháo phản lực phóng loạt M270 là hệ thống pháo tự hành, sử dụng khung gầm bánh xích của xe chiến đấu Bradley M2, có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình; đồng thời giúp đơn giản hóa trong việc bảo đảm kỹ thuật. Đặc điểm nổi bật nhất của pháo M270 đó là được thiết kế theo dạng module, có thể tùy chỉnh khi bắn các loại đạn khác nhau và rất thuận tiện cho việc nâng cấp về sau.

Không giống như các MLRS khác, M270 của Mỹ không sử dụng khối nòng cố định, thay vào đó M270 sử dụng giá phóng cố định và giá đạn (còn gọi là hộp đạn) tháo rời; một xe M270 gồm một giá phóng, trong đó chứa được hai giá đạn. Một đặc điểm chung của tất cả các loại pháo phản lực bắn loạt đó là tốc độ bắn rất nhanh, nhưng nhược điểm là nạp đạn chậm; đã khắc phục được một phần nhược điểm, khi đạn được nạp sẵn vào các giá đạn và để trên các xe nạp đạn chuyên dùng; khi bắn hết đạn, các xe tiếp đạn có thể nhanh chóng nạp đạn bằng cách thay giá, rút ngắn thời gian nạp đạn.

Một giá đạn tiêu chuẩn của M270 có 6 ống phóng bằng sợi thủy tinh cỡ 270 mm được cố định thành một khối (3 ống phía trên, 3 ống phía dưới), ống phóng có khắc rãnh xoắn để tạo cho đạn vận tốc quay ban đầu. Do cấu tạo giá đạn tháo rời được khỏi giá phóng, vì vậy M270 có thể dễ dàng thay thế bằng các loại giá đạn khác có đường kính lớn hơn hoặc các loại tên lửa chiến thuật MGM-140 có cỡ 610 mm mà không cần phải thay đổi giá phóng; chính vì sự linh hoạt này đã mở rộng đáng kể phạm vi nhiệm vụ của M270 mà ở các MLRS khác không thể có được.

Nhà sản xuất M270 đã phát triển nhiều loại đạn cho các mục đích khác nhau, trong đó phổ biến nhất là loại đạn nổ phá M26 dùng để chế áp các mục tiêu bộ binh, công sự, vật cản, kho tàng; tầm bắn tối đa của loại đạn này là 45 km; đạn M27 dùng cho mục đích huấn luyện; đạn M28 để bắn tập trong huấn luyện. Tất cả các loại đạn trên đều là đạn không có điều khiển.

Lục quân Mỹ cũng phát triển một số loại đạn có điều khiển cỡ 227 mm, tiêu biểu là đạn M30 được dẫn đường bằng tín hiệu GPS, có tầm bắn đến 70 km; đầu đạn chứa các đầu đạn con. Đạn M31 có cấu tạo tương tự nhưng sử dụng đầu đạn nổ phá đơn khối. Sắp tới M270 sẽ đưa vào sử dụng loại đạn có điều khiển GMLRS-ER có tầm bắn tối đa lên tới 150 km.

Lục quân Mỹ hiện thiếu các hệ thống tên lửa chiến thuật, nếu quân đội Nga có OSA hay Iskander, thì Lục quân Mỹ chỉ trông chờ vào hỏa lực vào các loại bom có điều khiển và tên lửa hành trình phóng từ trên không. Để lấp đầy khoảng trống này, Công ty Lockkheed Martin của Mỹ đã phát triển tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được phóng từ pháo M270 có ký hiệu là M140. Chỉ cần thay giá đạn phóng đạn M26 bằng giá phóng tên lửa M140 là M270 biến thành một hệ thống tên lửa chiến thuật; một khẩu M270 có thể mang hai đạn M140.

Tên lửa ATACMS MGM-140 là loại tên lửa đạn đạo có điều khiển, chiều dài dưới 4 m, đường kính 610 mm. Trọng lượng tùy thuộc vào phiên bản, nhưng không quá 2.000 kg. Một số phiên bản của tên lửa đã được phát triển cho các nhiệm vụ, chỉ khác nhau về phương pháp dẫn đường hoặc đầu đạn.Phiên bản tên lửa MGM-140A sử dụng phương pháp dẫn đường quán tính, có tầm bắn tối đa 130 km; tên lửa MGM-140B sử dụng phương pháp dẫn đường quán tính kết hợp GPS, có tầm bắn lên 165 km.

Phiên bản mới nhất trong dòng MGM-140 là MGM-168, mang đầu đạn nổ phá đơn khối nặng 227 kg, sử dụng phương pháp dẫn đường như tên lửa MGM-140B, nhưng tầm bắn tối đa tăng lên 300 km.

Trong thời gian tới, các công ty Raytheon và Lockheed Martin có kế hoạch khởi động các thử nghiệm chế tạo tên lửa chiến thuật mới được gọi là PRSM (Tên lửa tấn công chính xác), vẫn sử dụng pháo phản lực phóng loạt M270 hoặc HIMARS làm phương tiện phóng. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, nên khả năng dự án này sẽ tăng phạm vi tầm bắn của tên lửa lên trên 500 km.

Theo những thông tin được công khai, Quân đội Mỹ hiện có trong trang bị khoảng một nghìn khẩu M270. Khoảng một phần tư số pháo trên trong những năm gần đây đã được hiện đại hóa theo dự án M270A1, do đó đã nâng cao các tính năng kỹ, chiến thuật; số còn lại được đưa vào dự trữ.

Trong ba thập kỷ rưỡi, pháo phản lực bắn loạt M270 là một trong những loại vũ khí uy lực của quân đội Mỹ và một số nước đồng minh; việc tiếp tục nâng cấp cả về pháo và đạn đảm bảo cho M270 luôn là loại MLRS có sức mạnh hàng đầu thế giới; giải quyết nhiều nhiệm vụ chiến thuật và chiến dịch của Lục quân Mỹ (bắn được cả đạn pháo thông thường và tên lửa chiến thuật). Cách tiếp cận này được lên kế hoạch để tiếp tục duy trì trong tương lai.

Như vậy pháo M270 không chỉ đơn thuần là một pháo phản lực thông thường mà còn là bệ phóng tên lửa đường đạn chiến thuật; sắp tới khi Mỹ không còn phải chịu sự ràng buộc của Hiệp ước INF thì tầm bắn của M270 có thể vượt 500 km mà không hề bị cản trở.

Sự thành công của pháo M270 nằm ở hai yếu tố chính: Trước hết đó là sử dụng giá phóng đạn chứ không phải là khối nòng như các loại MRLS của Liên Xô, do vậy có thể rút ngắn thời gian nạp đạn bằng các xe nạp đạn chuyên dùng; thứ hai đó là có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau (đạn thường, đạn có điều khiển và tên lửa chiến thuật), làm cho M270 không chỉ là vũ khí có uy lực mà còn là vũ khí có độ chính xác cao.

Theo Tiến Minh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo