Quốc tế

Philippines toan tính gì khi muốn mua tên lửa BrahMos và 'quan tâm' tàu ngầm Scorpene?

Việc Hải quân Philippines thể hiện ý định sẽ tiến tới mua sắm tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos của Ấn Độ ngay sau khi họ đánh giá tàu ngầm Scorpene là ứng viên sáng giá nhất có lẽ chẳng phải là sự trùng hợp.

Tờ The Philippine Star mới đây đã đăng tải thông tin cho biết, chính phủ nước này đang đàm phán với đối tác Ấn Độ về hợp đồng mua sắm tên lửa chống hạm siêu thanh PJ-10 BrahMos.

Thông tin trên được một sĩ quan cấp cao của quân đội Philippines tiết lộ cho The Philippine Star và cho biết thêm, tên lửa siêu thanh BrahMos là lựa chọn lý tưởng giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ từ đất liền.

Cũng theo nguồn tin trên, quân đội Philippines hiện đã có các buổi thảo luận đầu tiên với Ấn Độ về khả năng Manila sở hữu tên lửa BrahMos trong tương lai gần.

Đây không phải là lần đầu Philippines thể hiện sự quan tâm tới việc mua sắm các loại vũ khí lợi hại như tên lửa hành trình chống hạm BrahMos nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của nước này.

Dựa trên các thông tin ban đầu thì phiên bản tên lửa BrahMos được Philippines quan tâm là loại triển khai từ xe mang phóng tự hành trên đất liền chứ không phải biến thể tích hợp trên tàu hải quân.

Điều này được cho là hợp lý bởi Philippines chưa có trong trang bị một lớp tà chiến hay tàu ngầm nào có khả năng tích hợp thứ vũ khí đáng sợ như tên lửa BrahMos.

Mặc dù vậy, giới chuyên môn lại nhận định rằng chưa chắc Manila chỉ quan tâm tới phiên bản BrahMos đất đối hải mà họ còn có tham vọng đối với phiên bản phóng đi từ tàu ngầm.

Vừa qua hải quân Philippines bất ngờ cho biết tàu ngầm tấn công diesel-điện trang bị động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP) lớp Scorpene do Pháp chế tạo đã nổi lên như lựa chọn số 1 thay vì Type 212 của Đức.

Sự thay đổi này của Philippines đến từ quá trình đánh giá lớp tàu ngầm này khi chúng hoạt động trong biên chế lực lượng hải quân Malaysia và đặc biệt là Ấn Độ.

Hiện tại Ấn Độ đã chế tạo lớp tàu ngầm Scorpene trong nước với tên định danh Kalvari, họ dự định sẽ tích hợp cho nó nhiều trang thiết bị điện tử cũng như vũ khí nội địa.

Vào năm 2016, phía Nga cho biết họ và Ấn Độ đang hoàn thiện một phiên bản tên lửa BrahMos phóng đi từ dưới nước có kích thước nhỏ hơn để tích hợp vào ống phóng ngư lôi của tàu ngầm do quốc gia Nam Á này chế tạo.

Rất nhiều nhận định cho rằng trong tương lai các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kalvari của hải quân Ấn Độ sẽ được tích hợp tên lửa BrahMos như vũ khí tấn công chủ lực.

Khi đó ngoài năng lực chống hạm vượt trội thì hải quân Ấn Độ còn có thể đánh phá các mục tiêu nằm sâu trong đất liền, bởi sắp tới tầm bắn của tên lửa BrahMos sẽ được kéo dài lên tới con số hơn 500 km.

Hải quân Philippines có lẽ đang muốn hợp tác với Ấn Độ trong việc mua sắm loại tên lửa lợi hại này để trang bị cho cả lực lượng phòng thủ bờ biển lẫn hạm đội tàu ngầm tương lai.

Khi đó hải quân Philippines sẽ tạo được sự đồng bộ về vũ khí trang bị nhằm đơn giản hóa công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật, vì vậy việc hỏi mua tên lửa BrahMos cũng như tàu ngầm Scorpene chính là toan tính đường dài của họ.

Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo