Quốc tế

Quan chức Mỹ lo ngại chính sách nhập cư mới của Tổng thống Trump

Các quan chức tại bang California, nơi có đông đảo người nhập cư, đã bày tỏ sự lo ngại về chính sách nhập cư mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan tới việc từ chối cấp thẻ xanh cho người nhập cư quá nghèo.

Ông Trump nêu lý do đồng ý bán 66 máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan / Ông Trump lên tiếng về tin muốn mua đảo lớn nhất thế giới

1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Evan Vucci/AP/Shutterstock)

Nhà Trắng ngày 12/8 thông báo chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ từ chối cấp quyền thường trú và quyền công dân đối với những người nhập cư nhận tem phiếu thực phẩm, bảo hiểm y tế cộng đồng và các phúc lợi xã hội khác. Người nhập cư cũng không được cấp thị thực nếu họ bị xem là quá nghèo hoặc cần sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Chính sách trên được dự báo sẽ cản trở con đường xin cấp quốc tịch Mỹ của hàng triệu người nhập cư, bao gồm người nhập cư từ châu Á, đang làm việc với mức lương thấp và phụ thuộc vào các dịch vụ công tại Mỹ. Giới chức chính quyền cho rằng, chính sách mới sẽ thúc đẩy “các ý tưởng về sự tự túc”, tức là người nhập cư phải có khả năng tự đảm bảo cuộc sống tại Mỹ mà không phụ thuộc vào các nguồn lực của chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí tại Văn phòng Phó Thống đốc bang California, bà Eleni Kounalakis, Phó Thống đốc bang California, cho biết: “California không đưa ra chính sách nhập cư trên, nhưng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chính sách này”.

“Nhiều chính sách được đưa ra, bao gồm chính sách này, không thể hiện giá trị của chúng tôi. Những gì chúng tôi mong muốn là đảm bảo rằng, khi người nhập cư tới đây, miễn là họ đi theo con đường chính ngạch, họ đều có thể trở thành công dân Mỹ. Đây là một ưu tiên của California”, bà Eleni Kounalakis nói.

 

Theo Phó Thống đốc bang California, “trong môi trường hiện nay tại Mỹ, người nhập cư phải chịu nhiều áp lực”. Bà Kounalakis cho biết California có người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, trong đó “27% người dân của bang sinh ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước (khoảng 14%)”.

“Quan điểm chung của chúng tôi là làm thế nào để người nhập cư có thể đạt được “giấc mơ California” của họ - một phiên bản của “giấc mơ Mỹ”. Làm thế nào để người nhập cư có việc làm. Hiện tại tỷ lệ người nhập cư có việc làm vẫn thấp và nhiều người vẫn chưa nhận được một công việc ổn định. Thực trạng này càng trở nên khó khăn hơn khi chi phí sinh hoạt tăng lên, khiến không chỉ người nhập cư châu Á, mà tất cả mọi người, đều vất vả hơn trong việc thực hiện giấc mơ của họ”, Phó Thống đốc California cho biết.

Quan chức Mỹ lo ngại chính sách nhập cư mới của Tổng thống Trump - 2

Phó Thống đốc California Eleni Kounalakis (Ảnh: Twitter Eleni Kounalakis)

“Ưu tiên của chúng tôi hiện nay là làm thế nào để mức sống tại California trở nên dễ dàng hơn với người nhập cư, làm thế nào để họ có thể thành công trong việc đạt được “giấc mơ Mỹ”, làm thế nào để đảm bảo rằng các gia đình có thể mang đến các cơ hội cho con cái của họ, mà một phần lớn trong đó là giáo dục. Nhiều con cái của thế hệ người nhập cư đầu tiên tại California đã học đại học và thành công trong cuộc sống của họ”, bà Kounalakis, người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Phó Thống đốc California, nhấn mạnh.

Ngay sau khi Nhà Trắng công bố chính sách mới trên, nhiều người đã lên tiếng phản đối chính quyền Tổng thống Trump. Trung tâm luật di cư quốc gia (NILC) tuyên bố sẽ kiện chính quyền để ngăn chính sách trên có hiệu lực. Ước tính có khoảng 20 triệu người đang sống hợp pháp tại Mỹ hiện chưa có quốc tịch Mỹ và nhiều người trong số này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

 

Liên quan tới vấn đề người nhập cư tại California, bà Susanne T. Stirling, Phó Chủ tịch Đối ngoại Phòng Thương mại California khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ người nhập cư”.

“Chúng tôi nhận thức rằng người nhập cư là một phần quan trọng trong dân số và lực lượng lao động của chúng tôi tại California. Chúng tôi muốn Quốc hội cuối cùng sẽ thông qua một chính sách nhập cư mà chúng tôi đã nỗ lực xây dựng suốt nhiều thập niên qua, tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa làm được điều đó. Đó là điều đáng tiếc”, bà Stirling trao đổi với phóng viên Dân Trí.

“Bản thân tôi cũng là người nhập cư. Tôi từ Đan Mạch tới Mỹ khi tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ có một điều mà không người nhập cư nào như chúng tôi mong muốn, đó là sự bất ổn. Các doanh nghiệp không thích sự bất ổn, người dân cũng không thích sự bất ổn. Tuy nhiên, chúng ta lại đang sống trong một thời kỳ mà mọi thứ đều bất ổn. Về lâu dài, tôi hy vọng chúng tôi có thể xây dựng được một chính sách nhập cư quy mô lớn hơn, tuy nhiên vẫn còn một khoảng thời gian dài cho tới khi chúng tôi đạt được mục tiêu đó”, Phó Chủ tịch Đối ngoại Phòng Thương mại California chia sẻ thêm.

Theo số liệu thống kê dân số năm 2010, California là bang có đông người Việt Nam nhất tại Mỹ, với khoảng 580.000 người Việt Nam sống chủ yếu tại khu vực Nam California và Bay Area. Tiếng Việt là ngôn ngữ nước ngoài được nói nhiều thứ 4 tại California.

Theo Thành Đạt/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm