Quan chức Mỹ: Ông Putin đang thực hiện “Kế hoạch B” ở Ukraine - Lộ rõ mục tiêu tối thượng
Tổng thống Zelensky hé lộ "địa điểm phù hợp" để đàm phán với Nga / Ukraine phản hồi tối hậu thư "buông vũ khí, đầu hàng" của Nga ở Mariupol
Sau khi các lực lượng quân sự Nga không thể giành được chiến thắng nhanh chóng trước Quân đội Ukraine, một số quan chức cấp cao Mỹ nói rằng hiện đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin bắt đầu chuyển sang thực hiện một chiến lược mới với mục tiêu chiếm giữ được những vùng lãnh thổ quan trọng, đồng thời gây sức ép buộc chính phủ Ukraine phải chấp nhận vai trò trung lập giữa Nga và phương Tây.
Theo cách diễn giải của Mỹ và các đồng minh, kế hoạch ban đầu (“Kế hoạch A”) của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chiếm giữ Thủ đô Kiev trong vài ngày rồi thay thế chính phủ do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lãnh đạo bằng một chính quyền mới thân Nga.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần giao tranh Nga chưa đặt được bất cứ mục tiêu nào kể trên nên buộc ông Putin phải điều chỉnh chiến thuật của mình.
Một chiếc xe tăng Nga bốc cháy được nhìn thấy ở vùng Sumy, Ukraine, ngày 7 tháng 3. Ảnh: Reuters
Theo những đánh giá mới nhất về các ý định của Tổng thống Putin được các quan chức cấp cao trong chính quyền Joe Biden chia sẻ thi Moscow sẽ ép buộc Kie phải chấp nhận các yêu sách của Nga đối với các vùng lãnh thổ phía Nam và phía Đông.
Sau khi chiếm được cả Bán đảo Crimea và các khu vực của Donbass vào năm 2014, Nga vẫn luôn tìm cách thiết lập một “cây cầu trên bộ" kết nối giữa miền Tây nước Nga và Crimea, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực Donbass.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự, gồm cả đẩy mạnh tấn công các thành phố ở Ukraine với tính toán rằng điều đó sẽ khiến ông Zelensky từ bỏ hy vọng gia nhập phương Tây và phải chấp nhận tình trạng trung lập cùng các yêu cầu khác của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết, nếu các yêu cầu về lãnh thổ và quyền trung lập của Nga bị từ chối, ông Putin rất có thể sẽ cố gắng giữ vững tất cả các vùng lãnh thổ mà lực lượng Nga đã nắm giữ và tiếp tục chiến đấu.
“Xét trên góc độ quân sự, những đánh giá của chúng tôi cho thấy có vẻ như ông ta đang quay lại các chiến thuật bao vây”, một quan chức Mỹ cho biết.
Đánh giá về "Kế hoạch B" của ông Putin, theo như cách gọi của một quan chức Mỹ, đi kèm với một số lưu ý quan trọng. Các quan chức Mỹ cho rằng ông Putin có thể mở rộng mục tiêu chiến tranh của mình, nếu Quân đội Nga giành được nhiều thành công hơn trước các lực lượng của Ukraine.
Về tình trạng Thủ đô Kiev, đây vẫn còn là một câu hỏi ngỏ và trước sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine, không rõ liệu Quân đội Nga có thể điều động đủ lực lượng để phong tỏa chặt Kiev và đánh chiếm hay không.
Daniel Fried, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao từng và là đại sứ Mỹ tại Ba Lan cho biết: “Mục tiêu của ông ấy không hề thay đổi. Cái thay đổi là chiến thuật”.
Bản đồ chiến sự Ukraine tính tới ngày 20/3. Nguồn: Al Jazeera
Hiện tại, các lực lượng Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, trong đó có vấn đề hậu cần, thiếu hụt đạn dẫn đường chính xác và thương vong ngày càng tăng, mà theo như tính toán của Mỹ con số lính Nga thiệt mạng có thể lên tới 7.000 người.
Tại Mariupol và các thành phố khác, lực lượng Nga đang quay lại một số chiến thuật bao vây mà họ đã sử dụng ở Grozny vào năm 1999 và 2000 trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai khi ông Putin lên nắm quyền với tư cách là thủ tướng và sau đó là tổng thống Nga.
Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với thách thức khi cố gắng giành quyền kiểm soát nhiều thành phố trong một quốc gia có dân số 44 triệu người, và có diện tích lớn hơn cả Pháp.
Sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, binh lính Nga đã tiến vào các đường phố của thành phố cảng Mariupol, một mục tiêu chiến lược quan trọng đối với Moscow khi nước này tìm cách thiết lập hành lang từ Bán đảo Crimea đến miền Tây nước Nga.
Việc giành được quyền kiểm soát thành phố này sẽ mang lại cho người Nga một chiến thắng trên chiến trường, cho dù họ phải trả một cái giá rất đắt.
Sau các vòng đàm phán ban đầu, Ukraine và Nga vẫn còn cách xa nhau về quan điểm liên quan tới các vấn đề chủ chốt như việc Điện Kremlin yêu cầu chính phủ của Tổng thống Zelensky phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, chính thức nhượng lại quyền kiểm soát khu vực Donbass và từ bỏ ý định hội nhập lâu dài với phương Tây, trong đó có mục tiêu cuối cùng là gia nhập NATO.
John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cũng cho rằng Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật trên chiến trường, nhưng khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã từ bỏ những yêu cầu tối thượng của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo