Quân sự thế giới hôm nay (16/12): Mỹ lắp thêm trang bị để tăng sức chiến đấu cho tiêm kích tàng hình F-35 của Israel
Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 14/12 / Quân sự thế giới hôm nay (14/12): Ukraine nhận 11 xe bọc thép Gurkha, Ấn Độ mua 70.000 súng trường SIG 716
* Mỹ cập nhật gấp năng lực chiến đấu cho tiêm kích tàng hình F-35 của Israel
TheoDefense News, Mỹ đã và đang tăng tốc lắp đặt thêm trang bị để tăng năng lực chiến đấu cho tiêm kích tàng hình F-35 của Israel ngay sau khi lực lượng Hamas phát động cuộc tập kích rocket số lượng lớn vào tháng 10 vừa qua.
Một chiếc tiêm kích F-35I Adir của Israel. Ảnh: Aviation Week. |
Cụ thể, Trung tướng Michael Schmidt, Giám đốc chương trình F-35 của Lầu Năm góc cho biết Washington luôn cố gắng cung cấp các bộ phận, phụ tùng và năng lực chiến đấu cho tất cả các quốc gia đang khai thác dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất này. Tuy nhiên, sau khi Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm và bảo trì vũ khíBill LaPlante phát biểu trước một phiên điều trần rằng chương trình F-35 gần đây có thể nhanh chóng cập nhật “các tệp dữ liệu tác vụ” cho một quốc gia trong vòng một hoặc một tuần rưỡi, thì ông Schmidt xác nhận đó chính là Israel.
Thứ trưởng LaPlante mô tả các tệp dữ liệu này bao gồm bộ nhớ của máy bay về các mối đe dọa có thể gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ và các thông tin khác cần thiết cho nhiệm vụ chiến đấu. Dù không cung cấp cụ thể về tác dụng của việc cập nhật này, nhưng có khả năng đó là nâng cấp về hệ thống điện tử-máy tính trên F35 của Israel. Cùng với đó, chương trình F-35 của Lầu Năm Góc được cho là đã hỗ trợ Israel “với tốc độ chóng mặt” để tăng cường khả năng sử dụng vũ khí của máy bay cũng như phụ tùng thay thế.
Không quân Israel đang có trong biên chế 36 trong tổng số 50 tiêm kích F-35I Adir đã đặt mua. Đây là phiên bản được phát triển riêng cho nước này dựa trên nền tảng biến thể F-35A của không quân Mỹ. Khác với các quốc gia khác, Israel yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào dòng tiêm kích tàng hình này. Mới đây, Israel đã gửi thư chính thức tới Mỹ nhằm thúc đẩy thương vụ mua phi đội F-35I Adir thứ ba để mua thêm 25 chiếc trị giá 3 tỷ USD.
* Hải quân Nga chốt ngày nhận tàu hộ vệ tàng hình hạng nặng tiên tiến
Bulgarian Militarydẫn nguồn tin thân cận với Hải quân Nga cho biết, lực lượng này sẽ nhận Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Golovko hiện đại nhất vào ngày 25-12, sau khi quá trình thử nghiệm cấp nhà nước kết thúc, trong đó có kiểm tra hoạt động tác chiến và bắn đạn thật.
Tàu hộ vệ Đô đốc Golovko neo tại cảng của xưởng đóng tàu Severnaya Verf. Ảnh: Mil.ru. |
Đô đốc Golovko là chiếc thứ ba thuộc Đề án 22350, lớp tàu hộ vệ tàng hình hạng nặng đầu tiên do Nga chế tạo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cũng là mẫu chiến hạm hiện đại nhất trong biên chế nước này. Nga đang chế tạo thêm 5 tàu chiến trong Đề án 22350, dự kiến biên chế từ năm 2024 đến 2026, đồng thời đặt hàng thêm 2 chiếc cho Hạm đội Phương Bắc, nơi chiếc Đô đốc Gorshkov và Đô đốc Kasatonov cùng loại đang phục vụ. Các tàu đều được đóng tại xưởng đóng tàu Severnaya Verf ở St. Petersburg.
Các tàu thuộc Đề án 22350 có lượng giãn nước 5.400 tấn, đảm nhận nhiều nhiệm vụ như tấn công tầm xa, săn ngầm và phòng không một cách độc lập và theo đội hình, được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực tác chiến biển xa của Hải quân Nga, qua đó bảo đảm ưu thế của Moscow tại các vùng biển phía Bắc, đặc biệt là Bắc Cực.
Tàu được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, trong đó bao gồm tên lửa hành trình Kalibr, hải pháo A-192 130mm, hệ thống phòng không Poliment-Redut, hệ thống phòng thủ chống ngầm Paket, hệ thống phòng không Broadsword, trực thăng Ka-27PL... Công nghệ tàng hình cũng được sử dụng trong quá trình xây dựng để khiến những tàu chiến này có thể “vô hình” tối đa trước hệ thống radar đối phương.
Đáng chú ý, theo thông tin trước kia từ Bộ Quốc phòng Nga, Đô đốc Golovko sẽ trở thành tàu đầu tiên mang tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon - được coi là một trong những dòng vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới của Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu trong Thông điệp liên bang năm 2018. Ngay từ khi được giới thiệu, tên lửa này được coi là dòng vũ khí đối hạm độc nhất vô nhị trên thế giới. Mỹ và phương Tây không hề có loại vũ khí tương tự.
* Đức chi mạnh tay mua trực thăng tấn công hạng nhẹ
Breaking Defenseđưa tin, Bộ Quốc phòng Đức đã đạt được hợp đồng trị giá tới 2,3 tỷ USD với nhà thầu quốc phòng Airbus Helicopters về 62 máy bay trực thăng tấn công hạng nhẹ H145M.
Trong số này, 57 chiếc sẽ được trao cho các đơn vị lục quân, trong khi số còn lại thuộc biên chế của lực lượng đặc nhiệm thuộc Không quân Đức. Việc giao hàng sẽ bắt đầu từ năm sau.
Một trực thăng tấn công hạng nhẹ H145M. Ảnh: Helicopter Industry. |
Theo các văn bản hiện hành, số trực thăng trên có khả năng mang theo gói vũ khí dự kiến bao gồm tên lửa chống tăng dẫn đường Spike LR, xuất phát từ thực tế trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khi trực thăng Nga thường khai hỏa tên lửa từ khoảng cách an toàn vẫn có thể tiêu diệt được xe bọc thép đối phương.
Phi đội trực thăng H145M mới dự kiến sẽ thay thế dòng Tiger của quân đội Đức. Bất chấp khoản ngân sách khá lớn để mua H145M, các quan chức quốc phòng Đức vẫn coi dòng máy bay hiện đại nhất của Airbus Helicopters này chỉ là một “giải pháp bắc cầu” cho đến khi Berlin có một thế hệ máy bay trực thăng không người lái và đạn tuần kích mới trong tương lai không xa.
Clip giới thiệu về trực thăng tấn công hạng nhẹ H145M. Nguồn: Airbus Helicopters. |
H145M là trực thăng vũ trang hạng nhẹ hai động cơ, được phát triển dựa trên dòng trực thăng dân sự EC145 nhằm thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển, thu thập thông tin tình báo, giám sát, và trinh sát mục tiêu (ISTAR), tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hỏa lực và sơ tán y tế. Máy bay có thể chở tối đa 11 người bao gồm phi công và binh sĩ; tốc độ tối đa 250km/giờ và tầm bay hơn 660km; trang bị hệ thống vũ khí module nhằm chống lại các mối đe dọa thông thường và phi đối xứng trên chiến trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo