Quân sự thế giới hôm nay (23/7): Mỹ chưa viện trợ tên lửa ATACMS, Ukraine tự phát triển tên lửa phòng không tầm trung
Quan chức Crimea đánh giá khả năng Ukraine phong tỏa hải quân đối với bán đảo / Lính đánh thuê Canada tuyên bố LLVT Ukraine thiệt hại nặng nề trong phản công
Mỹ không vội cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine
Washington Post ngày 23-7 đưa tin, các quan chức quân sự chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến thời điểm hiện tại vẫn giữ lập trường từ chối viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine bất chấp áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp Mỹ và đề nghị từ phía Kiev.
Ukraine cho rằng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân MGM-140 (ATACMS), với tầm bắn 190 dặm (305km), là cần thiết để tiêu diệt các sở chỉ huy và khu vực hậu cần ở xa phía sau chiến tuyến. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7-7 ở Praha, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết: “Không có vũ khí tầm xa, sẽ rất khó để thực hiện không chỉ một cuộc tấn công mà còn cả một chiến dịch phòng thủ”. Khi được hỏi tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20-7 rằng nhu cầu an ninh số một của Ukraine hiện nay là gì, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak trả lời: “Tại thời điểm này, chúng tôi cần và đang chờ quyết định về hệ thống tên lửa ATACMS”.
Từ năm ngoái, chính quyền Mỹ đã viện dẫn một số lý do để từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukarine. Một trong các lý do đó là Lầu Năm Góc cho rằng Kiev có những nhu cầu khác cấp thiết hơn ATACMS. Mỹ cũng e ngại rằng việc cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine có thể nhanh chóng tạo ra khác biệt trên chiến trường và như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sẵn sàng ứng phó và can dự của Mỹ đối với các cuộc xung đột khác có thể xảy ra. Đặc biệt là những lo ngại rằng Ukraine có thể bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga, khiến leo thang xung đột trở thành đối đầu trực tiếp Mỹ - Nga. Moscow cũng đã công khai tuyên bố rằng ngay cả việc cung cấp vũ khí cũng sẽ vượt qua lằn ranh đỏ. Ngoài ra, theo Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, các bãi mìn mới là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong các cuộc phản công của Ukraine.
Bên cạnh đó, số lượng tên lửa ATACMS hiện có trong kho dự trữ của Mỹ là cố định và Lockheed Martin chỉ sản xuất 500 tên lửa ATACMS mỗi năm, nhưng chỉ để xuất khẩu sang các quốc gia đối tác. Mặc dù con số chính xác tên lửa dự trữ trong kho vũ khí của Mỹ vẫn là một bí mật, nhưng Lockheed Martin chỉ sản xuất tổng số khoảng 4.000 quả tên lửa ATACMS kể từ khi bắt đầu sản xuất loại tên lửa này và rất nhiều trong số đó đã được quân đội Mỹ sử dụng trong tác chiến, tập trận và thử nghiệm định kỳ. Gần 900 tên lửa ATACMS cũng đã được bán cho các nước đồng minh và đối tác nước ngoài trong thập kỷ qua.
Ukraine tự phát triển tên lửa phòng không tầm trung
Ông Yehor Cherniev cho biết Ukraine đã tự phát triển và đang thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không. Ảnh:Ukrainska Pravda
Theo kênh truyền hình 24 TV, đại biểu đảng Người phục vụ nhân dân của Ukraine Yehor Cherniev, Phó chủ tịch Ủy ban về an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia thuộc Hội đồng tối cao Ukraine (quốc hội), cho biết Ukraine đã tự phát triển và đang thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không của riêng mình.
Tờ Ukrainska Pravda trích lời ông Cherniev, người cũng là Chủ tịch Phái đoàn thường trực của Ukraine tại Hội đồng nghị viện NATO: “Chúng tôi đã có các hệ thống tên lửa phòng không mới nhất và hiện nay là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung. Tất nhiên, hệ thống tên lửa phòng không này không thể tương đương với Patriot, SAMP-T hoặc IRIS-T. Tôi cho rằng nó gần với tên lửa MIM-23 HAWK hoặc các hệ thống tên lửa phòng khôngtầm trung hơn. Điều quan trọng là đây là sản phẩm của Ukraine, do Ukraine tự phát triển. Hệ thống tên lửa phòng khôngnày hiện đang trong quá trình thử nghiệm và khá thành công. Tôi sẽ chưa đặt tên ngay bây giờ nhưng trên thực tế Ukraine đã phát triển được tên lửa phòng không tầm trung”.
Trước đó, ngày 21-7, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksii Danilov cho biết ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sản xuất được các loại khí tài cho phép Ukraine bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng biển của mình trước các cuộc tấn công từ trên không.
30.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre
Cuộc tập trận Talisman Sabre của Australia sẽ kéo dài 14 ngày, bắt đầu từ 22-7, ở Queensland. Đây là cuộc tập trận Talisman Sabre lần thứ 10 và lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 30.000 binh sĩ từ 13 quốc gia khác nhau.
Tập trận Talisman Sabre nhằm mục đích cải thiện khả năng hiệp đồng giữa các lực lượng Australia và quân đội các nước, đặc biệt là quân đội Mỹ. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của các hệ thống vũ khí, khí tài như máy bay trực thăng MRH90 Taipan, chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornet, máy bay tiếp liệu đa năng KC-30A và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết quy mô và nội dung của cuộc tập trận sẽ đem lại cho các lực lượng tham gia thêm “độ sâu, độ phức tạp và thách thức” trong tác chiến hiệp đồng và “Talisman Sabre là minh chứng thực tế cho cam kết [của Australia] trong hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm duy trì an ninh và ổn định trong khu vực”.
Ngoài Australia và Mỹ, các lực lượng tham gia cuộc tập trận tới từ Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Papua New Guinea, Tonga, Pháp, Anh, Canada và Đức. Philippines, Singapore và Thái Lan tham dự với tư cách quan sát viên.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo