Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (24/5): Nhật Bản tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực thăng quân sự UH-2

Quân sự thế giới hôm nay (24/5) có những thông tin đáng chú ý sau: Nhật Bản tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực thăng quân sự UH-2; quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “vô hiệu hóa” hơn 37.800 tay súng khủng bố kể từ năm 2015 đến nay; Mỹ sắp có người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia và Bộ tư lệnh không gian mạng mới.

Khi phổi suy yếu, cơ thể thường xuất hiện 10 dấu hiệu bất thường, rất dễ bị bỏ qua / Năng lực tàu ngầm Nga khiến NATO lo ngại

* Nhật Bản tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực thăng Bell Subaru UH-2. Đây là biến thể của trực thăng quân sự Bell UH-1H Iroquois Nhật Bản đã được Mỹ cấp phép sản xuất từ những năm của thập niên 1960. Trực thăng UH-2 được trang bị cặp động cơ Pratt & Whitney PT6T-9, cho phép sẵn sàng cất cánh chỉ sau 3 phút triển khai trong điều kiện thời tiết cực đoan như ở vùng nhiệt độ rất cao và nhiệt độ rất lạnh.

Theo phát biểu tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Langkawi (LIMA 2023) ở Malaysia của Phó đô đốc Imayoshi Shinichi - Cục Vũ khí và Trang bị phòng vệ Nhật Bản (ATLA), Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã tiếp nhận 6 chiếc trực thăng quân sự UH-2 từ Subaru. Ông Shinichi cũng lý giải tại sao trực thăng quân sự UH-2 là mẫu máy bay phù hợp để Nhật Bản xuất khẩu, trong đó có việc bảo trì đơn giản và dễ dàng, khả năng tương thích cao với các thiết bị của trực thăng UH-1 và Bell 412, và tính đa dụng. Ngoài các tính năng quân sự, trực thăng UH-2 có thể được huy động thực hiện nhiều nhiệm vụ như cứu trợ thiên tai, dịch vụ y tế khẩn cấp, chữa cháy, thực thi pháp luật và vận tải thông thường.

Nhật Bản tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực thăng quân sự Bell Subaru UH-2. Ảnh: FlightGlobal

Trong vài năm gần đây, Tokyo đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí trên thực tế và dần cởi mở hơn với xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng. Năm 2015, thiết kế trực thăng quân sự UH-2 dựa trên Bell 412 đã giành chiến thắng trong cuộc thi của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản JGSDF với khoảng 150 mẫu trực thăng khác nhau, trong đó đáng kể là UH-2 đã loại được một đối thủ do Airbus Helicopters đề xuất thiết kế.

Ngoài phiên bản quân sự UH-2, phiên bản trực thăng dân sự Subaru Bell 412EPX cũng đã nhận được đơn đặt hàng quốc tế.

* Ngày 23-5, tờ Anadolu Ajansi đưa tin tại một hội nghị về cuộc chiến chống khủng bố và tình hình Syria tổ chức tại Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã “vô hiệu hóa” hơn 37.800 tay súng khủng bố kể từ năm 2015 đến nay.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng thuật ngữ “vô hiệu hóa” để chỉ lực lượng khủng bố đã đầu hàng hay bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Mặc dù ông Akar không nói rõ tên bất cứ nhóm khủng bốnào, nhưng các hoạt động chống lại khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành nhằm vào các tổ chức như Daesh/ISIS và PKK.

Tính từ năm 2016, Ankara đã triển khai thành công bộ ba chiến dịch chống khủng bố xuyên biên giới ở Bắc Syria nhằm ngăn chặn việc hình thành hành lang khủng bố và tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống trong hòa bình. Ba chiến dịch đó là: Lá chắn Euphrates (2016), Cành ô liu (2018) và Hòa bình mùa xuân (2019).

 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã “vô hiệu hóa” hơn 37.800 tay súng khủng bố kể từ năm 2015 đến nay. Ảnh:Anadolu Ajansi

Trong hơn 35 năm hoạt động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, PKK đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tổ chức này đã gây ra cái chết của hơn 40.000 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh. YPG là một nhánh của PKK ở Syria.

Năm 2013, sau khi tuyên bố Daesh/ISIS là một tổ chức khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục bị nhóm này tấn công. Đã có hơn 300 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong ít nhất 10 vụ đánh bom liều chết, 7 vụ đánh bom và 4 vụ tấn công vũ trang. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động các chiến dịch chống khủng bố lớn trong và ngoài nước để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo.

* Theo Politico, một nguồn tin thân cận với quân đội cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ chọn Trung tướng Không quân Timothy Haugh làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia và Bộ tư lệnh không gian mạng.

Tướng Timothy Haugh hiện đang là Phó tư lệnh Bộ tư lệnh không gian mạng của Mỹ. Nếu được lựa chọn và phê chuẩn, ông sẽ thay thế Tướng Lục quân Paul Nakasone, người đứng đầu cả 2 tổ chức này từ tháng 5-2018 và dự kiến sẽ nghỉ hưu trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ chọn Trung tướng Không quân Timothy Haugh làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia và Bộ tư lệnh không gian mạng. Ảnh: Politico

Người đứng đầu 2 tổ chức này sẽ có trách nhiệm củng cố an ninh mạng cho Ukraine và chia sẻ thông tin với các lực lượng quân sự của nước này trong cuộc xung đột với Nga. Ông cũng sẽ là người giám sát các chương trình phát hiện và ngăn chặn ảnh hưởng và sự can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng như các chương trình ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng thực hiện các cuộc tấn công vào các hệ thống bệnh viện và đường ống dẫn dầu quan trọng của Mỹ.

 

Nguồn tin giấu tên cho biết, việc Tướng Haugh được đề cử vào vị trí lãnh đạo của cả Cơ quan An ninh quốc gia và Bộ tư lệnh không gian mạng phản ánh ý định của Nhà Trắng là duy trì một người phụ trách cả 2 tổ chức nói trên.Trước đó, một số thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa muốn tách riêng lãnh đạo của 2 tổ chức và cho rằng mỗi tổ chức là “đủ quan trọng” để cần có một người đứng đầu riêng, không kiêm nhiệm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm