Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (9/8): Máy bay siêu thanh X-59 QuessT ra mắt với thiết kế đặc biệt

Quân sự thế giới hôm nay (9/8) có những nội dung chính sau: Lockheed Martin cho ra mắt máy bay siêu thanh X-59 QuessT với thiết kế đặc biệt; Ukraine sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển thương binh; Nhật Bản tìm cách trang bị tên lửa cho máy bay vận tải Kawasaki C-2.

Thái Lan thống trị thị trường xe điện Đông Nam Á / Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 7/8

* Lockheed Martin ra mắt máy bay siêu thanh X-59 QuessT

Theo Space.com, Lockheed Martin mới đây đã cho ra mắt X-59 QuessT- mẫu máy bay phản lực siêu thanh đang trong giai đoạn thử nghiệm với mục đích giảm thiểu tiếng nổ siêu thanh khi bay.

Thông thường, khi đạt đến hoặc vượt qua tốc độ âm thanh (Mach 1), các máy bay phản lực sẽ tạo ra một tiếng nổ lớn có thể cảm nhận rõ rệt đối với những người ở dưới mặt đất. Tuy nhiên, máy bay siêu thanh thế hệ mới X-59 QuessT của Lookheed Martin được hứa hẹn là sẽ tạo ra tiếng nổ siêu thanh chỉ bằng tiếng đóng cửa ô tô.

Thiết kế đặc biệt của máy bay siêu thanh X-59 QuessT. Nguồn: Lockheed Martin

Đoạn video trên Space.com giới thiệu hình dạng độc đáo của máy bay X-59 QuessT, với phần mũi nhọn và dài 11,5m; buồng lái không có phần kính chắn gió nhô lên như thường thấy. Do thiết kế đặc biệt này, phi công lái máy bay X-59 QuessT sẽ không nhìn thẳng được về phía trước. Bù lại, phi công sẽ sử dụng hệ thống nhìn bên ngoài (XVS) do NASA phát triển, gồm một camera phía trước và một màn hình trong buồng lái. Hệ thống này sử dụng phần mềm chuyên dụng để đem lại hình ảnh thực tế tăng cường với nhiều lớp đồ họa từ dữ liệu của chuyến bay.

Máy bay siêu thanh X-59 QuessT có chiều dài 29m, sải cánh 9m, trọng lượng cất cánh tối đa 15 tấn, vận tốc tối đa 1.590km/h. Trước mắt, X-59 QuessT sẽ phải trải qua các cuộc thử nghiệm trên mặt đất trước khi bay thử qua các khu dân cư để đánh giá phản ứng của mọi người đối với tiếng nổ siêu thanh nó tạo ra.

* Ukraine sử dụng máy bay không người lái để sơ tán thương binh

Theo một báo cáo của Tạp chí The Economist, quân đội Ukraine hiện đang sử dụng máy bay không người láivận tải cỡ lớn để sơ tán thương binh ra khỏi chiến tuyến. Đây là một trong những giải pháp nhằm đối phó với những khó khăn khi thực hiện các hoạt động sơ tán y tế do các cuộc tấn công bằng pháo binh gây ra.

Theo nguồn tin này, máy bay không người lái Ukraine triển khai có khả năng vận tải lên tới 180kg trong tầm bay khoảng 70km. Đây là phạm vi đủ để đưa thương binh đến nơi an toàn hơn để được chăm sóc y tế phù hợp.

 

Binh sĩ Ukraine điều khiển thiết bị bay không người lái gần thị trấn Bakhmut. Ảnh: The Defense Post

Tuy nhiên, theo chuyên gia chăm sóc y tế chiến trường Tanisha Fazal của Đại học Minnesota, mặc dù máy bay không người lái có thể được sử dụng để sơ tán thương, bệnh binh, nhưng chúng vẫn là mục tiêu dễ bị tấn công bằng các loại vũ khí khí tài tích hợp trên máy bay trực thăng.

Tạp chí The Economist không cho biết rõ hiện Ukraine đang sử dụng loại máy bay không người lái nào và số lượng bao nhiêu chiếc để vận chuyển thương binh từ chiến trường về nơi an toàn cho chăm sóc y tế phù hợp.

* Bộ Quốc phòng Nhật Bản tìm cách trang bị tên lửa cho máy bay vận tải Kawasaki C-2

Trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nghiên cứu khả năng trang bị các loại tên lửa tầm xa cho máy bay vận tải Kawasaki C-2thuộc Lực lượng Phòng vệ trên không.

Theo Military Leak, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn tên lửa dẫn đường đất đối hạm Type 12 để phát triển thành tên lửa trang bị riêng cho Kawasaki C-2. Máy bay vận tải Kawasaki C-2 tương thích cao với việc mang tên lửa tấn công và có khả năng chống chịu trên không dài hơn so với hầu hết các loại máy bay chiến đấu. Việc kết hợp công nghệ tên lửa với công nghệ vận tải là phù hợp với Chương trình xây dựng quốc phòng của chính phủ Nhật Bản hiện nay.

 

Nhật Bản đang tìm cách trang bị tên lửa Type 12 cho máy bay vận tải quân sựKawasaki C-2. Ảnh: Military Leak

Type 12 là tên lửa đất đối hạmgắn trên xe tải do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries) của Nhật Bản phát triển vào năm 2012. Đây là bản nâng cấp của tên lửa đất đối hạm Type 88. Type 12 có tính năng định vị quán tính kết hợp dẫn đường giữa hành trình bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS độ chính xác cao. Type 12 có thời gian nạp đạn ngắn, tầm bắn khoảng 200km, sử dụng chung hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) Ka-band với tên lửa AAM-4B của Nhật Bản.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dự tính sẽ phát triển tên lửa Type 12 tương thích để phóng đi từ tàu hải quân và từ trên không, phù hợp cho việc trang bị lên máy bay vận tải quân sự hai động cơ tầm xa tốc độ cao Kawasaki C-2 do Kawasaki Aerospace Company phát triển và sản xuất.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm