Quốc tế

Quốc gia từng thuộc Liên Xô 'thẳng tay' thay thế Mi-8 bằng UH-60 Black Hawk

Bộ Quốc phòng Litva đã quyết định rút trực thăng Mi-8 do Liên Xô sản xuất khỏi lực lượng tác chiến và bắt đầu đàm phán về việc mua máy bay lên thẳng mới để thay thế.

Quốc gia Baltic này theo thông báo đã lên kế hoạch trang bị dòng máy bay trực thăng đa dụng mới cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cũng như thực hiện những nhiệm vụ vì lợi ích của lực lượng vũ trang Litva, hay tăng cường cho nhóm chiến đấu của tiểu đoàn NATO hiện diện ở lãnh thổ của họ.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva - ông Raimundas Karoblis thì sắp tới họ sẽ tiếp tục vận hành 3 trực thăng Mi-8 do Liên Xô sản xuất trong giai đoạn chuyển tiếp. Bên cạnh đó, 3 chiếc AS365N3+ Dofin sẽ chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường trong lãnh thổ của Litva.

Quốc gia Đông Âu này dự định sẽ sớm thay thế những chiếc Mi-8 còn lại bằng sản phẩm do phương Tây sản xuất. Ngoài vấn đề đồng bộ phương tiện tác chiến với khối NATO thì trực thăng Mi-8 bị phàn nàn là quá nặng nề, chậm chạp, bất chấp độ tin cậy ở mức khá cao.

Trực thăng UH-60 Black Hawk của Mỹ sẽ sớm thay thế những chiếc Mi-8 chế tạo từ thời Liên Xô. Ảnh: National Interest.

Một phân tích được thực hiện theo các tiêu chí xây dựng bởi lực lượng vũ trang Litva cho thấy trực thăng đa dụng UH-60M Black Hawk do Mỹ sản xuất đáp ứng mọi yêu cầu ở mức độ lớn nhất.

Do vậy, Litva đã quyết định rằng các cuộc đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ sẽ bắt đầu trong tương lai gần về việc mua 6 chiếc UH-60 Black Hawk, họ dự định sẽ ký một thư đề nghị và hy vọng đề xuất được chấp thuận vào cuối năm 2020. Dự kiến chiếc UH-60M đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân Litva vào cuối năm 2024.

Giá thành của hợp đồng mua sắm trực thăng UH-60M Black Hawk vào khoảng 300 triệu Euro. Washington hiện đang đánh giá các tùy chọn để cung cấp tiền từ quỹ an ninh cho giao dịch này.

Mua vũ khí Mỹ sẽ yêu cầu chuyển giao kèm theo một gói đào tạo, phụ tùng và thiết bị cần thiết. Rất có khả năng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Litva hỗ trợ tài chính bổ sung thông qua các quỹ viện trợ khác nhau, đặc biệt khi Washington đang đầu tư mạnh vào Litva như một phần của chương trình hỗ trợ an ninh.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo