Rào cản khiến Mỹ dè chừng khi muốn phát lệnh tấn công Iran
Sự thực Việt Nam có tổ hợp tên lửa phòng không SA-9 Gaskin trong biên chế / Núi lửa ở thành phố lớn thứ ba Indonesia thức giấc
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên biển Ả rập gần Iran vào ngày 17/5. (Ảnh: Reuters)
Sau các vụ bắt giữ tàu chở dầu và bắn rơi máy bay không người lái tại Trung Đông trong những tuần gần đây, không khó để nhận định rằng, bất kỳ hành động tính toán sai lầm nào của Mỹ hoặc Iran cũng có thể dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện. Nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra ngay cả khi hai bên chưa tính toán tới phương án này.
Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến thực sự giữa Mỹ và Iran hiện tại chưa thể xảy ra, dù căng thẳng liên tục leo thang. Đây cũng là những lý do mà chính quyền Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn ưu tiên chiến lược “gây sức ép tối đa”, thông qua việc sử dụng các lệnh trừng phạt, thay vì tấn công quân sự Iran.
An ninh của Israel
Bất kỳ cuộc chiến nào giữa Mỹ và Iran cũng sẽ liên quan tới vấn đề an ninh của Israel - đồng minh thân cận nhất và được đánh giá cao nhất của Washington tại Trung Đông.
Mối đe dọa nhằm vào Israel không phải đến trực tiếp từ Iran, mà là từ Lebanon. Nhóm vũ trang Hezbollah ước tính sở hữu khoảng 120.000 tên lửa tại Lebanon. Các tên lửa này được đặt tại gần 200 ngôi làng Shi’ite ở phía nam Lebanon. Ngay cả hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel, Iron Dome, cũng sẽ phải rất vất vả mới có thể đối phó kịp thời với dàn tên lửa áp đảo được phóng từ Lebanon.
“Nếu xảy ra cuộc đối đầu với Iran, nạn nhân đầu tiên sẽ là Lebanon. Ngay sau khi xuất hiện bất kỳ mối đe dọa chiến tranh nào, Israel chắc chắn sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm từ các tên lửa của Hezbollah, vốn nằm rải rác khắp lãnh thổ Lebanon. Do vậy nhiều khả năng bước đầu tiên trước khi nổ ra xung đột trực diện với Iran sẽ là xóa sổ Lebanon”, hãng tin RT (Nga) dẫn lời Giáo sư Noam Chomsky nhận định.
Điều này giải thích vì sao Israel vẫn tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến với Hezbollah ở Lebanon từ nhiều năm nay, bao gồm các cuộc tập trận mô phỏng kịch bản tấn công lãnh thổ Lebanon. Năm ngoái, Israel thậm chí tập trận mô phỏng một cuộc chiến đa mặt trận, bao gồm kịch bản Nga can thiệp để bảo vệ Syria trước các cuộc tấn công của Israel.
Do vậy, trừ khi vấn đề Hezbollah tại Lebanon được giải quyết trước tiên, nếu không Mỹ khó có thể vội vã tấn công Iran mà không tính đến các lợi ích của Israel.
Thiếu sự ủng hộ trong nước và quốc tế
Theo tạp chí TIME, Mỹ muốn xúc tiến kế hoạch tấn công Iran mà không thông báo trước cho đồng minh Anh. Rõ ràng Washington đã trở nên thất vọng với cam kết của Anh về chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran. Một quan chức cấp cao của Mỹ từng gọi Anh là “kẻ hèn nhát”.
Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, gần đây đã tiết lộ với BBC rằng cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc hỗ trợ Washington tại vịnh Ba Tư, do lo ngại nguy cơ tình hình căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang. Anh cũng từ chối tham gia vào liên minh của Mỹ nhằm tiến hành các cuộc tuần tra chung tại vùng Vịnh.
Gần một tháng trước, Zamir Kabulov, nhà ngoại giao cấp cao của Nga, đã nói rằng Iran sẽ không bị bỏ lại “một mình” nếu Mỹ quyết định tấn công Tehran. Nhà ngoại giao này cho biết không chỉ riêng Nga, mà nhiều nước khác cũng “đồng cảm” với Iran.
Bình luận trên cũng tương đồng với quan điểm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng, Moscow sẽ nỗ lực để khởi động các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran, song điều này phải đi kèm với việc Mỹ chấm dứt các “tối hậu thư, lệnh trừng phạt và hăm dọa” Iran. Theo một số nguồn tin, Nga thậm chí còn cảnh báo Mỹ về việc tấn công Iran sau khi Tehran bắn rơi máy bay không người lái của Washington.
Khó có thể phát động một cuộc chiến khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trường hợp của cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Khi đó, Mỹ vẫn đưa quân vào Iraq, bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ của các nước.
Ngoài ra, phản ứng trong nước cũng có thể tác động tới việc bắt đầu một cuộc chiến. Trong bối cảnh hiện tại, nội bộ Mỹ dường như không ủng hộ một cuộc xung đột với Iran.
Theo các cuộc khảo sát gần đây, hầu hết những người bỏ phiếu đều ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc hủy kế hoạch không kích Iran. 36% ủng hộ hành động quân sự với Iran, trong khi 42% phản đối kế hoạch này.
Iran muốn tránh chiến tranh với Mỹ
Theo Giáo sư Chomsky, chiến lược quân sự tổng thể của Iran là ngăn chặn. Iran cũng được cho là không đủ năng lực để đe dọa Mỹ như tuyên bố cứng rắn của các chính quyền Iran.
Mãi tới gần đây, Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc, mặc dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và áp lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế Iran gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi phải đối mặt với nhiều động thái khiêu khích từ Israel, phản ứng của Iran vẫn chừng mực.
“Iran không thể tìm cách gây chiến với Mỹ. Bất chấp việc Iran giải nghĩa quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trump như thế nào, bất chấp những thiệt hại từ việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, bất chấp những tuyên bố gần đây của Mỹ, kết quả tệ nhất với Iran là chiến tranh. Một chiến dịch không kích của Mỹ sẽ gây ra nhiều đau thương và một cuộc xâm chiếm quy mô lớn sẽ là thảm họa”, Viện nghiên cứu CATO nhận định.
Thiếu cơ sở pháp lý
Việc phát động chiến tranh nhằm vào các quốc gia có chủ quyền đòi hỏi phải dựa trên nền tảng chủ quyền. Dù Mỹ từng can thiệp quân sự vào nhiều quốc gia mà không có cơ sở pháp lý, song rốt cuộc Washington vẫn nhận thức về nghĩa vụ pháp lý của mình. Trong một văn bản gần đây liên quan tới phương án xung đột quân sự với Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ viết:
“Bộ Ngoại giao Mỹ rất tôn trọng vai trò của Quốc hội trong việc cho phép sử dụng vũ lực quân sự. Như Ngoại trưởng Pompeo từng lưu ý, mục tiêu của chính quyền (Mỹ) là tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các hành động của Iran, chứ không phải xung đột với Iran. Hơn nữa, chính quyền (Mỹ) cho đến nay vẫn chưa coi Đạo luật Ủy quyền sử dụng lực lượng vũ trang (AUMF) là cơ sở để sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran, ngoại trừ trường hợp cần thiết phải bảo vệ các lực lượng của Mỹ và các đồng minh trong các chiến dịch chống khủng bố hoặc các chiến dịch nhằm xây dựng một Iraq ổn định, dân chủ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo