Quốc tế

Rồng lửa S-400 và ván cờ tay ba Mỹ-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ với NATO

Vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận với Nga hồi năm 2017 về mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga giống như một ván cờ tay ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ cùng với Nato.

Hệ thống phòng không rồng lửa S-400 của Nga.

Sau khi cả ba phía đều đã nhiều lần tiến rồi lùi, công rồi thủ, kết cục đến thời điểm hiện tại là Nga đã cung ứng loại hệ thống tên lửa này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn giải theo cách khác thì như thế có nghĩa là Nga được lợi đơn ích kép và Mỹ với Nato đã bị mất cả chì lẫn chài còn Thổ Nhĩ Kỳ thì đương nhiên không chỉ có được và cũng chẳng phải chỉ bị thiệt.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Nato và không có gì là khó hiểu khi phải có lý do và lợi ích gì đấy rất cơ bản thì Thổ Nhĩ Kỳ mới quyết định chọn sản phẩm của Nga chứ không phải hệ thống Patriot của Mỹ. Xem ra, ở đây chỉ có thể có 3 nguyên do.

Thứ nhất là giá cả. Hệ thống Patriot của Mỹ không phải không tốt đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ là quá đắt đối với nước này. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không hạ giá bán nó cho Thổ Nhĩ Kỳ thì người kế nhiệm là ông Donald Trump với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" lại càng không khi nào chịu bán nó rẻ hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm của Nga vì thế trở thành sự lựa chọn thay thế.

Thứ hai là thực trạng quan hệ không được ổn thỏa giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Gia tăng áp lực, dọa dẫm và răn đe, trừng phạt.... đều được ông Trump vận dụng hết đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù hai nước đều là thành viên Nato và có quan hệ đồng minh gắn bó truyền thống từ nhiều thập kỷ nay. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ cần có con chủ bài mới để chơi ván bài đối trọng trong quan hệ với Mỹ. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại có quan hệ hợp tác rất hiệu quả và tin cậy. Trong chuyện này, Thổ Nhĩ Kỳ dễ cùng hội cùng thuyền với Nga hơn là với Mỹ và Nato.

Thứ ba là lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ không nhỏ về rủi ro Mỹ sử dụng việc mua bán vũ khí này can thiệp vào chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chậm nhất thì cũng từ thời điểm sau khi thoát hiểm khỏi cuộc đảo chính quân sự cách đây 3 năm, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải nhận ra và ý thức được về khả năng nguy hiểm và rủi ro đối với chính mình từ việc Mỹ có thể thông qua giới quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ tác động trực tiếp, thậm chí cả can thiệp nữa, vào chuyện quyền lực nội bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan kiên định thực hiện thỏa thuận mua tên lửa của Nga rõ ràng còn nhằm mục tiêu vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào cung ứng vũ khí của Mỹ vừa gây dựng con chủ bài mới trong quan hệ với Mỹ, Nato và EU. Với cách đối xử Thổ Nhĩ Kỳ như trong thời gian vừa qua, chính Mỹ đã làm cho Mỹ dễ bị thua Nga ở chuyện cụ thể này.

Nga dễ thắng bởi cơ hội không cần cầu ước cũng có được. Chính Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa lại cơ hội cho Nga. Sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thứ hai được Nga bán cho hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này và là thành viên đầu tiên của Nato mua vũ khí của Nga. Không phải Nga không biết mưu tính của Thổ Nhĩ Kỳ với phi vụ mua bán vũ khí này. Nga để cho Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng Nga làm đối trọng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Nato và EU bởi Nga có thể thu về được 3 cái lợi lớn vừa thiết thực hiện tại vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với Nga.

Thứ nhất là lợi ích từ buôn bán vũ khí. Không có hình thức quảng cáo nào đưa lại hiệu quả tối ưu cho loại sản phẩm này của Nga bằng việc bán được nó cho thành viên của liên minh quân sự coi Nga là kẻ thù. Thỏa thuận mua bán này giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp điển hình nhất và thuyết phục nhất về việc bỏ ra chi phí thấp nhất mà thu về được hiệu quả cao nhất.

Thứ hai là phân rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Nato và EU. Việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận này bất chấp mọi phản đối và cản phá, lo ngại và can thiệp của Mỹ và Nato đã khiến Mỹ và Nato không còn có thể tiếp tục tin cậy Thổ Nhĩ Kỳ về chính trị, quân sự và an ninh như trước. Mỹ càng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thì làm cho sự phân rẽ này càng thêm trầm trọng và càng thêm có lợi cho Nga.

Thứ ba, thỏa thuận này không chỉ đơn thuần thúc đẩy và thắt chặt quan hệ giữa hai nước mà còn là tầm vóc và chất lượng mới của mối quan hệ ấy. Nó làm thay đổi rất cơ bản vị thế và ưu thế về địa chiến lược cho Nga và về quân sự cho cả hai nước ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Nói theo cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giúp nhau có được vị thế, ảnh hưởng và vai trò to lớn hơn và quyết định hơn trong việc giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra lâu nay đối với khu vực này nói chung và các nước trong khu vực nói riêng.

Trong chuyện này, Thổ Nhĩ Kỳ không thể không phải trả giá và phải chấp nhận rủi ro nhất định, nhưng rõ ràng cái lợi thu về được vẫn hơn hẳn. Và Nga đã thành công với nước cờ chiến lược mới trong cuộc chơi vương quyền với Mỹ và Nato cũng như trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo