Quốc tế

Sắp đến hạn Mỹ chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Dù Mỹ tuyên bố ngừng chuyển giao F-35 cho Thổ nhưng đến tháng 11/2019 mới đến hạn chuyển giao.

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar cho biết hôm 29/10 trong một tuyên bố: "Chúng tôi là đối tác với dự án F-35 của Mỹ. Chúng tôi có quyền được tiếp nhận những chiến đấu cơ thế hệ 5 này".

Hồi đầu tháng 10/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cũng đã rất tự tin khi cho rằng thời gian chuyển giao máy bay theo hợp đồng vẫn chưa đến và tuyên bố của Mỹ chưa nói lên được điều gì.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đòi Mỹ sẽ chuyển giao F-35 theo đúng hợp đồng.

"Chúng tôi vẫn đang chờ phía Mỹ giao máy bay F-35, kế hoạch thanh toán được thực hiện đầy đủ", ông Erdogan nói. Thời hạn theo thỏa thuận giữa 2 bên được ông Erdogan nói đến là trước khi kết thúc tháng 11/2019, Mỹ sẽ phải chuyển giao lô tiêm kích F-35 đầu tiên theo hợp đồng được 2 bên ký kết trước đó.

Việc các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin Mỹ sẽ chuyển giao F-35 theo đúng hợp đồng được tờ The hill lý giải được xuất phát từ 2 con bài chiến lược Ankara đang có có thể khiến Mỹ phải nhượng bộ, đó là Eo biển Bosphorus và tên lửa SOM-J.

Nếu Mỹ quyết ngừng chuyển F-35, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có quyết định tương tự với chương trình này và điều đó sẽ khiến việc hoàn thiện chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt ở hệ thống vũ khí.

The hill cho rằng cùng với SOM-J, con bài chiến lược của Thổ với Mỹ chính là Eo biển Bosphorus. Ankara có thể sẽ cấm cửa tàu Mỹ đi qua eo biển Bosphorus nếu Ankara bị trừng phạt vì mua S-400. Tình huống đóng cửa Eo biển Bosphorus với tàu chiến Mỹ được Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc sử dụng nếu thực sự Mỹ ngừng chuyển giao F-35.

Giữa kế hoạch cấm cửa tàu Mỹ qua Eo biển Bosphorus và chuyện hiện thực hóa kế hoạch này của Thổ Nhĩ Kỳ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau bởi Thổ sẽ không dễ thực hiện do quy định của Công ước Montreux.

Theo quy định, trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Trong thời chiến, trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo.

Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ là bên tham chiến, tàu bè của các nước có chiến tranh với Thổ và cả những nước đồng minh với kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm đi lại. Điều đặc biệt là hiện tại không phải là thời chiến, chính vì vậy việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương cấm tàu Mỹ đi qua eo biển Bosphorus gần như không thể thực hiện.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, nếu như Mỹ nhượng bộ cho Thổ Nhĩ Kỳ thì rất có khả năng, Ankara sẽ cùng lúc sở hữu cả F-35 và S-400. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi lẽ để giữ được một đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ, Washington buộc phải nhượng bộ.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu và Trung Đông. Mặt khác, tại cuộc gặp Tổng thống Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật hôm 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng miễn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Tuấn Vũ/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo