Quốc tế

Siêu rồng lửa S-500 - niềm kiêu hãnh của nước Nga

Sự ra đời của tổ hợp phòng không-phòng thủ tên lửa S-500 của Nga sẽ làm thay đổi một cách căn bản cán cân lực lượng chiến lược hiện hữu.

Những thông số đỉnh cao chiến-kỹ thuật

Hệ thống S-500 Prometey (tiếng Nga: C-500 Прометей - “Hành tinh chết”), còn được biết đến với tên55R6M "Triumfator-M", là hệ thống tên lửa đất đối không, được phát triển bởi người khổng lồ Almaz-Antey nhằm thay thế hệ thống đánh chặn A-135 và bổ sung sức mạnh cho hệ thống phòng không S-400 Triumf. S-500 bắt đầu được sản suất từ 2014, sẽ được đưa vào trang bị cho lực lượng phòng không Nga vào năm 2020, thời gian vận hành 25 năm.

S-500 được đánh giá là tổ hợp phòng không số 1 thế giới. Ảnh: Militaryarms.ru.

Đến thời điểm hiện nay, tính năng kỹ-chiến thuật của S-500 vẫn được giữ bí mật

, chưa có công bố chính thức về các tham số và chỉ tiêu kỹ thuật, tuy nhiên, S-500 Prometey được cho là tích hợp nhiều loại tên lửa khác nhau, có tầm bắn lên đến 600km cho mục đích phòng thủ tên lửa và 400km cho mục đích phòng không - vượt trội đáng kể so với hệ thống S-400 đang hoạt động, cũng như đối thủ cạnh tranh của Mỹ - Patriot Advanced Capability-3.

Với bán kính tác chiến 600km, tổ hợp phòng không-phòng thủ tên lửa S-500 sẽ là sự thay thế cơ động lý tưởng cho các máy bay tiêm kích-đánh chặn, giảm đáng kể thời gian phản ứng của cả hệ thống phòng không nhờ tốc độ rất cao của tên lửa tầm trung và tầm xa. Giống như S-300 và S-400, S-500 là một tổ hợp cơ động, tất cả các cấu phần của nó, từ radar, sở chỉ huy và điều khiển, vận chuyển-nạp đạn, đều được triển khai trên xe bánh lốp, có khả năng việt giả và cơ động cao, tăng khả năng sống sót trong điều kiện tác chiến, thời gian triển khai chiến đấu khoảng 10 phút, dễ dàng vận hành và bảo dưỡng.

Các thành tố của tổ hợp S-500 bao gồm: Xe phóng 77P6, trên khung xe BAZ-69096 (10x10); hai đài chỉ huy 55K6MA và 85Zh6-2, trên khung xe BAZ-69092-12 (6x6); radar kiểm soát chiến trường và chỉ thị mục tiêu 91N6A(M), trên khung xe kéo BAZ-6403.01 (8x8); radar bám bắt mục tiêu 96L6-TsP, trên khung xe BAZ-69096 (10x10); radar bám bắt đa chế độ 76T6, trên khung xe BAZ-6909-022 (8x8); và radar phòng thủ tên lửa 77T6 trên khung xe BAZ-69096 (10x10).

Trong khi các tổ hợp phòng không hiện tại chỉ sử dụng một loại radar để dò tìm mục tiêu, S-500 được tích hợp nhiều loại radar chuyên dụng để xác định các mục tiêu riêng biệt như máy bay, trực thăng, thiết bị không người lái và tên lửa, giúp hệ thống đánh chặn hiệu quả hơn các tiền nhiệm S-300 và S-400 cũng như với các đối thủ từ nước ngoài. Radar Yenisei của S-500 có cơ chế hoạt động khá linh hoạt, được trang bị một ăng-ten mảng pha và hệ thống dò tìm mục tiêu trên không, có thể xác định mục tiêu là “địch/ta” và tự lựa chọn mục tiêu chính.

S-500 dự kiến sẽ được trang bị radar quản lý chiến đấu 91N6A(M), radar thu thập thông tin 96L6-TsP phiên bản cải tiến, và radar đa chế độ 76T6 cũng như radar chuyên dụng chống tên lửa đạn đạo 77T6. Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, cự li rà quét đạt 800-1000km. S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây, S-500 nhỏ gọn và khả năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.

Theo kế hoạch, ngoài phiên bản trên cạn, Nga sẽ tích hợp S-500 cho chiến hạm lớp Leader, giúp chúng sở hữu khả năng phòng thủ hàng đầu thế giới. Là thành tố chính tạo nên lớp phòng không ngoài cùng, S-500 Prometey sẽ trở thành “xương sống” trong mạng lưới phòng thủ hợp nhất của Nga cùng với S-300, S-400 và kết hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa đích thực như A-135 Amur hay A-235 Nudol giúp không phận nước Nga trở nên bất khả xâm phạm trước các đòn đánh từ trên không hay từ vũ trụ.

Và những khả năng siêu đẳng

Khác với sản phẩm của phương Tây, trong S-500, chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa - chống lại đòn tấn công tiềm tàng từ ngoài không gian, đặc biệt ở tầng ngoại vi của khí quyển, được hợp nhất trong một tổ hợp thay vì phân tách (tương đương vai trò của hai tổ hợp S-400 và A-135 của Nga hiện nay). Điều khiến S-500 vô cùng đặc biệt là bộ phận radar cấu thành cực tân tiến, có thể phát hiện các mục tiêu khác nhau như tên lửa, vệ tinh hay máy bay, rồi tiêu diệt chúng bằng hỏa lực chuyên biệt.

Tổ hợp phòng không Nga trong điều kiện dã ngoại. Ảnh: sibiryak-info.ru

Sử dụng tên lửa 77N6-N và 77N6-N1, S-500 có khả năng đánh trúng mục tiêu bay vận tốc 7 km/giây, tấn công các mục tiêu ở độ cao 200km hoặc tầm xa 600km, vô hiệu hóa tối đa 10 tên lửa đạn đạo cùng một lúc trước khi chúng bước sang giai đoạn hồi quyển và phân tách thành nhiều đầu đạn con. Tên lửa dòng 40N Nga dự kiến trang bị cho S-500 có đầu đạn dẫn đường độc lập, có thể bay theo quỹ đạo để tìm kiếm mục tiêu ở tầm cao và tự đưa ra phương án đánh chặn thay vì phụ thuộc vào radar để làm việc này.

Sử dụng nhiên liệu rắn, 40N6 được cho là có tốc độ gấp 9 lần âm thanh (10.800 km/giờ), mang đầu đạn nổ phân mảnh với tầm bay gần 500km để chống máy bay và máy bay không người lái với tỉ lệ hạ sát mục tiêu tới 95%. Nhà sản xuất cho biết, 40N6 có khả năng tấn công tên lửa siêu thanh và có thể được cải tiến để vô hiệu hóa các vệ tinh liên lạc và dẫn đường của đối phương trên quỹ đạo gần Trái Đất. Tên lửa tầm xa 40N6E dùng để tiêu diệt các loại máy bay có người lái và máy bay không người lái hiện đại, vũ khí chính xác cao, máy bay chỉ huy-báo động sớm, tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến dịch-chiến thuật và tầm trung bay với tốc độ đến 4.800 m/s và các tên lửa hành trình siêu vượt âm. Có nhiều đầu đạn khác nhau sẽ được dùng cho tên lửa 40N6, nhưng Nga chưa tiết lộ thông tin chi tiết.

S-500 Prometey sẽ là vũ khí đầu tiên trên thế giới có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa và bằng vũ khí siêu thanh quy mô lớn, có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình. Đặc biệt, chúng có thể bảo vệ các hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - lực lượng răn đe hạt nhân được bố trí trên đất liền của Nga.

Tổ hợp S-500 có khả năng theo dõi mục tiêu 360 độ, trong khi tên lửa MIM-104 Patriot của Mỹ chỉ quét được mục tiêu theo một hướng định sẵn ở góc 180 độ; S-500 có thời gian triển khai không quá năm phút trong khi phải mất nửa giờ mới có thể đưa tổ hợp Patriot vào trạng thái chiến đấu; tên lửa Patriot chỉ có tầm bắn 200km, thấp hơn nhiều so với S-500. S-500 có thể theo dõi quá trình bay của tên lửa đạn đạo từ điểm phóng đến điểm cuối cùng - nét độc đáo chỉ S-500 Prometey có.

Năm 2014, Tư lệnh Không quân Nga khi đó là tướng Bondarev tiết lộ, tên lửa của tổ hợp S-500 được tích hợp trí tuệ nhân tạo đảm bảo khả năng tự phân tích các dữ liệu radar, phân tích thiết bị điện tử của đối phương, tình huống trên không xung quanh nó và tự động ra quyết định về độ cao, tốc độ và hướng bay. Ngoài ra, S-500 được trang bị hệ thống truyền thông radio thế hệ 6 không bị đối phương phát hiện hoặc nghe trộm, có thể phối hợp hoạt động bằng cách cung cấp thông tin về mục tiêu với các hệ thống phòng không tầm trung và không quân.

S-500 Prometey được trang bị các anten mảng pha chủ động không cần phải xoay thiết bị phát, có thể quét và phân tích tín hiệu từ một khoảng cách lớn. Ngoài ra, một anten có thể tạo ra nhiều tia, kiểm soát chùm tia không cần xoay anten; anten theo giai đoạn đòi hỏi ít năng lượng hơn - điều rất quan trọng đối với tên lửa. Mỗi loại mục tiêu sẽ được giám sát bằng radar riêng, mỗi mục tiêu sẽ được "phụ trách" bằng loại tên lửa chuyên dụng. S-500 có khả năng phát hiện và đánh chặn cả các máy bay tàng hình thế hệ năm như F-22 và F-35 (Mỹ), J-20 và J-31 (Trung Quốc).

Tổ hợp S-500 cũng được cho là sẽ tích hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Nga bao gồm SPRN, A-235 Nudol, S-400, S-300 và tiêm kích đánh chặn trong một mạng lưới phòng không hợp nhất tổng thể, cho phép chia sẻ thông tin với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung, cung cấp thông tin, truyền dữ liệu mục tiêu với các tổ hợp tên lửa tầm gần.

Một báo cáo của CIA nhận định, nếu được Nga triển khai tới vùng lãnh thổ Kaliningrad, S-500 có thể chặn các mục tiêu thù địch trên khắp Ba Lan và phần lớn nước Đức, kể cả Berlin. Còn nếu triển khai tới vùng Viễn Đông, S-500 có thể tác động nghiêm trọng tới các hoạt động quân sự của Mỹ từ các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, CIA còn khẳng định, nếu S-500 được triển khai thì các hoạt động của Không quân Mỹ trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ trưởng Không quân Mỹ Wilson lo rằng S-500 sẽ khiến cho các máy bay trinh sát điện tử E-8, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không E-3, máy bay ném bom chiến lược B-52 và B-1 bị tiêu diệt nhanh chóng.

Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, người ta từng tin rằng, bất kỳ hệ thống phòng không nào cũng có thể bị nghiền nát bởi số lượng lớn tên lửa và máy bay cùng tấn công, nhưng S-500 có thể là một ngoại lệ. Khi được đưa vào trực chiến và tích hợp vào mạng lưới phòng không thống nhất cùng với các tổ hợp S-400, S-300VM4 và S-350 Vityaz, S-500 sẽ tạo ra một "chiếc ô" phòng không cực mạnh. Nhờ những ưu thế vượt trội về khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), cũng như đối phó một cách hiệu quả tất cả các mối đe dọa tiềm tàng từ trên không - vũ trụ, S-500 được cho sẽ làm thay đổi một cách căn bản cán cân lực lượng chiến lược hiện hữu.

Theo Lê Ngọc/VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo