Quân khu miền Đông của Nga vừa tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật với siêu pháo tự hành 2S7M Malka cỡ nòng 203 mm và thu về kết quả rất khả quan.
Báo chí của quân khu miền Đông thuộc quân đội Nga đưa tin, siêu pháo tự hành 2S7M Malka vừa được sử dụng lần đầu tiên dưới vai trò vũ khí tấn công chính xác.
Pháo tự hành 2S7M Malka cỡ nòng 203 mm là phiên bản nâng cấp từ nguyên mẫu 2S7 Pion, vũ khí này chính thức gia nhập biên chế quân đội Liên Xô từ năm 1985.
Những cải tiến đáng kể trên phiên bản 2S7M Malka bao gồm tích hợp động cơ mạnh mẽ, khung xe hiện đại, các thiết bị điện tử mới hơn với hệ thống chỉ thị mục tiêu điện tử và nhận dữ liệu tự động.
Ngoài ra thời gian chuyển từ chế độ hành quân sang chiến đấu của 2S7M Malka giảm từ 10 xuống 7 phút, cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào.
Cải tiến trên cho phép tăng tốc độ bắn của pháo tự hành 2S7M Malka lên tới 2,5 viên mỗi phút, thay vì chỉ 1,5 viên mỗi phút như trên biến thể cơ bản 2S7 Pion.
Thậm chí gần đây quân đội Nga còn tiếp tục thực hiện gói cải tiến mới trên pháo tự hành Malka, phiên bản này thực chất phải được gọi bằng tên định danh 2S7M2 mặc dù trong văn bản chính thức không có gì thay đổi.
Phiên bản 2S7 mới nhất được nâng cấp sâu về hệ thống điện tử, có thể nhận thông tin về mục tiêu từ vệ tinh, máy bay không người lái, máy bay trinh sát, các đội đặc nhiệm hoặc trinh sát pháo binh hoạt động bên trong lòng địch.
Năng lực trên của pháo tự hành 2S7M Malka đã được thể hiện lần đầu tiên trong các cuộc tập trận chiến thuật diễn ra tại thao trường Trirechye ở vùng Amur.
Theo quân khu miền Đông, đây là ần đầu tiên đơn vị pháo tự hành bắn ở cự ly tối đa lên tới 40 km theo tọa độ thu được từ máy bay không người lái Orlan-10.
Pháo tự hành 2S7M Malka đã diệt được mục tiêu một cách chính xác nhờ việc hiệu chỉnh tọa độ theo dữ liệu được UAV trinh sát trả về, phát bắn được mô tả là "chính xác như súng bắn tỉa".
Sau khi thông tin trên xuất hiện, báo chí Nga đã rất hân hoan với năng lực mới của pháo tự hành 2S7M Malka, tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự thì điều này đã bị nói quá.
Vấn đề đầu tiên cần được xét đến chính là pháo tự hành 2S7M Malka không được trang bị đạn dẫn đường tầm xa cỡ 203 mm, cho nên dù nhận được tọa độ chính xác của mục tiêu nó cũng phải bắn hàng loạt đạn.
Điều này cũng được đại diện quân khu miền Đông xác nhận, cụ thể là khẩu đội 2S7M Malka đã trút xuống khu vực mục tiêu số lượng tương đối lớn đạn mới đảm bảo diệt được kẻ thù giả định.
Trong khi đó với loại đạn có điều khiển như Krasnopol cỡ 152 mm thì pháo thủ chỉ cần bắn một quả duy nhất là đủ để phá hủy mục tiêu chứ không cần bắn hàng loạt đạn như 2S7M Malka.
Để thực sự "bắn chính xác như súng bắn tỉa" từ cự ly 40 km thì Nga cần phải phát triển loại đạn có điều khiển cỡ 203 mm cho 2S7M Malka, còn hiện tại với đạn thông thường thì dù cho có sự hỗ trợ của UAV, mức độ chính xác mới chỉ được xem như "có cải thiện" mà thôi.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô