Quốc tế

Sự thực tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bị người Kurd bắn rơi

Hiện nay đang xuất hiện thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa mất một tiêm kích F-16 do hỏa lực tên lửa vác vai của chiến binh người Kurd.

Truyền thông Nga mới đây đã đăng tải thông tin gây bất ngờ đó là các tay súng vũ trang người Kurd thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vừa bắn hạ 1 tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Được biết vụ tấn công do lực lượng người Kurd thực hiện diễn ra hôm 17/10, khi chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành không kích vào khu vực do họ kiểm soát thì bất ngờ bị bắn trả bằng tên lửa vác vai, có khả năng cao là loại Igla do Nga sản xuất.

Quả tên lửa được báo cáo đã đi trúng đích, khiến chiếc F-16 phát nổ và rơi ngay sau đó khiến cho viên phi công điều khiển thiệt mạng. Mặc dù vậy hiện nay Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về sự việc, bên cạnh đó cũng chưa có hình ảnh nào để chứng minh.

Biên đội tiêm kích đa năng F-16 Fighting Falcon của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Al Masdar News.

Vụ việc vừa nêu trên đang bị nhiều chuyên gia quân sự cũng như các nhà phân tích tình hình khu vực Trung Đông nhận xét chỉ là một thông tin giả được người Kurd đưa ra nhằm mục đích phô trương lực lượng của họ mà thôi.

Sở dĩ có nhận định trên là bởi khu vực miền Bắc Syria đang trong tình trạng giao tranh ác liệt,có sự hiện diện số lượng rất lớn phóng viên của nhiều hãng thông tấn hàng đầu thế giới, nếu thực sự một vật thể bay có kích thước như tiêm kích F-16 rơi xuống thì chắc chắn chẳng thể nào che giấu.

Vậy nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chẳng có bất cứ hình ảnh nào chứng minh những gì mà các tay súng SDF tuyên bố là sự thật, đây là điều cực kỳ bất thường và rất khó giải thích, do chiếc F-16 chẳng thể nào biến mất không một dấu vết như vậy nếu thực sự bị bắn rơi.

Trước đó cũng xuất hiện thông tin cho rằng đã có ít nhất 1 xe tăng chiến đấu chủ lực M60TM của Thổ Nhĩ Kỳ có trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Pulat tối tân đã bị bắn cháy bằng tên lửa chống tăng, nhưng rồi cho đến tận hôm nay cũng chưa có bằng chứng nào xác thực.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo