Sức mạnh đáng gờm cối tự hành Tulip thép 2S4 của Nga
Tulip thép 2S4 - cối tự hành lớn nhất thế giới
Theo trang Armyrecognition, nhằm tăng sức mạnh của lực lượng tên lửa và pháo binh, bên cạnh việc thiết kế mới và nâng cấp vũ khí có sẵn, một dự thảo mới về biên chế các phân đội và lý luận mới về sử dụng pháo binh được thử nghiệm trong cuộc tập trận mới nhất Center-2019, Nga đang “gọi tái ngũ” một số di sản thời Chiến tranh Lạnh, trong đó có cối tự hành siêu nặng 2S4 Tyulpan - dùng để phá hủy các sở chỉ huy, các tòa nhà kiên cố, công sự, khu tập trung quân, vũ khí và trang thiết bị quân sự của đối phương, cũng như tấn công các mục tiêu khác, mà hỏa lực bắn thẳng không có tác dụng.
2S4 Tyulpan (trong tiếng Nga: объект 305, 2С4«Тюльпан»-hoa tulip, định danh NATO là M-1975) là hệ thống cối tự hành, được biên chế trong quân đội Liên Xô từ những năm 1970 thay cho cối xe kéo M-240, thuộc lực lượng dự trữ của Bộ Tư lệnh Tối cao. Bắt đầu được phát triển vào 1967, sự ra đời của Tyulpan có liên quan đến một nhận định của Bộ Quốc phòng Liên Xô, theo đó, một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến lược không thể xảy ra, vì nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt của cả hai bên tham chiến, trong khi đó, xung đột cục bộ có sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể trở nên thực tế hơn; việc sử dụng pháo tự hành kết hợp với xe chở chỉ huy và bộ đội giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện nhiệm vụ, giảm số lượng binh sĩ và số xe phục vụ các đơn vị pháo binh.
Được chế tạo tại Nhà máy Cơ khí Vận tải Ural, Tyulpan có khả năng di chuyển trên những địa hình gồ ghề, có thể nhanh chóng thay đổi vị trí sau khi tấn công đối phương. Lớp giáp của Tyulpan được thiết kế để bảo vệ kíp xe trước hỏa lực của các loại súng máy và đạn pháo cỡ nhỏ. Nhờ sự cơ động và có thể sử dụng trong nhiều tình huống, được trang bị các thiết bị chuyên dụng, Tyulpan rất phù hợp để thực hiện các chiến dịch quân sự trong thành phố, cũng như tấn công các công sự của đối phương.
Thiết kế cơ bản của Tyulpan gồm một khẩu cối hạng nặng 2B8 cỡ nòng 240mm đặt trên khung gầm xe bánh xích rải mìn GMZ dùng động cơ diesel V-59 công suất 520 mã lực, có vận tốc tối đa 62km/h trên đường nhựa, 30km/h trên đường đất. Tyulpan có khối lượng 27,5 tấn, kíp xe 5 thành viên. Để bắn, súng cối không cần có sự chuẩn bị đặc biệt nào tại vị trí triển khai, chuyển trạng thái hành quân sang chiến đấu nhờ hệ thống thủy lực nâng hạ mất 5 phút và mất 10 phút thu xe.
Tyulpan có thể bắn đạn nặng 130kg trúng mục tiêu ở khoảng cách xa, sử dụng nhiều loại đạn pháo/mìn khác nhau và có thể mang theo 40 quả đạn nổ phá mảnh hoặc 20 quả đạn phản lực-tích cực. Nó còn được trang bị súng máy 7.62mm (với 1500 viên đạn), súng phóng lựu chống tăng RPG-7V (với 2 quả đạn); kíp xe có hai súng AK (với 600 viên đạn), súng tín hiệu (với 18 quả đạn).
Tyulpan từng tham chiến ở Afghanistan, Chechnya, Syria, và có tin ở cả Donbass và Donetsk (Ukraine). Trong một trận chiến chiến đấu ở Afghanistan, quân Liên Xô đã đưa một trung đội gồm 2 Tyulpan đến triển khai cách mục tiêu là hang núi mà các phương tiện hỏa lực thông thường bất lực, từ 2,5-8,4 km. Bằng 10 quả đạn Smelchak-1 có dẫn hướng, Tyulpan đã phá hủy 8 hầm đất kiên cố và với 15 quả khác, đã đánh sập hoàn toàn 6 cửa vào hang của quân Taliban. Trên chiến trường Syria, vũ khí này cũng gây vô số thương vong và được xem là một trong những phương tiện tác chiến gây ra nhiều ám ảnh nhất cho phiến quân.
Nga hiện đại hóa Tyulpan
Cỡ nòng là điểm vượt trội của Tyulpan so với súng cối của các nước khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… (không quá 120mm). Uy lực của Tyulpan nằm ở khả năng sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, gồm đạn nổ mạnh (HE), đạn cháy (Sayda), đạn casset (Nerpa), đạn thông minh (Daredevil), và đạn hạt nhân chiến thuật, cũng như đầu đạn neutron (Smola và Fata). Từ năm 1967, Liên Xô đã phát triển một kiểu đạn cối đặc biệt cỡ 240m mang đầu nổ hạt nhân có sức công phá đến 2 kT.
Năm 1970, họ phát triển đạn cối phản lực-tích cực nặng 230kg có thể mang đầu nổ hạt nhân, tầm bắn 18km; năm 1983 - đạn cối có điều khiển 1K113 Smelchak, có khả năng định vị mục tiêu bằng laser ở giai đoạn cuối của hành trình bay, khiến đối phương có rất ít thời giản để phản ứng và đánh chặn. Xác suất trúng mục tiêu của đạn Smelchak theo vòng tròn đường kính 2-3m đạt từ 80-90%. Hiện Tyulpan không có đối thủ xứng tầm, đặc biệt chưa có hệ thống phòng thủ nào được xác nhận có thể đánh chặn đạn của siêu cối này.
Khả năng bắn với góc nâng pháo tối đa cho phép Tyulpan với quỹ đạo cầu vòng khai hỏa từ vị trí kín, tránh bị phát hiện và tiêu diệt được mục tiêu nấp sau công sự hay sườn núi khuất. Nếu sử dụng đạn tăng tầm, Tyulpan có thể san phẳng cả tòa nhà, phá hủy xe bọc thép của đối phương ở khoảng cách 20km chỉ bằng một phát bắn. Phạm vi sát thương của mảnh đạn cối có thể bao phủ diện tích rộng gấp 4 lần một sân bóng tiêu chuẩn.
Mìn nạp napalm có thể tạo các đám cháy trên diện tích 7.850m2 quanh trung tâm nổ. Một phân đội Tyulpan gồm 5 xe đồng loạt bắn sẽ tạo ra một trận "mưa bom" và tiếng nổ dữ dội của đạn cối cỡ lớn sẽ tác động mạnh đến tinh thần binh lính đối phương - khả năng mà không có bất cứ một loại vũ khí cùng loại nào có được.
Hiện Lục quân Nga được trang bị 40 khẩu Tyulpan và khoảng 390 khẩu đang dự trữ trong kho. Theo Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới - TsAMTO (Nga), quá trình hiện đại hóa Tyulpan đã hoàn thành, khung gầm xe thiết giáp bánh xích đã được thay thế hộp số, cơ cấu truyền động và các bộ phận cung cấp năng lượng để nâng cao khả năng việt dã trên địa hình phức tạp. Các thiết bị chủ chốt cũng được nâng cấp, bao gồm hệ thống liên lạc nội bộ, tiếp nhận và xử lý dữ liệu, thiết bị liên lạc vệ tinh, hệ thống điều hòa không khí-phòng chống vũ khí xạ-sinh-hóa (NBC), hệ thống kiểm soát hỏa lực..., cho phép hoạt động như một tổ hợp liên kết chiến thuật độc lập.
Mục tiêu chính của việc hiện đại hóa Tyulpan là tăng độ chính xác bằng các hệ thống dẫn đường hiện đại đưa nó vào hệ thống điều khiển tự động của Lục quân. Khi đó, 2S4 sẽ được chỉ định mục tiêu từ các vệ tinh, máy bay không người lái, phi cơ và các nhóm trinh sát của lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở hậu phương địch. Tất cả những cải tiến trên được thiết kế để tăng khả năng sống sót cũng như nâng cao hiệu quả tác chiến.
Một quan điểm phổ biến là trong thời đại tên lửa với độ chính xác cao và máy bay chiến đấu hiện đại, các loại súng với cỡ nòng lớn đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, tại Syria, pháo binhđã đóng góp quan trọng vào chiến thắng chung trong chiến dịch chống khủng bố, trong đó, gần một nửa tổn thất của các nhóm khủng bố là do hỏa lực của các hệ thống pháo cỡ nòng lớn và phản lực bắn loạt; pháo hạng nặng không thể thiếu khi có nhiệm vụ phá vỡ các công trình kiên cố.
Phiên bản nâng cấp của Tyulpan sẽ đóng vai trò “bắn tỉa” tầm xa để phá hủy các mục tiêu kiên cố nhất. Các loại đạn cỡ nòng lớn này vốn được cất giữ từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn rẻ hơn nhiều so với tên lửa hành trình Kalibrhoặc bom có điều khiển. Giới chuyên gia nhận định, hiện đại hóa Tyulpan hiện có là phương án rẻ hơn nhiều so với phát triển vũ khí hoàn toàn mới với nhiệm vụ tương tự, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc phòng eo hẹp của Nga hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo