Tại sao giá dầu đi ngược xu hướng lịch sử khi Trung Đông bất ổn?
Tin tặc đánh cắp bí mật để lộ đơn giá cao đến không ngờ của UAV cảm tử Shahed-136? / Tập đoàn Rostec Nga đẩy mạnh sản xuất động cơ nội địa cỡ lớn
Trong lịch sử, các cuộc xung đột ở Trung Đông thường gắn liền với các cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu. Khi các lực lượng Israel, Anh và Pháp tấn công Ai Cập vào năm 1956 khiến kênh đào Suez bị chặn, cả London và Paris đều phải áp dụng chế độ phân phối xăng dầu trong nước. Trong cuộc chiến năm 1973, một cuộc tẩy chay của người Arập đã khiến giá dầu tăng hơn gấp đôi. Cuộc cách mạng năm 1979 của Iran cũng khiến giá dầu toàn cầu tăng gấp đôi. Giá cũng đạt đỉnh điểm trong thời gian ngắn khi chiến tranh Iraq - Kuwait xảy ra vào năm 1990.
Cuộc khủng hoảng Gaza hiện tại ban đầu dường như cũng diễn ra tương tự: sau khi xảy ra xung đột Israel - Hamas vào ngày 7/10/2023, giá dầu đã tăng vọt từ khoảng 70 USD/thùng lên hơn 90 USD/thùng. Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần sau đó giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đã giảm trở lại dưới 74 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent lại hạ xuống dưới 80 USD/thùng.
Sang tháng 1/2024, giá dầu lại tăng vọt sau cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm đáp trả các vụ tấn công vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ. Giá dầu thô cũng biến động khi Phố Wall đánh giá xu hướng lãi suất, đồng USD và xung đột địa chính trị.
Tuy nhiên, chúng vẫn cách xa mức cao nhất ghi nhận hồi năm 2022. Khép lại phiên gần nhất 16/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2024 tăng 1,16 USD (1,5%) lên 79,19 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2024 tăng 61 xu Mỹ (0,7%) lên 83,47 USD/thùng.
Một yếu tố có thể khiến giá dầu khó đột phá là nhu cầu suy yếu. Báo cáo hàng tháng mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 15/2 dự báo rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 2,3 triệu thùng/ngày hồi năm 2023 xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Dự báo này dựa trên số liệu rằng tăng trưởng nhu cầu đã giảm từ 2,8 triệu thùng/ngày trong quý III/2023 xuống 1,8 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Trong báo cáo, IEA đánh giá tăng trưởng nhu cầu dầu đang mất đà khi giai đoạn mở rộng nhu cầu năng lượng sau đại dịch phần lớn đã kết thúc.
Tuy nhiên, đối với một số nền kinh tế, thời kỳ tăng trưởng đó khá yếu ớt. Nền kinh tế Trung Quốc từng được cho là sẽ có sự phục hồi mamh mẽ vào năm 2023 sau giai đoạn đóng cửa phòng dịch kéo dài. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, chi tiêu suy yếu và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị đình trệ. Một số nhà kinh tế thậm chí tin rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình trạng trì trệ trong nhiều thập kỷ.
Các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Vương quốc Anh đã rơi vào suy thoái sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, sau mức giảm 0,1% trong quý trước đó. Một cuộc suy thoái thường được định nghĩa là sự sụt giảm GDP trong hai quý liên tiếp, nhưng cũng có thể được xác định bởi các yếu tố khác như tỷ lệ thất nghiệp cao.
Nhật Bản cũng bất ngờ rơi vào suy thoái, sau khi tiêu dùng trong nước yếu khiến GDP nước này giảm hai quý liên tiếp. Điều đó đủ khiến Nhật Bản mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tụt lại sau Đức.
Kinh tế Mỹ hiện vẫn tỏ ra bền bỉ nhờ tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm 2024 khi người dân Mỹ phải thắt chặt tiêu dùng vì lãi suất cao và khoản tiết kiệm sau đại dịch của họ dần thu hẹp.
Giữa lúc tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang chậm lại thì nguồn cung vẫn tương đối mạnh. Chính điều này cũng có khả năng gây thêm áp lực suy giảm lên giá dầu.
Theo các ước tính, Mỹ đã sản xuất 13,3 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày trong quý IV/2023, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.
Ngoài ra, một số quốc gia chủ chốt thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã sản xuất nhiều dầu hơn trong tháng 1/2024 so với sản lượng mục tiêu của khối. Theo báo cáo của IEA, Iraq đã bơm thêm 230.000 thùng dầu/ngày và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã sản xuất thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng trước.
Báo cáo IEA nhận định nguồn cung dầu toàn cầu tăng cao trong năm nay, dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Guyanavà Canada, sẽ làm lu mờ mức tăng dự kiến về nhu cầu dầu thế giới.
Cũng theo IEA, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, bất chấp việc cắt giảm lãi suất được dự đoán trước. Điều này chủ yếu do hoạt động kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng bị ảnh hưởng từ giai đoạn tăng lãi suất kéo dài từ năm 2022 và 2023.
Trong khi đó, báo cáo được công bố ngày 13/2 của OPEC dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025, không đổi so với dự báo được đưa ra tháng trước. Đây đều là những mức được các nhà quan sát thị trường coi là cao.
Sự khác biệt trong dự báo của IEA và OPEC là lời nhắc nhở về những khó khăn cố hữu trong việc cố gắng dự đoán nhu cầu và giá dầu tại các thị trường phức tạp ngày nay. Cả dự báo ngắn hạn và cảnh báo về những dự báo này đều có thể sai. Cho đến nay, cuộc khủng hoảng Gaza hầu như không tạo được bất kỳ biến động lâu dài nào về giá cả, bất chấp những lo ngại lan rộng về một kịch bản ngược lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo