Tàu ngầm Nga vượt bẫy săn ngầm NATO như thế nào?
Tàu ngầm là mục tiêu săn đuổi của nhiều đối tượng
Trong số các phương án tránh đòn của tàu chiến NATO, lặn xuống đáy biển sâu và im hơi lặng tiếng là biện pháp mà các tàu ngầm Nga thường xuyên thực hiện trong các bài tập để tránh bị bám đuôi.
Gần đây, diesel-điện Kolpino (Dự án 636.3 lớp Varshavyanka, tức là tàu ngầm Kilo theo phân loại của NATO, loại tàu ngầm đã được trang bị cho Hải quân Việt Nam) thuộc Hạm đội Biển Đen trong quá trình tập trận ở vùng biển này đã tránh được cuộc tấn công của các tàu mặt nước của một “đối phương giả định”.
Hãng thông tấn Nga Sputnik đã phỏng vấn các chuyên gia và đã có bài viết về những “trò chơi nguy hiểm dưới đáy biển” và những cách hiệu quả nhất tránh thoát cuộc tấn công bằng ngư lôi.
Các chỉ huy tàu ngầm không thích nổi lên mặt nước để liên lạc với bờ - thao tác này ngay lập tức tiết lộ vị trí tàu ngầm. Đối phương có thể phát hiện chiếc tàu ngầm ngay cả khi nó hiện diện ở độ sâu của kính tiềm vọng với các thiết bị thu thập quang học và sóng vô tuyến.
Trong số này, máy bay tuần tiễu chống ngầm (cánh cố định) và máy bay săn ngầm của đối phương có khả năng phát hiện nguồn gốc tín hiệu sóng vô tuyến.
Tuy nhiên, các tàu ngầm hiện đại cũng được trang bị hệ thống phát hiện nguồn sóng radar của máy bay chống ngầm. Ngay sau khi thấy rõ tàu ngầm đang bị theo dõi, thủy thủ đoàn thực hiện thao tác lặn xuống biển khẩn cấp, sau đó di chuyển rất nhanh khỏi nơi tàu đã nổi lên mặt nước.
Bị phát hiện, lặn khẩn cấp xuống đáy biển
Trong tình huống này, các thủy thủ tàu ngầm phải được rèn luyện thành thục bởi tính chất của hoạt động này là cực kỳ khẩn trương, họ chỉ có một vài phút đưa tàu ngầm xuống dưới đáy biển, trong khi người chỉ huy phải nhanh chóng tính toán tốc độ và độ sâu tối ưu.
Nếu sai sót chỉ cần một tích tắc là chiếc tàu ngầm có thể biến thành một chiếc quan tài khổng lồ dưới đáy biển. Tuy nhiên, ngay cả hành động chạy trốn này cũng phải là một “nghệ thuật”, nếu không, nó vẫn không thể thoát được sự theo dõi của đối tượng.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Igor Kurdin, cựu chỉ huy tàu ngầm nguyên tử nói rằng, không nên nghĩ rằng, chiếc tàu ngầm phải ngay lập tức chạy hết tốc lực.
Trong trường hợp này chiếc tàu sẽ ngay lập tức bị phát hiện rõ ràng hơn và sẽ thua trong cuộc đối đầu. Hơn nữa, tốc độ của tàu ngầm diesel-điện không quá cao, nó không thể nhanh chóng tránh sự truy lùng của đối phương. Do đó, các thủy thủ tàu ngầm cần phải sử dụng kết hợp những phương pháp chiến thuật khác, bao gồm cả các biện pháp đối phó bằng sonar.
Theo ông Kurdin, ưu điểm chính của tàu ngầm diesel-điện là khả năng lặn xuống đáy biển và “im hơi lặng tiếng”. Vào thời điểm này, trên tàu ban bố chế độ “im lặng”. Tất cả các thiết bị đều bị tắt, các chuyển động trên tàu được giảm đến mức tối thiểu, các thủy thủ không thể nói to và gây tiếng ồn.
Chiếc tàu ngầm diesel-điện có thể nằm im lặng hoàn toàn dưới đáy biển trong vài ngày, còn tàu ngầm hạt nhân không thể làm như vậy bởi vì các hệ thống phụ của lò phản ứng không thể bị tắt.
Những động tác cơ động kiểu “Ivan điên dại”
Theo ông Igor Kurdin, các phương pháp tránh truy đuổi của Nga và NATO không có những khác biệt cơ bản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, các tàu ngầm Nga đạt được trình độ cao hơn so với các thủy thủ phương Tây khi thực hiện các động thái "đánh lạc hướng", vì thủy thủ Nga không sử dụng phương pháp rập khuôn mà kết hợp nhiều phương pháp và có sự sáng tạo.
Tiêu biểu trong số này là chiến thuật "đánh lạc hướng" được Hải quân Liên Xô phát minh ra trong những năm Chiến tranh Lạnh, mà sau này được người Mỹ gọi là “Ivan điên dại” (Crazy Ivan).
Vào thời điểm đó, các tàu ngầm Mỹ thường bám đuôi tàu ngầm Liên Xô để đi vào “vùng mù” với sonar ở sau đuôi tàu. Và các tàu ngầm Xô viết đã sử dụng động tác không thể đoán trước như quay đảo hướng đôi khi tới 180 độ, đổi độ sâu để phát hiện kẻ địch.
Động tác cơ động đột ngột đó được người Mỹ gọi là động tác cơ động “Ivan điên dại” (Crazy Ivan), bởi tàu ngầm Mỹ rất khó đoán hướng và tránh thoát được nó. Do đó, để tránh đụng độ, tàu ngầm Mỹ buộc phải giữ khoảng cách.
Các thủy thủ Liên Xô đã học được cách vượt qua thậm chí cả Hệ thống giám sát âm thanh dưới biển (SOSUS) của Mỹ.
Ví dụ, vào năm 1985 và 1987, Hải quân Liên Xô đã thực hiện các hoạt động độc đáo. Hai nhóm tàu ngầm hạt nhân, mỗi nhóm gồm 5 tàu, đã bí mật tiến vào Đại Tây Dương.
Hải quân Mỹ không thể không chú ý đến đội tàu ngầm hạt nhân lớn như vậy cùng lúc ra biển khơi, và đã mở ra “cuộc săn lùng” quy mô lớn. Tuy nhiên, các tàu ngầm tuần hạt nhân tên lửa đạn đạo Liên Xô vẫn có thể đến bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện.
Máy bay chống ngầm của hải quân Nga
Nếu nói về hoạt động phát hiện và truy lùng tàu ngầm, thì các phương pháp của Nga và NATO rất giống nhau. Cả Nga và NATO đều sử dụng rộng rãi lực lượng không quân hải quân, bao gồm máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định và trực thăng săn ngầm.
Ví dụ, Hải quân Nga được trang bị máy bay động cơ phản lực cánh quạt chống ngầm Il-38 (được phát triển trên cơ sở máy bay chở khách Il-18V). Máy bay Il-38 được trang bị hệ thống tìm kiếm và định vị Berkut hoặc Novella. Bán kính chiến đấu của IL-38 là 2.200 km.
Ngoài ra, Hải quân Nga có cả nhiều máy bay "tầm xa" hơn như Tu-142 (phiên bản trinh sát hải quân hiện đại thuộc dòng Tu-95RTS), có phạm vi bay thực tế đến 5.000km. Ở cự ly gần, trực thăng Ka-27 chống ngầm cũng có thể được sử dụng.
Trong khu vực tuần tra, máy bay hoặc trực thăng phóng đến độ sâu chỉ định nhiều thiết bị cảm biến để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm như: Thiết bị định vị thủy âm treo (sonar), phao âm thanh sonar và vũ khí tiêu diệt tàu ngầm là ngư lôi hạng nhẹ.
Ngay sau khi có tín hiệu từ phao thủy âm, phi hành đoàn liên lạc với các tàu chống ngầm. Vị trí của tàu ngầm được xác định bởi hoạt động của các phao khác. (Ban ngày trên mặt biển yên tĩnh, hình bóng của chiếc tàu ngầm ở độ sâu vừa phải cũng có thể được xác định bằng mắt thường).
Sau khi nhận được thông tin về tọa độ của tàu ngầm đối phương, các tàu chống ngầm bắt đầu truy đuổi nó, phóng ngư lôi và bom chống tàu ngầm.
Trong quá trình tiến hành các cuộc tập trận, nếu tàu ngầm của đối phương giả định bị "phát hiện" và bị "bám đuôi", nhiệm vụ được coi là hoàn thành. Và nếu chiếc tàu ngầm (của đối phương giả định hoặc của Nga) có thể tránh khỏi sự truy lùng thì có nghĩa là thủy thủ đoàn trên tàu có trình độ cao nhất!
Tuy nhiên, trong thời chiến mọi thứ đều sẽ diễn ra và có thể đơn giản hơn nhiều. Ví dụ như tàu chống ngầm không nhất thiết phải bắn trúng chiếc tàu ngầm bằng ngư lôi hay bom chống tàu ngầm, quả bom có thể phát nổ gần đó và sóng xung kích vẫn sẽ thực hiện công việc của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo