Quốc tế

Tên lửa đạn đạo DF-17 của Trung Quốc có thật sự là 'kẻ bất bại'?

Vừa qua Trung Quốc đã công khai tên lửa Đông Phong-17 (DF-17) tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 2019. Đây là loại vũ khí được mệnh danh là 'kẻ bất bại'.

Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia Mỹ, DF-17 cơ bản không phải là đối thủ của hệ thống phòng không Mỹ và đồng minh. Nga cũng đang nghiên cứu phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa này.

Sohu cho biết trong bài đăng ngày 13/10, trong lễ duyệt binh vừa qua của Trung Quốc, ngoài phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 (DF-41), DF-5B và tên lửa đạn đạo tầm trung DF-31AG, Trung Quốc còn lần đầu tiên công khai tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 được gắn trên thiết bị lượn siêu thanh (HGV) - có khả năng bay nhanh gần 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.100 km/h).

DF-17 có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân. Trung Quốc đã thử nghiệm thiết bị HGV và tên lửa đẩy DF-17 từ năm 2014. Đến cuối năm 2017, DF-17 cũng đã được phóng thử tại Nội Mông, đạt tầm bắn 1.400 km, cả hai cuộc thử nghiệm đều thành công. Hiện tầm bắn của DF-17 đã lên đến hơn 2.000 km, có thể vươn tới được các mục tiêu trong khu vực châu Á, thậm chí cả lãnh thổ Mỹ và dự kiến DF-17 có thể “nhập ngũ” trong năm 2020.

Tên lửa DF-17 xuất hiện trong lễ duyệt binh vừa qua của Trung Quốc. Nguồn: Sohu.

Do có tốc độ bay nhanh, chỉ mất 10 phút đã có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km nên hệ thống đánh chặn của đối phương cũng như vệ tinh dự báo, thông tin tình báo, radar phải đưa ra phản ứng trong thời gian cực ngắn, đây là vấn đề kỹ thuật còn nhiều khó khăn trên thế giới, điều này làm cho DF-17 trở thành “kẻ bất bại”.

DF-17 có khả năng đột phá phòng ngự cực mạnh, do đầu đạn của DF-17 có hình dạng giống như máy bay chiến đấu, phạm vi cơ động sang hai bên có thể đạt đến hàng nghìn km làm cho đối phương căn bản không thể thăm dò được quỹ đạo bay của đầu đạn. Ngoài ra, đầu đạn có tính năng tàng hình khi bay vào tầng điện li cũng làm giảm hiệu quả theo dõi của radar cảnh báo và theo dõi.

DF-17 được mệnh danh là “kẻ bất bại”? Nguồn:Sohu.

Tuy nhiên, ông Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự, tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc (Nga) nói với trang tin vz.ru rằng ông nghi ngờ về tầm bắn của DF-17. “Trung Quốc không cho thấy động cơ của DF-17 như thế nào, nên khó mà đánh giá được tầm bắn của nó”, ông Leonkov nói.

Ngoài ra, tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc không có công nghệ để tạo ra loại động cơ ở cấp độ này. Ngay cả xe tự hành của Trung Quốc chạy trên Mặt trăng cũng phải lắp đặt thiết bị hạt nhân của Nga. Do đó rất có thể, đây là một loại tên lửa tương tự tên lửa Kalibr của Nga hoặc Tomahawk của Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên chế tạo ra những tên lửa như vậy.

Chuyên gia Nga hoài nghi về tầm bắn của DF-17. Nguồn: Sohu

Theo đánh giá của chuyên gia Mỹ, DF-17 cơ bản không phải là đối thủ của hệ thống phòng không Mỹ và đồng minh. Hiện nay, mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa HVG, tuy nhiên Mỹ đã phát triển thành công hệ thống đánh chặn tên lửa ở khu vực liền kề không gian, trước khi bay vào tầng điện ly.

Ngoài ra, theo tiết lộ của Cục thiết kế nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA), cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu chương trình “người hủy diệt HVG” (Glide Breaker) từ năm 2018 nhằm đối phó với những tên lửa HVG của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, đến hiện nay, rất ít thông tin về những thành công của chương trình này được công khai.

Cùng với đó, trong dự kiến ngân sách năm tài khóa 2019, DARPA cũng không đệ trình ngân sách liên quan đến nghiên cứu hệ thống phòng ngự tên lửa HVG. Một số quan chức quân sự Mỹ cũng đề nghị bố trí hệ thống đánh chặn với 1.000 quả tên lửa trong không gian, để có thể tiêu diệu tên lửa đạn đạo khi chưa khởi động HVG hoặc sử dụng vệ tinh có gắn vũ khí laser để tiêu diệt tên lửa HVG.

DARPA đang tiến hành nghiên cứu “Glide Breaker”. Nguồn: Sohu

Nga cũng đã trình làng bản thiết kế hệ thống đánh chặn tên lửa HVG, hệ thống này dựa trên cơ sở cải tiến, nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện có.

Do hệ thống S-400 có thể đánh chặn mục tiêu ở cự li xa nhất là 400 km, và mục tiêu với tốc độ bay tối đa đạt 10 lần vận tốc âm thanh, nên việc nghiên cứu hệ thống đánh chặn tên lửa HVG dựa trên hệ thống S-400 là có tính khả thi, tuy nhiên Nga vẫn chưa tiết lộ cụ thể về hệ thống này.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo