Chiến trường Syria là nơi nhiều loại vũ khí Nga đã chứng tỏ được sức mạnh cũng như trở nên hoàn thiện hơn sau quá trình tham chiến, trường hợp mới nhất chính là tên lửa hành trình Kalibr.
Kalibr là một gia đình tên lửa hành trình rất độc đáo của hải quân Nga. Nó bao gồm nhiều phiên bản từ chống hạm, chống ngầm cho tới tấn công mặt đất, có tốc độ từ cận âm cho tới siêu âm.
Nền tảng mang phóng tên lửa hành trình Kalibr cũng rất phong phú, vũ khí này có thể triển khai từ tàu mặt nước, tàu ngầm, xe tải việt dã cũng như từ máy bay chiến đấu.
Biến thể 3M54 với dải tốc độ bay linh hoạt từ Mach 0,8 - Mach 2,9 và sở hữu tầm bắn lên tới 600 km được xem như tên lửa hành trình chống hạm đáng sợ nhất thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, trong khi các biến thế chống hạm hay chống ngầm của Kalibr mới chỉ thể hiện tính năng trên lý thuyết hay trong các cuộc tập trận thì phiên bản đối đất 3M14 của nó đã được thực chiến tại chiến trường Syria.
Phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 có tốc độ cận âm Mach 0,8, tầm bắn nằm trong khoảng 1.500 - 2.500 km và mang theo được một đầu đạn cỡ lớn trọng lượng lên tới 400 kg, tạo ra sức hủy diệt rất lớn.
Hải quân Nga đã phóng hàng chục tên lửa Kalibr vào các mục tiêu khủng bố ở Syria kể từ năm 2015. Tên lửa này được sử dụng rộng rãi để tấn công các vị trí chủ chốt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và gây ra rất nhiều thiệt hại cho chúng.
Phiên bản xuất khẩu của tên lửa 3M14 mặc dù tầm bắn bị giảm xuống chỉ còn 300 km để phù hợp với Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa - MTCR nhưng vẫn là món hàng rất ăn khách trên thị trường vũ khí quốc tế.
Mặc dù vậy, tên lửa Kalibr không phải là sản phẩm hoàn hảo. Trong quá trình tham chiến tại Syria, nó đã bộc lộ một số nhược điểm dẫn đến yêu cầu cấp thiết là phải nâng cấp.
Phiền toái lớn nhất mà tên lửa 3M14 gây ra đó là thời gian để nạp dữ liệu vào "bộ não" của nó trước khi thực hiện nhiệm vụ là tương đối lâu, khiến cho đôi khi bỏ lỡ mục tiêu.
Trước tình hình trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân đưa ra yêu cầu nâng cấp và các quan chức Bộ Quốc phòng Nga cũng như những kỹ sư quân sự hàng đầu của nước này đã tích cực làm việc để mang lại kết quả.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu trong cuộc phỏng vấn với Moskovsky Komsomolets vào ngày 22/9 đã thông báo rằng quá trình nâng cấp tên lửa Kalibr theo "kinh nghiệm Syria" đã thu về kết quả khả quan.
Bộ trưởng Shoigu nói rằng trước kia mất quá nhiều thời gian để cài đặt nhiệm vụ chuyến bay cho tên lửa Kalibr, tuy nhiên hiện nay quá trình này đã được đơn giản hóa đi rất nhiều.
Ngoài thời gian cài đặt hành trình bay, mức độ tin cậy của tên lửa Kalibr cũng được cho là đã cải thiện vượt trội, bảo đảm không còn tình trạng một số tên lửa bị rơi dọc đường như trước kia nữa.
Cuộc chiến Syria rõ ràng là một "phòng thí nghiệm" lớn của quân đội Nga, giúp cho nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự của họ được hoàn thiện với chất lượng tốt hơn.
Ông Shoigu lưu ý thêm rằng, khoảng 300 loại vũ khí đã được tinh chỉnh nhờ vào kinh nghiệm có được ở Syria. Tuy nhiên 12 chủng loại khác vốn được coi là có triển vọng trước đó đã bị đưa ra khỏi kế hoạch sản xuất và trang bị vì không đáp ứng được yêu cầu.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô