Tham vọng cao, Thái Lan đặt đóng tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071E
Hải quân hoàng gia Thái Lan là lực lượng duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu tàu sân bay, tuy nhiên tham vọng của họ chưa dừng lại ở đây, bằng chứng là hợp đồng đóng mới tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071E vừa được ký kết.
Khám phá pháo hạm cỡ lớn nhất trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam / Tàu sân bay Anh mang đầy F-35 chuẩn bị tới biển Đông
Tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet (R911) được hạ thủy ngày 20/1/1996, đến ngày 20/3/1997 chính thức gia nhập Hải quân hoàng gia Thái Lan, nó là hàng không mẫu hạm nhỏ nhất thế giới.
Chiếc HTMS Chakri Naruebet R911 chỉ có lượng giãn nước 11.486 tấn, với chiều dài 182,65 m và chiều rộng 30,5 m (tương đương một tuần dương hạm), tốc độ cao nhất đạt 27 hải lý/h.
Thời gian đầu chiếc Chakri Naruebet được trang bị tiêm kích hạm cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng dòng AV-8 Harrier và cả trực thăng hải quân S-70 Seahawk, nhưng hiện nay chỉ còn máy bay lên thẳng là hoạt động được trên tàu này.
Việc hải quân Thái Lan đầu tư mua sắm tàu sân bay bị đánh giá là một sai lầm lớn bởi lợi ích mà nó mang lại là quá ít, chỉ tương đương tàu đổ bộ, trong khi chi phí vận hành cực cao.
Chính vì vậy khi mới đây vào hôm 9/9, việc Hải quân hoàng gia Thái Lan ký kết hợp đồng với phía Trung Quốc để đóng tàu đổ bộ cỡ lớn (LPD) Type 071E bị nghi ngờ rất nhiều về tính hiệu quả.
Được biết Type 071E là bản sửa đổi cho mục đích xuất khẩu dựa trên tàu đổ bộ Type 071 lớp Côn Lôn Sơn đang phục vụ trong hải quân Trung Quốc, con tàu có một số thay đổi về kích thước cũng như công năng so với bản gốc.
Chiếc Type 071E có kích thước khổng lồ với lượng giãn nước đầy tải lên tới 22.000 tấn, chiều dài 210 m, chiều rộng 28 m, mớn nước 17,4 m, các thông số này vượt xa tàu sân bay Chakri Naruebet.
Hệ thống động lực của Type 071E là động cơ CODAD (kết hợp diesel - diesel) với 4 máy chính, cho vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h.
Sở hữu thiết kế rất độc đáo, tàu đổ bộ Type 071E cung cấp một mặt sàn cực kỳ rộng giúp tăng sức chứa và có đủ diện tích để dựng bệnh viện dã chiến hoặc các phòng chỉ huy tạm ngay trên tàu.
Mặc dù thân tàu rất rộng nhưng trọng tâm của Type 071E lại được thiết kế về đúng giữa, giúp tàu giảm thiểu việc bị nghiêng khi di chuyển trên khu vực biển động.
Tàu có tổng cộng 3 tầng, bao gồm tầng cuối cùng để phương tiện đổ bộ qua lối cửa mở phía sau, tầng giữa đặt các phương tiện vận tải, trang thiết bị đổ bộ và tầng trên cùng bao gồm tháp chỉ huy, sân đỗ và nhà chứa trực thăng.
Sân đỗ trên tàu đổ bộ Type 071 nguyên bản có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng và tối đa có thể mang theo tới 4 trực thăng trong khoang chứa của mình.
Tuy nhiên ở biến thể Type 071E thì nhà chứa được rút ngắn (sức chứa từ 4 xuống 2 trực thăng) nhưng sàn đáp lại được kéo dài (2 trực thăng tăng lên 3 chiếc đồng thời hoạt động).
Hỏa lực chính trên tàu bao gồm một khẩu hải pháo H/PJ-26 cỡ 76 mm. Đây là biến thể từ pháo AK-176 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn tối đa 15,5 km và tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút.
Bên cạnh đó là 4 khẩu pháo cao tốc AK-630 cỡ 30 mm có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút và là lớp phòng thủ cuối cùng của tàu đổ bộ Type 071. Phía Trung Quốc cho biến phiên bản Type 071E sẽ lắp thêm một tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N.
Type 071E có thể chở theo 800 lính thủy đánh bộ, biên chế thủy thủ đoàn đầy đủ là 150 người. Bên cạnh đó, tàu có thể mang theo 15 - 20 phương tiện thiết giáp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng lội nước.
Kích cỡ rất lớn của tàu đổ bộ Type 071E bị nhận xét là vượt quá nhu cầu của Hải quân hoàng gia Thái Lan và đang xuất hiện lo ngại nó lại là một sự lãng phí nữa tương tự tàu sân bay Chakri Naruebet.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Trong biên chế Hải quân hoàng gia Thái Lan có một tàu sân bay cỡ nhỏ với kích thước rất khiêm tốn, do nước này đặt hàng Tây Ban Nha đóng mới trong thập niên 1990.