Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ sớm triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf tới khu vực Bắc Syria nhằm đề phòng nguy cơ bị tấn công đường không.
Theo ghi nhận từ thực địa, quân đội chính phủ Syria (SAA) và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dồn một lượng lớn binh lính cùng phương tiện chiến đấu tới sát thành phố Manbij.
Khả năng giữa hai quân đội chính quy xảy ra một trận chiến lớn nhằm giành giật địa bàn chiến lược này là điều đã được cảnh báo trước, khi Ankara nhiều lần tuyên bố sẽ chiếm khu vực Bắc Syria bằng mọi giá.
Kể cả trong trường hợp các tay súng người Kurd thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) đạt được thỏa thuận với SAA để bàn giao Manbij thì cũng rất khó ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Với tiềm lực quân sự vượt trội, các nhà quan sát tình hình khu vực đánh giá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bận tâm xem SDF hay SAA đang nắm giữ Manbij khi họ có thể chiến thắng một cách khá dễ dàng.
Vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ cần quan tâm hiện nay đó là sức phản kháng của quân đội Syria có thể gây cho mình bao nhiêu thiệt hại để từ đó tìm biện pháp hạn chế tối đa.
Chắc chắn máy bay Nga sẽ đứng ngoài cuộc và không yểm trợ hỏa lực cho bộ binh Syria, vì vậy mà các chiến đấu cơ của Damascus sẽ phải lĩnh trách nhiệm nặng nề tại Manbij.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy họ không hề xem nhẹ mối nguy cơ từ không quân Syria, bằng chứng là họ đã điều động các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 Hawk tới trấn giữ khu vực biên giới.
Tuy nhiên MIM-23 Hawk là vũ khí đã cao tuổi và bị đánh giá tương đối lạc hậu, tầm bắn cũng khá ngắn. Chính vì vậy nhiều khả năng để tạo ưu thế tuyệt đối Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa tới đây một vũ khí vượt trội.
Đó chính là các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận từ Nga, kíp trắc thủ của họ cũng đã hoàn thành khóa huấn luyện tại Nga từ lâu, hoàn toàn đủ sức vận hành độc lập.
Tính năng kỹ chiến thuật của các chiến đấu cơ Syria là khá yếu kém, nếu phải đối đầu với tổ hợp S-400 Triumf của Thổ Nhĩ Kỳ thì cơ may sống sót gần như là không có.
Bởi vậy nếu thực sự Thổ Nhĩ Kỳ có ý định triển khai S-400 tới vùng chiến sự để lập ô phòng không thì tiêm kích Syria sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc "nằm đất".
Trong tình cảnh này có lẽ Nga là bên cảm thấy khó xử nhất, khi một phía là đồng minh còn lại là đối tác quan trọng hàng đầu, họ chẳng thể thiên hẳn về Ankara hay Damascus.
Trong trường hợp S-400 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Syria thì Nga sẽ rất khó xoa dịu Damascus, còn nếu như kíp trắc thủ của Ankara chưa nắm vững hoàn toàn tính năng của S-400 dẫn đến bắn trượt thì uy tín của S-400 sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Mặc dù vậy còn một khả năng nữa được nhắc đến đó là với sức mạnh không quân vượt trội, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều động tiêm kích F-16 tuần tra liên tục trên bầu trời khu vực giao tranh.
Không quân Syria với máy bay MiG-23/29 lạc hậu khó lòng đánh thắng nổi F-16 vừa đông đảo vừa hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu vậy Ankara sẽ không cần mạo hiểm sớm điều động S-400 tham chiến, có lẽ đây là kịch bản mà Nga mong chờ nhất.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô