Quốc tế

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo Azerbaijan và Armenia có giải quyết mâu thuẫn sâu xa?

Một lệnh ngừng bắn tạm thời vì lý do nhân đạo, một tín hiệu mừng, cũng được xem là cơ hội để Azerbaijan và Armenia giải quyết hòa bình cuộc xung đột này.

Armenia điều tiêm kích Su-30SM đến gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ / Military Watch đánh giá cao lợi thế vũ khí mới của Su-57

Súng đạn đã nổ và tiếp diễn suốt 2 tuần tại Nagorno-Karabakh, nằm ở Nam Kavkaz, giữa hai nước từng thuộc Liên xô cũ là Azerbaijan và Armenia. Một lệnh ngừng bắn mong manh vừa đạt được với nỗ lực trung gian của Nga. Những mâu thuẫn từ lịch sử, mang đậm yếu tố sắc tộc, tôn giáo, lúc âm ỉ, lúc bùng phát, nhưng đây được xem là lần đụng độ nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều năm. Căng thẳng ở vùng đất vị trí chiến lược, sát thềm lục địa châu Âu, giao điểm của các cường quốc,... liệu chỉ là câu chuyện của riêng Azerbaijan và Armenia?.

Lịch sử xung đột

Một lệnh ngừng bắn tạm thời vì lý do nhân đạo, một tín hiệu mừng, cũng được xem là cơ hội để Azerbaijan và Armenia giải quyết hòa bình cuộc xung đột này. Nhưng với căn cốt là mâu thuẫn hàng trăm năm giữa hai cộng đồng dân cư chính, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và ý chí chính trị của các bên, một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo có đủ vững chắc để giải quyết sâu xa tình hình, hay cần thêm những gì?

Nam Kavkaz, bao gồm lãnh thổ Azerbaijan và Armenia, là khu vực chiến lược ở Đông Âu. Hàng thế kỷ qua, nằm giữa ranh giới tranh chấp của các đế chế lớn trong lịch sử: Nga, Ottoman và Ba Tư. Các đế chế sụp đổ đã hàng trăm năm, nhưng tình hòa hữu giữa hai nước láng giềng chưa bao giờ thực sự trọn vẹn. Trung tâm mâu thuẫn nằm ở Nagorno-Karabakh và 7 tỉnh phụ cận.

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo Azerbaijan và Armenia có giải quyết mâu thuẫn sâu xa? - Ảnh 1.
Khói bốc lên sau khi đạn pháo rơi xuống thành phố Stepanakert ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh hôm 9/10. Ảnh: Reuters

Năm 1920, Armenia và Azerbaijan trở thành một phần của Liên bang Xô viết. Dù có đa số dân là người Armenia, vùng Nagorno-Karabakh khi đó được Liên Xô giao quyền quản trị cho Azerbaijan, rồi sau đó vùng này trở thành khu tự trị.

Sau một khoảng thời gian dài, các xung đột được kiềm chế khi cả hai quốc gia đều thuộc Liên Xô, thì tới cuối những năm 1980 căng thẳng lại bùng phát. Khác biệt quan điểm về các vùng lãnh thổ, những biên giới chung tiếp tục nhen nhóm. Dù nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, chính quyền tự trị không được quốc tế thừa nhận của Nagorno-Karabakh bỏ phiếu sáp nhập với Armenia.

Ngày 27/ 9/2020, chính quyền tự xưng Nagorno-Karabakh cáo buộc quân đội Azerbaijan pháo kích vào khu vực dân cư. Phía Azerbaijan thì cho rằng đây là để đáp trả động thái tương tự từ quân đội Armenia trước đó ít giờ.

Armenia thiết quân luật, Azerbaijan ban bố tình trạng chiến tranh. Hai phía triển khai tăng, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, đủ loại khí tài quân sự tới ranh giới xung đột. Đến giờ thì giao tranh đã khiến ít nhất hơn 300 người thiệt mạng, trong đó 50 người là dân thường.

Hôm qua (10/10), hai nước vừa thực thi lệnh ngừng bắn nhân đạo, rồi sau vài giờ cả hai bên đã cáo buộc nhau vi phạm.

 

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo Azerbaijan và Armenia có giải quyết mâu thuẫn sâu xa? - Ảnh 2.
Hậu quả của những đòn tấn công tại Stepanakert (Nagorno-Karabakh, trái) và Ganja (Azerbaijan, phải). Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia, Hikmet Hajiyev

Xung đột Azerbaijan - Armenia kéo theo sự can dự từ các quốc gia có liên quan, trong đó trực tiếp là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đàm phán kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ tại Moscow, một thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan đã đạt được tại khu vực tại Nagorno-Karabakh từ ngày 10/10. Kết quả này có vai trò rất lớn của Nga, với tư cách là một quốc gia đối tác và là đồng chủ tịch của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE. Đây cũng được xem là một bước đi quan trọng để Nga duy trì vị thế cũng như lợi ích của mình ở vùng Kavkaz.

Nga duy trì vai trò và ảnh hưởng tại Nam Kavkaz

Armenia và Azerbaijan là hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và đều là thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG. Nước Nga trong hai thập niên dưới thời Tổng thống Putin đã từng bước thực hiện các chính sách đối ngoại để lấy lại ảnh hưởng ở những vùng trước đây thuộc Liên Xô.

Khu vực Nam Kavkaz, trong đó có Armenia và Azerbaijan, nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á, có ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với Nga. Xung đột vũ trang tại Karabakh, nếu bùng phát, có thể tạo lỗ hổng an ninh gây bất ổn trong khu vực, sẽ kéo nhiều quốc gia tham gia vào một cuộc сhiến lớn hơn. Nga cần sự hòa bình và ổn định ở Kavkaz. Chính vì điều này Nga luôn nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Karabakh vào năm 1994, năm 2016 và lúc này.

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo Azerbaijan và Armenia có giải quyết mâu thuẫn sâu xa? - Ảnh 3.
Những gì còn lại của một căn hộ sau trận giao tranh tại thành phố Stepanakert, Nagorno-Karabakh, ngày 3/10. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cho rằng cuộc xung đột ở Karabakh có thể khiến quay trở lại thời kỳ chiến tranh Nga - Thổ. "Đó là tổn thất và sai lầm - Nga sẽ không hỗ trợ bất kỳ ai trong cuộc chiến vô nghĩa này và sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất để không mất ảnh hưởng trong khu vực".

 

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, cuộc xung đột ở Karabakh không chỉ gây thương vong và tàn phá vùng Nam Kavkaz và có thể cả một phần của Bắc Kavkaz, mà còn là một cuộc đảo ngược địa chính trị cực kỳ nguy hiểm trong thế giằng co của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và không loại trừ cả những nước khác.

Lệnh ngừng bắn mong manh vừa đạt được giữa Armenia và Azerbaijan

Gọi là mong manh bởi hai bên chỉ nhất trí ngừng bắn vì mục đích nhân đạo chứ chưa đi tới thống nhất về xung đột Nagorno-Karabakh đã kéo dài hàng thập kỷ. Dù sao đây cũng là kết quả khích lệ ban đầu nhờ vào vai trò trung gian của Nga.

Ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga cho biết: "Chúng tôi thống nhất về 1 lệnh ngừng bắn được thiết lập từ 12h ngày 10/10 nhằm trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong cuộc xung đột. Armenia và Azerbaijan cũng dự kiến bắt đầu các cuộc đàm phán "thực chất" về khu vực Nagorno-Karabakh, dưới sự trung gian hòa giải của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)".

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo Azerbaijan và Armenia có giải quyết mâu thuẫn sâu xa? - Ảnh 4.
Ông Putin vào cuộc giúp hai nước Liên Xô cũ giải quyết xung đột. Ảnh: Reuters

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã lập ra cơ chế bộ ba bao gồm Mỹ, Pháp và Nga, đảm trách vai trò trung gian hòa giảivà tìm kiếm giải pháp dứt điểm cuối cùng cho vấn đề Nagorno-Karabakh. Xung đột từng được hóa giải vào năm 1994, thế nhưng chỉ riêng việc thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 giữa Armenia - Azerbaijan từ đó đến nay không được hai bên thực thi đầy đủ, chứ chưa nói đến giao tranh quân sự xảy ra như hiện tại cũng đủ để cho thấy cơ chế bộ ba nói trên chưa phát huy hiệu quả.

 

Mỹ, NATO hay cả EU cũng không có cách nào hơn ngoài việc lên tiếng yêu cầu hai bên chấm dứt chiến sự và cùng nhau tìm kiếm giải pháp hòa bình. Nỗ lực tìm lối thoát cho xung đột Nagorno – Karabakh giờ được cho phụ thuộc vào vai trò cá nhân của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trước khi đàm phán diễn ra giữa giữa Armenia và Azerbaijan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Azerbaijan để thảo luận về xung đột.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói: "Thổ Nhĩ Kỳ nhất định phải tham gia vào bất kỳ tiến trình hòa bình sắp tới nào. Các cuộc đụng độ không thể diễn ra mãi mãi, vì vậy tiến trình hòa bình càng sớm càng tốt để có thể đạt được hòa bình lâu dài, bền vững trong khu vực".

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang thể hiện mình trong việc hóa giải xung đột. Thế nhưng, đằng sau đó, cả hai đều có những toan tính chiến lược của riêng mình. Armenia thì được Nga hậu thuẫn, quốc gia này có đặt căn cứ quân sự Nga và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu, một tổ chức quân sự tương tự NATO. Trong khi đó, Azerbaijan lại là một đồng minh thân cận với Thổ Nhĩ Kỳ, mua nhiều vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc xung đột hiện nay có thể tạm lắng dịu, nhưng những cạnh tranh giữa Armenia và Azerbaijan hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục âm ỉ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm